Vụ “giải tỏa hơn 1.300 cây xà cừ”: Phải ưu tiên bảo tồn
- Thanh lý hàng cây xà cừ 37 năm tuổi vì nâng cấp tuyến đường
- Chủ tịch Hà Nội: “Không thể trồng xà cừ cổ thụ trên các tuyến phố”
Trước đó, theo thông tin từ Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, để phục vụ việc mở rộng đường Phạm Văn Đồng, đoạn từ cầu vượt Mai Dịch đến cầu Thăng Long khoảng 5km, ngoài việc giải tỏa công trình nhà, hạ tầng dọc tuyến, theo phương án do đơn vị tư vấn lập, dự kiến tổng số cây cần dịch chuyển, giải tỏa và cắt tỉa là 1.315 cây, chủ yếu là cây xà cừ. Trong đó, giữ nguyên 142 cây; dịch chuyển 158 cây; phải giải tỏa, chặt hạ 1.015 cây. Hàng cây cần di chuyển, giải tỏa nằm trong phạm vi mở rộng đường, các đường dẫn lên xuống đường trên cao. Cây xà cừ trên đoạn tuyến này chủ yếu được trồng từ những năm 1980 trở lại đây.
Đại diện Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cũng cho biết, việc mở rộng đường Phạm Văn Đồng là cần thiết và cần phải đẩy nhanh tiến độ để Bộ Giao thông Vận tải làm đường vành đai 3 trên cao giai đoạn 3 từ Mai Dịch tới cầu Thăng Long. Do vậy, việc di dời, chặt hạ cây xanh trên đoạn tuyến này là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, tại cuộc họp với tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức diễn ra gần đây nhất, đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, thông tin dịch chuyển giải tỏa 1.300 cây xanh trên tuyến đường Phạm Văn Đồng đến nay mới là phương án đề xuất của đơn vị tư vấn và chủ đầu tư dự án đưa ra, Hà Nội chưa quyết định.
Quan điểm nhất quán của lãnh đạo thành phố trong phương án quy hoạch đầu tư xây dựng là tránh tối đa vùng cây xanh, công viên, hồ nước. Trong trường hợp bắt buộc dịch chuyển, giải tỏa cây xanh nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng thì phải được tính toán chặt chẽ, chọn phương án tối ưu với ưu tiên hàng đầu là bảo tồn, di chuyển dù có thể phát sinh chi phí. Trong điều kiện không thể dịch chuyển mới phải giải tỏa, chặt hạ.
Thông tin này đưa ra đã gây nên sự tiếc nuối lớn cho người dân Hà Nội, đặc biệt là dân cư sống xung quanh trục đường Phạm Văn Đồng. Con đường vốn luôn ùn ứ, quá tải và bụi bặm, hàng cây xà cừ xanh mướt có niên đại vài chục năm là một điểm nhấn về cảnh quan và làm dịu mát môi trường vốn đang ồn ào, chật chội. Nhiều người không chỉ tiếc nuối mà còn tỏ ra sốc như chuyện từng xảy ra tại dự án đường sắt trên cao Nguyễn Trãi – Hà Đông. Liệu cây xanh có trồng lại được không và đến khi nào mới có những lá phổi xanh đã từng tồn tại như vậy?
Cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng. |
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên ngày 18-9, KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng trong quá trình phát triển của thành phố, chúng ta phải di dời cây xanh hay những hạng mục nào đó phục vụ phát triển quy hoạch chung. Tuy nhiên, theo ông, khi di dời hơn 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng để phục vụ việc mở rộng đường Phạm Văn Đồng thì phải tính đến những vấn đề như sau: Thứ nhất là đây đã là biện pháp khả thi chưa? Nếu đây chưa là biện pháp khả thi thì có giải pháp nào tốt hơn hay không để vẫn mở rộng phát triển đường vành đai mà không ảnh hưởng đến 1.300 cây xanh.
Bên cạnh đó, trong trường hợp bất khả kháng thì hạn chế tối đa việc chặt cây mà nên tính đến phương án di dời trồng lại cây. Đặc biệt, Hà Nội cần phải tranh thủ ý kiến của cộng đồng cư dân để tạo sự đồng thuận trong các dự án không riêng gì dự án này. Hiện nay, nhiều tuyến đường trên địa bàn Hà Nội đang vắng bóng cây xanh. Hà Nội rất cần những khoảng xanh để cải thiện khí hậu, hạn chế bụi bặm khí thải.
KTS Phạm Thanh Tùng cũng cho rằng, thông tin xung quanh việc phải di dời giải tỏa hơn 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng khiến dư luận có những phản ứng trái chiều cũng là bài học dành cho Hà Nội trong việc minh bạch, công khai quy hoạch. “Hà Nội đang mắc một sai lầm chính là việc “giấu” quy hoạch, không công khai quy hoạch hay nói một cách khác là quy hoạch không minh bạch, ít tham vấn các ý kiến của cộng đồng. Quy hoạch cần được đưa ra lấy ý kiến của cộng đồng, sau đó tổng hợp, lựa chọn phương án tối ưu vừa phục vụ nhu cầu phát triển chung của thành phố lại vừa nhận được sự đồng thuận của nhân dân”, KTS Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh.
Đến nay đã 3 tháng nhưng kể từ khi có thông tin buộc phải di dời nhưng Hà Nội vẫn chưa “chốt” phương án có giải tỏa 1.300 cây xanh hay không, người dân đang nóng lòng chưa biết thực hư ra sao.