Trẩy hội trên tháp cổ ngàn năm

Thứ Hai, 23/02/2015, 08:34
Từ đêm Giao thừa, nhiều người dân thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa) đã dấn bước trên những bậc đá rêu phong để lên đỉnh đồi Cù Lao. Trên ngọn đồi nằm ở vị trí đắc địa nơi sông-biển gặp nhau này có cụm tháp cổ ngàn năm tuổi thờ nữ thần Thiên Y A Na.

Đầu năm đến tháp cổ ngàn năm viếng nữ thần quyền uy cầu mong mưa thuận gió hòa, gia đạo bình yên là tập tục đặc trưng của cư dân thành phố biển!

Nhìn từ bên này cầu Trần Phú nối dài, thấy đồi Cù Lao cao khoảng 50m tựa chiếc nón lá úp, cây xanh ngập tràn, quanh năm lộng gió, Làng Cù Lao (còn gọi Xóm Bóng).

Tương truyền, ngày xưa trong tháp chính trên đỉnh đồi có tượng nữ thần Thiên Y A Na bằng vàng ròng cùng muôn vàn ngọc ngà châu báu được các vua Chăm và người hoàng tộc dâng cúng.   

Sáng mồng một Tết âm lịch, theo dòng người trẩy hội Tháp Bà, chúng tôi dấn bước lên đỉnh đồi Cù Lao. Đỉnh đồi bằng phẳng là nơi tọa lạc cụm tháp cổ với 3 tháp nhỏ-1 tháp lớn.

Bên trong tháp lớn cao 23m thờ thần nữ Thiên Y A Na được người Pháp phiên ngữ là Poh Nagar (hay Pô Ino Nogar).

Hơn 5 thập kỷ trước, qua khảo cứu, nhà khảo cổ học người Pháp, ông Henri Parmentier kết luận tháp này do vua Chiêm Thành là Harivarma Đệ Nhất xây vào đầu thế kỷ IX.

Các tháp còn lại được xây vào khoảng thế kỷ thứ VII, thứ VIII. Tính từ đó đến nay, 4 ngọn tháp trên đều có ít nhất 1.000 năm tuổi.

Quần thể tháp cổ trên định đồi Cù Lao.

“Người Khánh Hòa một khi dấn bước lên đồi Cù Lao đều không quên viếng Bà. Truyền thuyết cho biết xưa kia Bà là tiên nữ giáng trần, được hai vợ chồng người tiều phu ở núi Đại An (còn gọi núi Đại Điền, nay thuộc huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) nhận làm con. Về sau Bà hóa thần, thương dân, linh ứng mách cho người dân biết trước gió bão tai ương, lại dạy dân trồng trọt, thêu dệt... nên được người dân tín ngưỡng thờ phụng”- cụ Trần Hoài, 67 tuổi, ở Xóm Bóng, cho biết.

Người Nha Trang cũng như khách thập phương rất thành tâm với vị thần nữ quyền uy được dân bản địa gọi bằng nhiều tên gọi khác như Bà Chúa Ngọc, Mẹ Xứ Sở, Bà Chúa Trầm Hương...

Thần Thiên Y A Na tuy được mặc áo choàng phủ kín nhưng tượng Bà vẫn không giấu được những đường nét chạm trổ tinh xảo.

Bia ký trên tháp cổ ghi, thời vua Gia Long, Bà Thiên Y A Na được phong tặng là Hồng Nhân Phổ Tế Linh Ứng Thượng Đẳng Thần.

Với danh hiệu này, triều đình lệnh cắt cử 3 dân làng Cù Lao sung làm từ phu (trông coi đền). Các đời vua Nguyễn về sau, đời nào Bà cũng được phong tặng.

Đầu Xuân theo chân người bản xứ thượng đỉnh đồi thiêng, khách hành hương còn được thưởng thức nhiều tinh hoa nghệ thuật Chăm-pa.

Đó là tiếng trống Ghi-năng dồn dập trầm hùng, là tiếng kèn Saranai réo rắt da diết, là những điệu múa cổ truyền thướt tha, uyển chuyển...

Cũng trên cụm tháp cổ ngàn năm này, khách hành hương còn được tiếp cận với nghề gốm, nghề dệt cổ truyền của người Chăm ở các làng nghề Chăm nổi tiếng được trình diễn tại chỗ, giúp hội Xuân càng thêm phong phú, náo nhiệt.

N.T.Dũng
.
.
.