Tất cả các nước đều không dự báo đúng cơn bão số 16

Thứ Tư, 27/12/2017, 20:17
Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Quốc gia khẳng định, bão Tembin được dự báo sát thực tế, mức độ tin cậy tương đương các đài quốc tế, thậm chí khi bão vào gần bờ, các dự báo của Việt Nam còn chính xác hơn nhờ có đầy đủ dữ liệu từ các trạm quan trắc. 


PV: Theo ông, cơ quan khí tượng đã làm tốt công tác dự báo cơn bão số 16 vừa qua chưa?

Ông Lê Thanh Hải: Tất cả mọi dự báo đều phải căn cứ vào thời điểm đưa ra dự báo. Ngày 21-12,  khi bão còn nằm ngoài Philippines, chúng tôi đã có văn bản gửi Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, cho biết sắp có một cơn bão đi vào phía Nam của biển Đông. Khi bão vượt qua Philippines vào quần đảo Trường Sa, các mô hình dự báo đều cho rằng đây là cơn bão rất mạnh, hướng về phía Nam Bộ. 

Lúc này, chưa ai biết, bão sẽ vào hướng nào của Nam Bộ. Đến ngày 24-12, các đài quốc tế tiếp tục dự báo Tembin là cơn bão mạnh cấp 10-11, cả Nam Bộ nằm trong vùng cảnh báo thiên tai. 

Đêm ngày 24-12, bão đã gây ra gió cấp 11-12, giật cấp 13-14 ở quần đảo Trường Sa và sóng lớn trên biển. Thời điểm này, chúng tôi dự báo miền Tây Nam Bộ sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn, đặc biệt các tỉnh từ Tiền Giang tới Cà Mau. Các dự báo liên tục thay đổi khi bão vào gần.

Đến trưa 25-12, Nhật Bản vẫn dự báo bão ở cấp 12, giật cấp 15, sẽ ảnh hưởng trực tiếp Côn Đảo với gió mạnh cấp 11, giật cấp 14 và sau đó ảnh hưởng trực tiếp Cà Mau với sức gió mạnh nhất cấp 9, giật cấp 11. Phía Việt Nam dự báo bão đạt cấp 10-11, giật cấp 13 và sẽ ảnh hưởng trực tiếp Côn Đảo với sức gió cấp 9, giật cấp 12.

 Đến đêm 25-12, hầu hết các trung tâm quốc tế đều xác định bão Tembin ở mức cấp 8 và sẽ ảnh hưởng trực tiếp Cà Mau với sức gió cấp 8, giật cấp 10. Tuy nhiên, chúng tôi xác định bão số 16 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và sẽ tan nhanh trên biển.

PV: Như vậy, nếu so với các đài quốc tế thì độ chính xác trong các bản tin dự báo của Việt Nam ở mức nào?

Ông Lê Thanh Hải: Các đài quốc tế đều dự báo chính xác về quỹ đạo và cường độ của bão số 16 khi nó di chuyển từ Philippines đến quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, tất cả các nước đều không dự báo đúng diễn biến của bão sau đó, nhất là về tốc độ suy yếu nhanh của bão. Khi bão vào gần, do có các trạm quan trắc gần bờ thu thập đủ dữ liệu nên các dự báo của Việt Nam chính xác hơn. Xét về tổng thể, mức độ chính xác của các đài quốc tế và Việt Nam tương đương nhau. Khi bão ở xa, họ dự báo chính xác hơn. Khi bão vào gần, mình lại dự báo tốt hơn.

PV: Bản thân cơ quan khí tượng có bất ngờ khi bão Tembin suy yếu và tan nhanh trên biển?

Ông Lê Thanh Hải 

Ông Lê Thanh Hải: Chúng tôi hoàn toàn không bất ngờ. Khi bão vào gần bờ, chúng tôi quan sát thì thấy nó không có dấu hiệu mạnh lên. Cụ thể là, gió không tăng lên, khí áp giảm đi, chỉ có mưa. Dữ liệu đó cho thấy nó sẽ suy yếu. Các trung tâm dự báo khác do không có số liệu nên vẫn tiếp tục dự báo nó là cơn bão mạnh cấp 10.

PV: Bão Tembin xuất hiện vào cuối tháng 12 khi mùa mưa bão đã kết thúc. Điều này có trái quy luật không? 

Ông Lê Thanh Hải: Nó hoàn toàn trái quy luật. Trong lịch sử quan trắc, vùng này chưa từng có bão vào tháng 12. Cơn bão Linda năm 1997 cũng xuất hiện từ ngày 31-10 đến 2-11, nghĩa là trước cơn bão này tới gần 2 tháng. Năm nay là năm đặc biệt, có tới 16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới đi vào biển Đông. Nguyên nhân gia tăng mưa bão đang được nghiên cứu, tuy nhiên, bước đầu có thể khẳng định là do biến đổi khí hậu đã làm thay đổi mọi quy luật thời tiết. 

Bão Tembin cũng là cảnh báo sớm cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bão đã từng xuất hiện ở khu vực này các năm 1997, 2006, 2016 và năm nay là bão Tembin. Điều đó cho thấy, tần suất lặp lại của bão ngày càng tăng lên. Không ai biết chắc là năm nào bão sẽ quay trở lại.

Dự báo hướng di chuyển bão số 16 của Việt Nam sát với các đài quốc tế 

PV: Nhiều người cho rằng, cơ quan khí tượng đã nói quá về cường độ của bão khiến nhiều địa phương phải sơ tán dân để phòng tránh thiệt hại. Ông nói sao về điều này?

Ông Lê Thanh Hải: Khi báo cáo tình hình với Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng như Thủ tướng, Phó Thủ tướng, chúng tôi đều đưa ra các kịch bản khác nhau. Ở góc độ phòng chống thiên tai, Ban chỉ đạo phải chọn mức cảnh báo cao hơn, đặc biệt đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long bởi sức chống chịu ở đây rất yếu. Trước khi xuất hiện bão Linda, vùng này gần như không có bão nên người dân thường chủ quan, nhà cửa lại ít kiên cố. Vì vậy cũng cần phải đưa ra các cảnh báo mạnh mẽ.

PV: Từ nay tới Tết nguyên đán có còn cơn bão nào nữa không, thưa ông?

Ông Lê Thanh Hải: Các dự báo mới nhất cho thấy, trong tuần tới sẽ có 1 cơn, tuy nhiên chưa thể khẳng định là bão hay áp thấp nhiệt đới. Nhiều khả năng nó sẽ đi vào vùng phía Bắc của quần đảo Trường Sa. Chưa thể biết nó có vào Việt Nam hay không, bởi dự báo bão chỉ có thể nói trước được 2-3 ngày. Nếu có thì đây không phải là cơn bão số 17 mà sẽ là cơn bão số 1 của năm 2018.

PV: Mùa mưa bão 2018 được dự báo sẽ như thế nào?

Ông Lê Thanh Hải: Chúng tôi cho rằng, từ nay tới mùa xuân 2018 sẽ tiếp tục duy trì La Nina. Vì vậy, phía Bắc rét nhiều hơn, phía Nam nhiều mưa trái mùa hơn, có nhiều xoáy thuận nhiệt đới hoạt động sớm và mạnh hơn. Nhiều khả năng, bão và áp thấp nhiệt đới sẽ xuất hiện sớm (tháng giêng, tháng 2), đi vào vùng phía Nam của biển Đông.

PV: Xin cảm ơn ông. 

Khánh Vy
.
.
.