Trồng rau thủy canh theo công nghệ Châu Âu

Thứ Năm, 16/07/2015, 14:01
Tiếp cận phương pháp trồng rau mới bằng một thất bại nặng nề nhưng với việc kiên trì khắc phục dưới sự giúp đỡ của một số chuyên gia nước ngoài, bà Phạm Thị Cúc đã trở thành người đầu tiên tại Lâm Đồng thành công trong việc trồng rau bằng phương pháp thủy canh theo công nghệ Châu Âu, mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp công nghệ cao tại Đà Lạt – Lâm Đồng.

Duyên cơ đến với phương pháp trồng rau thủy canh của gia đình bà Phạm Thị Cúc, thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) đến từ cuối năm 2014, khi đó, bà Cúc may mắn được Công ty Rijk Zwaan của Hà Lan (đơn vị chuyên cung cấp hạt giống), mời sang Malaysia tham quan mô hình trồng rau thủy canh theo công nghệ châu Âu. Chuyến đi này đã để lại trong bà Cúc nhiều niềm vui và cũng lắm trăn trở.

Vui là được tiếp cận, làm quen với công nghệ sản xuất rau theo phương pháp mới, cho năng suất, chất lượng vượt trội, buồn vì nghĩ về cách sản xuất nông nghiệp ở quê nhà, trong đó có gia đình bà đã quá lạc hậu so với những mô hình bà được tham quan ở Malaysia.

Được tiếp cận, học hỏi phương pháp sản xuất nông nghiệp mới, tiên tiến, hiện đại nhưng khi biết để sản xuất được rau thủy canh theo công nghệ Châu Âu có giá đầu tư không dưới 800 triệu đồng/1.000m2, thì bà Cúc bắt đầu lo lắng. Với giá này, muốn có lãi sẽ phải đội giá thành sản phẩm lên cao, trong khi mặt bằng chung của các loại rau thông thường tại Việt Nam rất thấp, bán rau thủy canh với giá cao liệu có được thị trường trong nước chấp nhận? Với suy nghĩ như thế khiến bà Cúc trăn trở, lo lắng trên chuyến bay trở lại Việt Nam.

Bà Phạm Thị Cúc bên vườn rau thủy canh theo công nghệ Châu Âu của gia đình mình.

“Nếu cứ lo thất bại thì chẳng thể nào có ngày thành công. Tôi quyết định tung tiền ra thử một phen. Lợi thế lớn của tôi là đã có nhà kính đạt tiêu chuẩn, có hàng chục năm kinh nghiệm trong việc sản xuất các loại rau…”-bà Cúc chia sẻ.

Tháng 10/2014, người phụ nữ này đã đầu tư nâng cấp 1.000m2 nhà kính từ việc nhập các thiết bị của Malaysia, Thái Lan và Ấn Độ, như ống máng, dây dẫn nước, van khóa, giá thể đựng cây… cùng hạt giống xà lách nhập khẩu, tổng trị giá 600 triệu đồng về đổ vào một cuộc thử nghiệm mà ở vùng chuyên canh rau hoa nổi tiếng cả nước – Đà Lạt – chưa ai làm thành công.

Cách đi táo bạo này của bà Phạm Thị Cúc đã thất bại vào tháng 3/2015, với lứa rau đầu tiên, thiệt hại gần 100 triệu đồng. Cây phát triển không đồng đều, quá nửa hư hỏng, không thể thu hoạch. Hay tin gia đình bà Cúc thất bại trong việc trồng rau thủy canh trong khi đã đầu tư nông trại khá bài bản, phía Công ty Rijk Zwaan liền cử ngay chuyên gia kỹ thuật qua Việt Nam để hướng dẫn và tư vấn để bà tiếp tục sản xuất. Lần này, với những kiến thức cơ bản đã tích lũy từ lần thất bại của lứa rau trước, với sự giúp sức của các chuyên gia kỹ thuật nước ngoài, bà Cúc tự tin bước vào gieo trồng lứa rau thủy canh thứ hai. Nhờ gieo trồng đúng kỹ thuật, chăm sóc đúng quy trình, lứa rau tiếp theo của gia đình bà Cúc đã phát triển rất nhanh, cây đồng đều, lá tươi xanh mơn mỡn từ gốc lên ngọn, đẹp như trong tranh.

Hiện bà Phạm Thị Cúc đang trồng 18 loại rau xà lách thủy canh.

Trong 1.000m2 bà Cúc trồng được 25.000 cây rau xà lách. Các dưỡng chất cho cây được cung cấp hòa theo nước chảy luân hồi 24/24 giờ từ nguồn cung của 3 bồn nhựa loại 5.000 lít kết nối với hệ thống máy bơm, máy phát điện dự phòng... Trung bình sau 30-35 ngày là có thể thu hoạch. Rau thủy canh thu hoạch tại vườn nhà bà Cúc có trọng lượng mỗi cây trên dưới 200g, 1.000m2 có thể thu 5 tấn mỗi đợt. Ưu điểm của mô hình mà bà Cúc đang làm là tỷ lệ hư hao rất ít, gần như lá nào cũng dùng được do khâu bảo quản tốt và tuyệt nhiên không bị lấm đất. Đặc biệt, trồng rau thủy canh theo công nghệ Châu Âu tuyệt đối không sử dụng bất kỳ loại thuốc trừ sâu nào nên người sử dụng không bao giờ phải băn khoăn về chất lượng sản phẩm.

Hay tin người phụ nữ này trồng thành công rau thủy canh theo công nghệ Châu Âu, hệ thống siêu thị Metro và VinMart đã liên hệ nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá từ 40.000 đến 50.000 đồng/kg, tùy loại xà lách. Với giá bán này, trung bình bà Cúc thu trên 230 triệu đồng cho 1.000 m2, mỗi đợt và lãi trên 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Hệ thống cung cấp dưỡng chất cho cây được đặt dưới lòng đất.

Tiên phong trồng rau thủy canh theo công nghệ Châu Âu của gia đình bà Phạm Thị Cúc, không chỉ đem lại lợi nhuận cao cho người phụ nữ giám nghĩ, dám làm này mà còn mở ra một phương thức sản xuất mới cho nền nông nghiệp công nghệ của Đà Lạt-Lâm Đồng.

Kim Ngân
.
.
.