Xã tự ý thu tiền của dân để tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả châu Phi

Thứ Ba, 30/07/2019, 08:46
Người dân ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam rất bức xúc vì mỗi khi có lợn nhiễm dịch tả châu Phi (DTLCP), họ phải nộp tiền mới được lực lượng chức năng thu gom, xử lý.

Theo phản ánh, từ đầu tháng 7-2019 đến nay, khi thu gom, vận chuyển xác lợn nhiễm DTLCP, lực lượng chức năng xã Bình Triều (huyện Thăng Bình) đã tự ý thu tiền của người dân trái quy định. Với số lợn tiêu hủy cân nặng dưới 1 tạ sẽ thu của người dân 200 nghìn đồng, trên 1 tạ thu 300 nghìn đồng, 2 tạ thu 400 nghìn đồng… 

Bà Hồ Thị C (trú thôn 2, xã Bình Triều) cho biết, gia đình bà chăn nuôi lợn nhiều năm nay. Vừa qua gia đình bà có 2 con lợn chết do nhiễm DTLCP. Sau khi phát hiện, bà báo cáo chính quyền địa phương để xử lý. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng xuống thì gia đình bà phải nộp 500 nghìn đồng cho những người này thì lợn chết mới được chở đi tiêu hủy. Khi nộp tiền không có bất cứ hóa đơn, chứng từ nào. 

Một bãi chôn lấp lợn bệnh trên địa bàn xã Bình Triều.

“Khi lợn tôi bị chết, tôi đã gọi báo cho cán bộ Thú y xã đến để xử lý và cân lợn dịch. Cán bộ Thú y đã thuê ông H (người dân địa phương) đến chở lợn đi tiêu hủy, tuy nhiên họ lại thu tiền mà không có bất kỳ một hóa đơn, chứng từ nào. Chỉ có xã này thu gom lợn dịch bệnh mới phải nộp tiền chứ các xã khác là có đội tiêu hủy lợn chết chứ làm gì có chuyện này”, bà C bức xúc nói. 

Anh Vũ Đ ở thôn Vân Tây, xã Bình Triều, cũng cho biết, phải tốn 200 nghìn đồng nộp cho lực lượng chức năng khi tiêu hủy một con lợn nhiễm DTLCP dưới 1 tạ… 

Tìm hiểu được biết, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định, hoặc trình HĐND các tỉnh, thành phố quyết định mức hỗ trợ cán bộ Thú y, những người tham gia phòng chống dịch mức hỗ trợ không thấp hơn ngày công lao động địa phương, mức 200 nghìn đồng/ngày làm việc, 400 nghìn đồng/ngày nghỉ, lễ, Tết. 

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Ba, Chủ tịch UBND xã Bình Triều thừa nhận việc này sai, không đúng quy định. Nhưng ông Ba thanh minh rằng, trong khi chưa có tiền, để tiêu hủy lợn nhanh, hạn chế dịch lây lan địa phương phải chấp nhận ứng trước tiền trong dân và sau đó sẽ trả lại cho người dân. Hiện nay đã ứng trước, thu tiền trong dân khoảng 125 triệu đồng. 

Theo ông Ba, việc tìm kiếm lao động vận chuyển, tiêu hủy lợn bệnh rất khó, nắng nóng cực khổ không ai chịu làm và một phần dân yêu cầu đến tiêu hủy cho họ. Địa phương không thu tiền của người dân mà tiền này là trước mắt bà con bỏ ra một khoản kinh phí, mà người dân cũng đồng ý. Còn chuyện bồi dưỡng thêm vài ba hào của dân thì ông Ba không biết. 

“Khi thu của người dân không có hóa đơn, sau này căn cứ theo hợp đồng lao động, biên bản mỗi hộ gia đình, số lượng con, số lượng ký để trả lại cho dân. Trong thời gian tới sẽ chấn chỉnh việc này”, ông Ba nói. 

Ngày 29-7, UBND huyện Thăng Bình đã ban hành công văn chấn tình trạng thu tiền của người chăn nuôi trong quá trình tiêu huỷ lợn mắc bệnh DTLCP gửi UBND các xã, thị trấn. 

Công văn nêu rõ hiện nay trên địa bàn huyện Thăng Bình đã xuất hiện DTLCP ở 22 xã, thị trấn và lây lan rất nhanh, chưa có dấu hiệu dừng lại, khối lượng lợn tiêu hủy tại các xã, thị trấn là rất lớn. 

Bên cạnh việc một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng môi trường, việc tiêu hủy lợn bệnh chưa đúng quy trình kỹ thuật… trong quá trình vận chuyển có thu tiền công vận chuyển của người chăn nuôi có lợn mắc bệnh phải hủy. 

Do đó, UBND huyện Thăng Bình yêu cầu các xã triển khai, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác phòng, chống DTLCP về cơ chế chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức kinh phí hỗ trợ trong phòng chống dịch bệnh; tuyệt đối không thu tiền của người chăn nuôi trong công tác phòng chống dịch và tiêu hủy lợn mắc bệnh. 

Nếu địa phương nào thu tiền công vận chuyển của người nuôi có lợn mắc bệnh phải tiêu hủy không đúng quy định thì phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện. 

UBND xã sử dụng nguồn ngân sách dự phòng, kết dư, sự nghiệp kinh tế và các nguồn ngân sách khác của địa phương để triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống DTLCP trên địa bàn… 

Theo thống kê, tính đến ngày 28-7, trên địa bàn huyện Thăng Bình có 22/22 xã, thị trấn có DTLCP, số lượng lợn đã tiêu hủy là 1,881,721.9kg.

Hà Vy
.
.
.