Xử lý thuốc lá lậu gặp khó do luật... “vênh” nhau
- Xe khách giường nằm "cõng" hơn 4000 gói thuốc lá lậu
- Tài xế bỏ ôtô gây tai nạn chứa hơn 6.800 bao thuốc lá lậu
- Tài xế xe cấp cứu chở 750 gói thuốc lá lậu bị xử phạt gần 700 triệu đồng
- Người phụ nữ một mình lái ô tô lên biên giới chở thuốc lá lậu
- Nhiều vướng mắc trong xử lý hình sự với thuốc lá lậu
Xác định thời điểm cuối năm là “mùa làm ăn” nên các đối tượng buôn lậu thuốc lá ráo riết tập kết, cho hàng vượt biên giới, tuồn sâu vào nội địa, chờ cơ hội để tung ra thị trường.
Sau Tọa đàm: “An toàn, hiệu quả trong đấu tranh chống thuốc lá lậu địa bàn trọng điểm phía Nam” do Báo CAND tổ chức vừa qua, Báo CAND tiếp tục ghi nhận nhiều ý kiến từ lực lượng trực tiếp chống thuốc lá lậu, cho thấy một trong những nguyên nhân cơ bản khiến cho “cuộc chiến” này thời gian qua chưa thực sự hiệu quả là do sự thiếu nhất quán trong quy định của pháp luật liên quan đến xử lý các hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu.
Trung tá Nguyễn Văn Phạn, Đội trưởng Đội 6, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, theo Nghị định (NĐ) 59/2006/NĐ-CP, thuốc lá (TL) điếu và các dạng TL thành phẩm khác thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh (KD).
Tang vật trong một vụ buôn lậu thuốc lá tại biên giới An Giang. |
Ngày 7-5-2009, Chính phủ ban hành NĐ 43/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung NĐ 59 xác định: TL điếu, xì gà và các dạng TL thành phẩm khác nhập lậu thuộc danh mục hàng hóa cấm KD; TL điếu và các loại TL sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu hợp pháp vẫn là hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa hạn chế KD.
Điều 9, Luật Phòng chống tác hại TL năm 2012 quy định “mua bán, tàng trữ, vận chuyển TL nhập lậu” là những hành vi bị nghiêm cấm. Trong khi đó, theo Điều 6, Luật Đầu tư năm 2014, trong số 5 ngành, nghề cấm đầu tư KD nhưng lại không có TL điếu, xì gà và các dạng TL thành phẩm nhập lậu; KD sản phẩm TL là ngành nghề KD có điều kiện. Chính quy định này dẫn đến cách hiểu TL điếu nhập lậu (và pháo nổ) không phải là hàng cấm.
Đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ TL ngoại nhập lậu, việc xác định số lượng làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đang áp dụng theo Thông tư liên tịch số 36/2012 ngày 7-12-2012 của liên Bộ Tài chính, Công an, Tư pháp, Y tế, VKS và TAND tối cao (gọi tắt là Thông tư 36), nếu đủ định lượng thì phải xử lý hình sự theo Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi bổ sung 2009.
Trong khi hiện nay, NĐ 124/2015/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung một số điều của NĐ 185/2013/NĐ-CP) quy định: “Đối với hành vi buôn bán hàng cấm là TL điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sơ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính”.
Chính sự khác nhau này dẫn đến việc: Nếu áp dụng NĐ 124 thì các tình tiết “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn” được hiểu như thế nào để định khung hình phạt? Hơn nữa, NĐ 124 ra đời sau khi Hiến pháp 2013 có hiệu lực nên nếu vận dụng sẽ trái quy định của Hiến pháp 2013.
Xuất phát từ thực tiễn của “cuộc chiến” chống TL lậu, lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế các tỉnh biên giới Tây Nam như: Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang cho biết, hiện cơ quan tiến hành tố tụng địa phương đang thụ lý nhiều vụ liên quan đến TL lậu nhưng do sự khác nhau trong các văn bản pháp luật nên việc giải quyết gặp nhiều khó khăn.
Cuối tháng 1-2016, TAND tối cao có công văn về việc tạm dừng xét xử đối với các hành vi vận chuyển, tàng trữ TL điếu (và cả pháo nổ) nhập lậu trong nội địa; đồng thời có văn bản đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét giải thích làm rõ quy định của Luật Đầu tư 2014, Luật Thương mại và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để các cơ quan tiến hành tố tụng có cơ sở xác định TL điếu nhập lậu (và pháo nổ) có phải là hàng cấm hay không.
Theo BLHS 2015, hàng cấm là những loại hàng hóa Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam. Theo đó, hàng cấm không chỉ là những loại hàng hóa theo các ngành, nghề cấm kinh doanh được quy định tại Luật Đầu tư năm 2014 mà bao gồm tất cả các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh được ban hành kèm theo NĐ 59 và NĐ 43, trong đó TL điếu nhập lậu (và pháo nổ các loại) là hàng cấm.
Tuy nhiên, theo Hiến pháp 2013, việc quy định những loại hàng hóa nào Nhà nước cấm KD, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng… liên quan đến việc xác định hành vi của một người có bị xử lý hình sự hay không phải do luật định.
Thực tế hiện chỉ có Luật Đầu tư 2014 quy định 5 ngành, nghề cấm đầu tư KD; còn các loại hàng hóa khác được nêu tại Điều 190, 191 BLHS 2015 chưa được đưa vào luật, mà chỉ mới được nêu tại NĐ 59 và NĐ 43.
Đối với việc áp dụng pháp luật để xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ TL điếu, xì gà và các dạng TL thành phẩm nhập lậu, theo quy định BLHS 2015, TL nhập lậu phải được định giá (nếu phát hiện trong nội địa thì hàng phạm pháp phải có giá trị từ 100 triệu trở lên; nếu buôn bán hàng qua biên giới thì hàng phạm pháp phải có giá trị từ 50 triệu trở lên mới cấu thành tội phạm).
Tuy nhiên, hàng cấm bị cấm lưu thông trên thị trường không xác định được giá nên việc trưng cầu giám định hàng cấm không thực hiện được; dẫn đến việc xử lý gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Chưa hết, với những vụ án liên quan đến TL lậu bị phát hiện, khởi tố trước 1-7-2016, theo quy định tại Nghị quyết 109/2015/QH13 về việc thi hành BLHS, kể từ 1-7-2016, các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0h ngày 1-7-2016 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xẻt giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích.
Nếu áp dụng BLHS 2015 để định giá TL nhập lậu theo hướng dẫn tại Thông tư số 36, sẽ có rất nhiều vụ án giá trị hàng phạm pháp dưới 50 triệu đồng (đối với trường hợp mua bán, vận chuyển qua biên giới) và dưới 100 triệu đồng (đối với vận chuyển, tàng trữ trong nội địa), chưa đến mức xử lý hình sự.
Áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo nêu trong Nghị quyết 109, đến ngày 1-7-2016, những hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ TL điếu nhập lậu có giá trị dưới mức quy định như kể trên sẽ được miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt do thay đổi của pháp luật.
Theo Nghị quyết 109, các tình tiết “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn” được áp dụng để khởi tố bị can trước 0 giờ ngày 1-7-2016 vẫn áp dụng quy định của BLHS 1999 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.
Theo đó, đối với những vụ án khởi tố trước ngày 1-7-2016, về nguyên tắc có thể áp dụng hướng dẫn tại Thông tư 06/2008 và Thông tư số 36 để xử lý. Nếu đến 1-7-2016 mà chưa kết thúc thì phải áp dụng Nghị quyết 109 để đình chỉ, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt đối với những trường hợp sau khi định giá hàng phạm pháp không đủ giá trị đến mức bị xử lý hình sự theo quy định tại BLHS 2015.
Vì vậy, đối với những vụ án giá trị hàng phạm pháp dưới 50 triệu đồng (đối với trường hợp mua bán, vận chuyển qua biên giới) và dưới 100 triệu đồng (đối với vận chuyển, tàng trữ trong nội địa), chưa đến mức xử lý hình sự theo BLHS 2015 được phát hiện tại thời điểm hiện nay có nên khởi tố, điều tra hay không, hay chuyển xử lý vi phạm hành chính?; bởi nếu khởi tố điều tra, bắt tạm giam nhưng sau đó vẫn phải đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt thì có nên thực hiện?.