Tinh giản biên chế xây dựng bộ máy công chức chất lượng cao

Thứ Năm, 05/10/2017, 09:20
T hời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã nghiêm túc triển khai thực hiện và vận dụng sáng tạo các chủ trương, quy định của Nhà nước về sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức ( Đề án 01). Theo đó, nhiều kết quả quan trọng, nhiều bài học, kinh nghiệm được rút ra trong quá trình triển khai thực hiện.


Theo thống kê của Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc, hiện nay, ngoài các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện, Vĩnh Phúc còn có 890 đơn vị sự nghiệp công lập, ban quản lý dự án, quỹ; 1.493 tổ chức hội các cấp. Đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 28.548 biên chế. Trong đó, khối Đảng, đoàn thể 1.126 người; khối chính quyền 27.422 người. 

Căn cứ quy định của Trung ương và tình hình thực tiễn, Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức các cơ quan đảng, đoàn thể, chính quyền các cấp theo hướng tinh gọn. 

Đến nay, toàn tỉnh đã giảm được 2 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh; 1 Chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; giảm 20 phòng chuyên môn thuộc các sở, ngành; 20 phòng Pháp chế của 10 Sở, ngành; giảm 34 đơn vị sự nghiệp thuộc các lĩnh vực giáo dục, y tế và đăng ký quyền đất đai. 

Đồng thời, cắt giảm 49 chỉ tiêu biên chế công chức, đạt tỷ lệ 1,78% so với tổng biên chế công chức Trung ương giao năm 2015; tinh giản, nghỉ hưu đúng tuổi và cho thôi việc 891 người. 

Để thực hiện có hiệu quả việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đúng tinh thần Nghị quyết 39 của Trung ương, ngày 30-11-2016, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng Đề án số 01 về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 - 2021. 

Mục tiêu quan trọng của sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là nhằm tạo ra sự ổn định để phát triển, xây dựng bộ máy tinh gọn hiệu quả, tạo ra một đội ngũ cán bộ có chất lượng cao hơn để thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của Vĩnh Phúc.           

Đề án được thực hiện sẽ dự kiến giảm được 28 phòng chuyên môn thuộc sở, ban, ngành, đoàn thể; giảm 56 đơn vị sự nghiệp; giao tự chủ một phần kinh phí hoạt động cho 69 đơn vị sự nghiệp; giao tự chủ hoàn toàn kinh phí hoạt động tối thiểu cho 13 đơn vị sự nghiệp và cổ phần 6 đơn vị. 

Đến năm 2021, thực hiện tinh giản 2.550 biên chế; giảm 10.426 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và cấp thôn, tổ dân phố, trong đó có 2.403 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; 8.023 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.

Ông Đặng Quang Thuỷ- Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường cho biết, thực hiện đề án 01 tại cơ sở, huyện Vĩnh Tường đã giảm được 3 đầu mối cơ quan, đơn vị trực thuộc Huyện ủy và UBND huyện, giảm 87 biên chế so với trước. 

Theo đó, huyện đã sáp nhập Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Đài Truyền thanh thành Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao; Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Ban Dân vận Huyện ủy, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện thành Ban Tuyên giáo - Dân vận Huyện ủy; tiếp nhận Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Dạy nghề về huyện quản lý và đổi tên thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện. 

Việc sáp nhập không chỉ giúp giảm 2 đầu mối và 3 chức danh lãnh đạo chủ chốt mà trong quá trình chỉ đạo triển khai, điều hành đã có sự thống nhất, tập trung hơn. 

Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, giúp việc cho Huyện ủy; giảm sự cồng kềnh, chồng chéo cho hệ thống chính trị; đội ngũ cán bộ có sự phân cấp rõ ràng về nhiệm vụ, bố trí công việc phù hợp với trình độ chuyên môn, từng bước tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn.

Ông Hoàng Văn Toàn, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết, thực hiện việc tinh giản biên chế là một việc khó, ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều cơ quan, đơn vị và nhiều cán bộ, đảng viên nên phải có quyết tâm chính trị cao; giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của Nhà nước; giám sát của cơ quan dân cử và các tổ chức chính trị - xã hội; mở rộng và phát huy quyền dân chủ của nhân dân. 

Tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương và phân cấp quản lý hiện hành nhưng đảm bảo sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo, trên cơ sở tôn trọng và phù hợp với thực tiễn của địa phương.  Việc sắp xếp kiện toàn phải đảm bảo sự ổn định về chính trị, kinh tế - xã hội; dân chủ, công khai, minh bạch, đoàn kết, thống nhất, khoa học, tinh gọn và hiệu quả.

Đề án được thực hiện sẽ khẳng định quyết tâm đổi mới của Đảng, Nhà nước trong đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở theo tinh thần Kết luận 63 và 64-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương với mục tiêu tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới.

Lưu Hiệp
.
.
.