Vì sao nhiều ngư dân điêu đứng khi vay ngân hàng đóng tàu lớn?

Thứ Ba, 26/06/2018, 07:59
Hai năm trở lại đây, nhiều ngư dân ở Quảng Bình đã vay nợ ngân hàng để đóng tàu lớn vươn khơi bám biển.

Bên cạnh một số ít tàu lớn đang giúp ngư dân đổi đời từ biển, song cũng có không ít ngư dân điêu đứng khi vay vốn đóng những con tàu trị giá hàng chục tỷ đồng. 

Sau nhiều ngày tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, sở dĩ nhiều ngư dân “mắc cạn” khi đóng tàu lớn là do đóng tàu theo kiểu ngẫu hứng, chọn sai đơn vị đóng tàu, tàu đóng không phù hợp thực tế, hợp đồng bảo hiểm không rõ ràng… Để giúp đỡ ngư dân yên tâm bám biển đang rất cần các ngành, địa phương liên quan vào cuộc sát cánh với ngư dân.

Mới đây, trong báo cáo gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tình hình sản xuất của các tàu cá đóng mới theo Nghị định 67, do ông Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình ký đã khẳng định: Nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Bình hoạt động bị lỗ vốn, khó có khả năng trả đủ nợ cho ngân hàng. 

Từ công văn của UBND tỉnh Quảng Bình, chúng tôi về nhiều địa phương vùng ven biển của Quảng Bình để tìm hiểu việc khai thác, đánh bắt thủy hải sản của ngư dân. 

Ngồi buồn bên con tàu mang số hiệu QB 91568 TS, trị giá hơn 16 tỷ đồng mới đưa vào sử dụng hơn một năm, ngư dân Trương Ngọc Tú ở xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới buồn bã cho biết, lúc mới vay tiền ngân hàng về để đóng tàu, do không biết lựa chọn công ty nào đóng tốt, công ty nào làm ẩu nên anh đặt đóng tàu theo lời một vài người quen. 

Do lựa chọn sai nơi đóng nên con tàu mới hơn được một năm nhưng giờ đã bị tróc sơn, gỉ sét, nhiều bộ phận đã hư hỏng nặng. Mấy tuần nay, anh Tú để tàu nằm bờ vừa sửa chữa vừa tìm kiếm bạn thuyền. 

Anh Tú tỏ ra lo lắng “kỳ trả nợ ngân hàng lại đến, nhưng vợ chồng tui chưa biết xoay xở ra răng, giờ nhìn cả đống tiền nơi con tàu nằm bờ mà ruột gan như lửa đốt”. 

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội ngư dân xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới cho biết, vừa qua 14 ngư dân ở xã biển Bảo Ninh làm đơn kiến nghị xin giãn nợ, gia hạn thời gian trả nợ tàu từ 15 năm lên 20 năm. Hiện tại, mỗi chủ tàu phải trả số nợ, cả gốc lẫn lãi trên 1 tỷ đồng trong vòng một năm. Theo ông Bình, đây là khoản tiền nợ khá lớn đối với bà con ngư dân.

Một số ngư dân Quảng Bình than thở bên những con tàu tiền tỷ nằm gối bãi không thể ra khơi.

Bên cạnh việc đóng tàu lớn không đúng với thiết kế, hoặc chất lượng tàu không đảm bảo, nhiều ngư dân hiện còn gặp trở ngại rất lớn ảnh hưởng đến việc vươn khơi, bám biển là do việc ký kết các hợp đồng bảo hiểm và duy tu, bảo dưỡng tàu không đảm bảo, có nhiều bất cập. 

Hầu hết ngư dân đóng tàu mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP khi chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng: hiện các ngư trường truyền thống tàu thuyền trong và ngoài nước đi lại rất nhiều, nhiều tàu hàng trọng tải lớn đã kéo làm rách, mất lưới của ngư dân. 

Nhưng khi ngư dân báo với ngân hàng vào bảo hiểm thì chỉ nhận được những cái lắc đầu kiểu “mất lưới, tàu hư do ngư dân gánh chịu”, nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do khi ngư dân vay vốn ngân hàng, các ngân hàng thương mại và các công ty bảo hiểm thường “bắt tay” nhau làm hợp đồng, còn ngư dân thường nhận tiền giải ngân về đóng tàu và đi biển, họ ít chú ý đến các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm nên phải chịu nhiều thiệt thòi khi xảy ra sự cố tàu chìm, tàu cháy, hỏng hóc hoặc mất ngư lưới cụ trên biển. 

Ngư dân Trương Ngọc Tú than thở: “Tôi bị mất lưới nhiều lắm, báo với ngân hàng và bảo hiểm nhưng bên bảo hiểm họ không chịu đền bù gây khó khăn rất lớn. Rồi duy tu, bão dưỡng cũng không có, ngư dân làm chưa đủ trả nợ thì làm sao mà có tiền bảo dưỡng tàu để đi biển lâu năm được. Chúng tôi cũng cố gắng làm trả nợ ngân hàng được ngày nào thì tốt ngày đó, cầm cự đã khó vì vướng nhiều cái khiến chúng tôi không thể vươn lên được”. 

Ông Ngô Xuân Cảnh, ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch có con tàu vỏ thép hơn chục tỷ đồng cũng đang nằm gối bãi không thể ra khơi do chủ tàu đang rơi vào khốn khó. Ông Cảnh cho biết, năm 2017, khi tàu cá của ông đang đánh bắt ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ và gặp bão quét qua đã cuốn sạch ngư lưới. 

Giờ muốn tiếp tục ra biển, ông Cảnh phải bỏ ra số tiền khoảng 5 tỷ đồng để mua lại số ngư lưới cụ cần thiết. Vì việc mất mát tài sản của ông Cảnh không được bảo hiểm chi trả nên ngư dân không biết xoay xở ra sao để có tiền cho tàu ra khơi.

Được biết, thực hiện việc đóng tàu mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, tỉnh Quảng Bình phê duyệt và triển khai hoàn thành đóng mới 88 tàu cá. 

Trong đó có 56 tàu vỏ gỗ, 1 tàu vỏ composite, 31 tàu vỏ thép. Qua tìm hiểu ở các ngân hàng thương mại tỉnh Quảng Bình cho ngư dân vay vốn đóng tàu, chúng tôi được biết, hiện tại tỉnh Quảng Bình có 29 tàu cá hoạt động cơ bản có hiệu quả, trả nợ bình thường, chiếm 33%. 36 tàu cá hoạt động hòa vốn, chiếm 41%, còn 23 tàu cá hoạt động lỗ, trả nợ chưa đúng kỳ hạn cam kết, chiếm 26%. 

Đáng chú ý, có những con tàu vỏ thép trị giá trên 10 tỷ phải nằm bờ dài ngày như tàu của ông Ngô Xuân Cảnh, ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tàu ông Nguyễn Phượng ở phường Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn… 

Theo chúng tôi, để đảm bảo quyền lợi cho ngư dân, cũng như việc khuyến khích, động viên ngư dân vươn khơi bám biển, các ngành liên quan ở Quảng Bình cần sớm có những giải pháp, chính sách để hỗ trợ chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ tàu cá bị hư hỏng cho ngư dân. 

Đối với các tàu gặp sự cố bất khả kháng như chủ tàu bị bệnh dài ngày, tàu bị tai nạn dẫn đến tàu dừng hoạt động thời gian dài thì cần làm việc với ngân hàng để xem xét giãn nợ cho ngư dân. Hướng dẫn ngư dân các địa chỉ đóng tàu uy tín, tập huấn, hướng dẫn cho ngư dân khi tiến hành làm các thủ tục vay vốn ngân hàng, mua bảo hiểm…

Sông Lam-Lam Hồng
.
.
.