Vệ sinh lao động - y tế học đường, còn nhiều lắm những mối lo

Thứ Sáu, 30/01/2015, 22:01
Năm 2014, qua đo kiểm tra môi trường lao động cho 1.438 đơn vị gồm các công ty, xí nghiệp đang hoạt động tại địa bàn TP HCM, đã phát hiện nhiều chỉ tiêu về điện từ trường, hơi khí độc trong môi trường lao động, nhiệt độ, ánh sáng vượt mức cho phép, không đảm bảo.

Bên cạnh đó, môi trường y tế học đường với việc “chạy đua” trang bị máy lạnh cho phòng học, vô hình chung đã và đang làm suy giảm sức khỏe học trò vì có tới 80% các phòng học lắp máy lạnh qua kiểm tra đều thiếu chuẩn về độ mát, môi trường và đặc biệt là “đông đặc” khí C02, gây tác hại không nhỏ tới sức khoẻ học sinh .

 Theo đánh giá của Trung tâm Bảo vệ Sức khoẻ lao động &môi trường(TTBVSKLĐ&MT) TP HCM ngày 30/1/2015, trong nhiều năm qua, công tác cải thiện môi trường lao động tại các đơn vị tuy đã có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn tỉ lệ không nhỏ, lãnh đạo các cơ sở chưa chú ý chăm lo tới sức khỏe người lao động, môi trường làm việc còn tồn tại nhiều yếu tố nguy cơ cao gây bệnh nghề nghiệp, tổn hại cho sức khỏe người lao động(NLĐ).

Thực trạng, trong 166 các mẫu đo về điện từ trường phát hiện 7 mẫu vượt ngưỡng( chiếm 4,22%); hơi khí độc trong 5.562 mẫu có 273 mẫu không đạt; về tiếng ồn : trong 11.832 mẫu, có 1.200 mẫu vượt mức cho phép, đặc biệt trong 12.490 mẫu đo về ánh sáng, có 1.540 mẫu không đạt yêu cầu( chiếm 12,33%).

Cũng theo đánh giá của TTBV&SKLĐMT, tại tuyến quận huyện chưa triển khai đồng bộ việc đo, kiểm tra môi trường do thiếu nhân sự, ngoài ra có khá nhiều đơn vị không thực hiện việc báo cáo theo qui định. Số cơ sở báo cáo mới đạt trên 40%.

Thực hiện đo thính lực kiểm tra bệnh nghề nghiệp cho công nhân tại xí nghiệp có nguy cơ cao về chỉ tiêu tiếng ồn.

Khi thực hiện kiểm tra đột xuất 170 cơ sở xí nghiệp về công tác thực thi qui định về vệ sinh lao động, cho thấy, qui định về thành lập tổ y tế tại cơ quan, thực hiện đo, kiểm môi trường lao động đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, số đơn vị có yếu tố nguy cơ bệnh nghề nghiệp(BNN) chiếm tới  59,09, nhưng việc tổ chức khám chữa bệnh cho người lao động làm việc trong môi trường clao động này chưa được quan tâm. Chỉ có 25% trong tổng số 170 cơ sở được kiểm tra là có tổ chức khám BNN cho NLĐ.

Đồng thời, qua kiểm tra trực tiếp tại 125 công ty, xí nghiệp trên địa bàn TP HCM cho thấy sức khoẻ của NLĐ chủ yếu đạt loại trung bình và kém. Trong đó có loại kém tới rất kém chiếm trên 31,65%. Thực hiện rà soát BNN tại các công ty, xí nghiệp đã phát hiện 38 trường hợp công nhân mắc bệnh điếc nghề nghiệp( chủ yếu làm việc trong môi trường SX thuốc trừ sâu), 9 trường hợp phải theo dõi về bệnh “nhiễm độc chì vô cơ” , 4 trường hợp mắc bệnh da nghề nghiệp, bệnh viêm da, viêm loét da, viêm móng và quanh móng nghề nghiệp(những người làm nghề nấu ăn, phục vụ bếp ăn tập thể). Ngoài ra, bệnh lao nghề nghiệp trong năm 2013 thành phố có 38 trường hợp, năm 2014 thêm 4 trường hợp được phát hiện. Ngoài ra, có 11 trường hợp phát hiện mắc BNN viêm gan vi rut.

Theo báo cáo mới đây nhất của Bộ y tế cho biết, tại Việt nam có gần 28.000 người lao động mắc mới BNN. Tổng số BNN hiện được Bộ y tế xếp loại đã tăng từ 28 lên 30 bệnh, trong đó có 28 bệnh được đưa vào danh mục thanh toán BYHT. Trong đó, bệnh bụi phổi là bệnh phổ biến nhất, theo sau là điếc do tiếng ồn.

Cũng theo một khuyến cáo được chú ý qua khảo sát của phòng Y tế học đường - TTBVSKLĐ&MT, việc các trường phổ thông đang “chạy đua” trang bị máy lạnh cho phòng học đã và đang vô tình làm tăng nguy cơ học sinh mắc các bệnh về hô hấp và cần có biện pháp phối hợp với ngành y tế để giải quyết tình trạng này. Trong hơn 300 trường được Phòng kiểm tra đo đạc về các chỉ tiêu vệ sinh y tế học đường, phát hiện hơn 50% số các phòng học được trang bị máy lạnh nhưng nhiệt độ chưa đủ chuẩn.

Về chỉ tiêu ánh sáng thì 40% số phòng học của các trường này cũng chưa đạt chuẩn. Trong đó, có 17,28% số phòng học được kiểm tra ánh sáng trong tình trạng quá chói( dư ánh sáng), nhất là vào tầm chiều, nhiều học sinh ngồi học trong tình trạng phải hứng chịu ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới thị lực của HS khi phải ngồi thời gian dài buổi học thứ 2 trong ngày.

Phát hiện đáng cảnh báo nữa là trong phòng học của HS có trang bị máy lạnh cũng “dư” quá nhiều khí C02. Có trang bị quạt hút nhưng nhiều nơi máy lạnh công suất yếu nên không sử dụng quạt hút.

Qua kiểm tra cho thấy chỉ có 17,7% phòng gắn máy lạnh là đạt yêu cầu đảm bảo sức khỏe cho HS về độ ẩm, độ mát, khí C02. Còn phòng vi tính nơi HS ngồi thực hành môn Tin học hay phòng xét nghiệm cũng có gắn máy lạnh chỉ có 21% số phòng đạt yêu cầu. Gần 80% phòng học gắn máy lạnh đang trở thành môi trường độc hại, tác hại tới sức khỏe học trò.

Theo đánh giá của TTBVSKLĐ &MT, như vậy sau nhiều năm nỗ lực, vấn đề bảo vệ cột sống cho học trò với việc trang bị, thay đổi đồng loạt  bàn, ghế đúng chuẩn cho các trường phổ thông, thì nay, vấn đề vệ sinh y tế học đường phát sinh như trên cần được ban ngành lien quan trong đó có ngành giáo dục cần quan tâm.

Huyền Nga
.
.
.