An toàn thực phẩm: Nghịch lý vi phạm nặng nhưng chế tài xử lý quá nhẹ

Thứ Hai, 29/05/2017, 09:30
An toàn thực phẩm (ATTP) chưa có dấu hiệu nào cho thấy được kiểm soát tốt hơn. Đây là những nội dung đáng chú ý được thể hiện qua báo cáo giám sát của Quốc hội.

Vi phạm bị xử lý nhiều nhưng chưa phản ánh hết thực tế, bởi thanh tra đột xuất phát hiện vi phạm với tỷ lệ cao hơn hẳn thanh tra có kế hoạch. An toàn thực phẩm (ATTP) chưa có dấu hiệu nào cho thấy được kiểm soát tốt hơn. Đây là những nội dung đáng chú ý được thể hiện qua báo cáo giám sát của Quốc hội.

Chỉ xử phạt được 20% cơ sở vi phạm

Từ năm 2011-2016: Cả nước đã kiểm tra tại hơn 3,3 triệu cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, phát hiện gần 680 nghìn cơ sở vi phạm, chiếm 20,3%. “Đây là một tỷ lệ vi phạm rất cao, song cũng chưa phản ánh hết tất cả các vi phạm về ATTP trong thực tế” – báo cáo của Đoàn giám sát nhận định.

Tuy nhiên, kết quả thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại 5 quận/huyện và 10 xã/phường/thị trấn của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, số lượng vi phạm lớn hơn nhiều (tỷ lệ vi phạm của Hà Nội khoảng 45% và TP Hồ Chí Minh hơn 22%), “cho thấy mức độ vi phạm rất nghiêm trọng; số cơ sở vi phạm khi thanh tra đột xuất, chiếm 28,6%, lớn hơn so với thanh tra báo trước theo kế hoạch”.

Trong số 680 nghìn cơ sở vi phạm, mới chỉ có hơn 136 nghìn cơ sở bị xử lý, chiếm 20,1%, trong đó phạt tiền trung bình 200 nghìn đồng/vụ. Việc áp dụng các chế tài xử phạt đã được đẩy mạnh: Tỷ lệ cơ sở bị phạt tiền (trước đây chỉ là cảnh cáo) tăng từ 30,0% năm 2011 lên 67,1% trong năm 2016; số tiền phạt trung bình 1 cơ sở tăng từ 1,35 triệu (2011) lên 3,73 triệu (2016), cùng với tiêu hủy sản phẩm vi phạm, thu hồi giấy phép, nhưng nhìn sơ qua có thể thấy chế tài còn rất nhẹ.

Siêu thị cũng chỉ mới kiểm tra an toàn thực phẩm qua hồ sơ.

Siêu thị cũng mới kiểm định an toàn thực phẩm qua hồ sơ

Theo báo cáo của Đoàn giám sát: Kết quả kiểm nghiệm rau, quả tươi sống giai đoạn 2011-2016 cho thấy, tỷ lệ tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cho phép là 8,47%; kiểm tra đối với 54.750 lượt hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã phát hiện 9.056 hộ vi phạm (chiếm 16,54%); kiểm tra 63.230 lượt cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phát hiện và xử lý trên 7.434 cơ sở vi phạm (chiếm 11,7%). Đáng chú ý, theo Đoàn giám sát, tại các siêu thị, việc kiểm soát ATTP chủ yếu thực hiện thông qua hồ sơ, kiểm nghiệm mẫu thực tế còn rất hạn chế; lượng thực phẩm tươi sống bày bán còn ít.

Về kiểm soát giết mổ động vật: Đến năm 2016, số cơ sở nhỏ lẻ không giảm mà còn tăng thêm 285 cơ sở. Phần lớn lượng gia súc, gia cầm tiêu thụ trong nước được giết mổ tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ (ngay như Hà Nội, tỷ lệ cơ sở giết mổ tập trung cũng chỉ đạt trên 20%). Tình trạng chung là các cơ sở này không khai báo, không được kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ; điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo, giết mổ, pha lóc, làm sạch phủ tạng trực tiếp trên sàn; dụng cụ, trang thiết bị thô sơ, sàn nền không được vệ sinh sạch sẽ gây ô nhiễm vi sinh vật ở mức cao, nguồn nước sử dụng không bảo đảm, không có hệ thống thu gom, xử lý chất thải và nước thải gây ô nhiễm môi trường và mất ATTP. Nhiều cơ sở giết mổ nằm ngay trong khu dân cư nên gây ô nhiễm nghiêm trọng về tiếng ồn, không khí, chất thải lỏng, chất thải rắn.

Lượng hàng hóa thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam vi phạm các quy định về ATTP còn cao. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, tỷ trọng các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu phải kiểm tra ATTP cao hơn nhiều nước. Với thị trường Nhật Bản, lượng hàng thực phẩm của Việt Nam phải kiểm tra lên tới 25%, trong khi các mặt hàng nhập từ châu Âu, tỷ lệ kiểm tra chỉ là 7%; hoặc trong các lô hàng được kiểm tra thì số lô hàng vi phạm của Việt Nam chiếm 0,43%, trong khi các nước châu Âu chỉ là 0,38%. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng thì số hàng hóa thủy sản, chè, hạt tiêu xuất khẩu bị trả về là khá lớn.

Với kết quả giám sát, ngoài kiến nghị tăng cường các giải pháp, Đoàn giám sát cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm các bộ ngành đối với những tồn tại bất cập thuộc lĩnh vực quản lý; khắc phục các tồn tại, yếu kém và thực hiện các kiến nghị, giải pháp được nêu trong báo cáo giám sát.

35% ca mắc bệnh ung thư trên thế giới  có nguồn gốc từ thực phẩm không an toàn

Kết quả giám sát từ năm 2011 đến tháng 10-2016 cho thấy, ngộ độc thực phẩm vẫn đang diễn ra khá phức tạp, là một thách thức lớn trong công tác ATTP. Toàn quốc đã ghi nhận 1.007 vụ ngộ độc với 30.395 người mắc, 25.617 người nhập viện và 164 người chết. Trung bình có 167,8 vụ/năm với 5.065 người mắc và 27,3 người chết. Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong giai đoạn này cũng đã ghi nhận 7 bệnh truyền qua thực phẩm làm mắc 4 triệu ca bệnh với 123 người chết, trung bình 21 người chết/năm, trong đó chủ yếu là tiêu chảy cấp tính. Ước lượng tỷ lệ mới mắc tiêu chảy cấp do thực phẩm trong 1 năm là 25,87% dân số. Tình hình mắc các bệnh truyền nhiễm đường tiêu hóa vẫn ghi nhận diễn biến phức tạp. Bệnh ung thư khiến mỗi năm có khoảng 70 ngàn người chết và hơn 200 ngàn ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn. Theo điều tra dịch tễ học của Hiệp hội Ung thư thế giới thì có khoảng 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc thực phẩm không an toàn và có thể phòng được.

Vũ Hân
.
.
.