Tìm “đầu ra” cho nông sản sạch
Tuy nhiên, trên thực tế, NTD là người quyết định tiêu thụ sản phẩm, nhưng họ đã bị khủng hoảng lòng tin, nên “đầu ra” sản phẩm hữu cơ đang gặp không ít khó khăn.
Hiện Việt Nam là một trong 170 quốc gia có mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên thế giới. Từ năm 2007 đến 2016, diện tích canh tác và nuôi trồng hữu cơ trên cả nước tăng từ 12.120ha lên gần 77.000ha, nhanh hơn tốc độ trung bình toàn cầu.
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm nông sản hữu cơ tại siêu thị. |
Với diện tích canh tác và nuôi trồng hữu cơ tăng như vậy và nhu cầu tiêu thụ nông sản sạch, nông sản hữu cơ của NTD cũng ngày càng lớn nhưng hiện nay, trên thị trường bán lẻ, nông sản sạch, nông sản hữu cơ chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số lượng tiêu thụ nông sản, thực phẩm hàng ngày của NTD.
Đi tìm nguyên nhân của thực tế này, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam khẳng định: “Chúng ta đã sản xuất được sản phẩm hữu cơ, nhưng vấn đề kết nối từ nhà sản xuất đến NTD còn khá gian nan. Đó cũng là lý do tại sao liên kết tiêu dùng trong thời gian qua chúng ta làm chưa thành công”.
Theo bà Loan, những khó khăn, vướng mắc về phía NTD đó là khó truy xuất nguồn gốc, khó tìm hiểu quy trình sản xuất, tiêu chuẩn sản xuất. Không kiểm soát được các khâu chế biến sau thu hoạch. Không biết thông tin về bảo quản, vận chuyển... sản phẩm sạch, hữu cơ.
Các nhà bán lẻ cũng gặp không ít khó khăn. Cụ thể, vẫn còn dư luận cho rằng nhà bán lẻ là đơn vị trung gian, vừa “ăn chặn” của nhà sản xuất, vừa “móc túi” của NTD; nguồn sản xuất trong nước cung cấp cho nhà bán lẻ không ổn định, do không có nhiều DN bài bản hay lực lượng hùng hậu để cung cấp số lượng ổn định trong thời gian dài.
Chất lượng sản phẩm không ổn định, gía cả cũng phập phù lên xuống, thậm chí nhà bán lẻ còn gánh chịu rủi ro vì bị nhà cung cấp thấy giá thị trường cao hơn, họ sẵn sàng phá vỡ hợp đồng đã ký để bán bên ngoài... Tuy nhiên, những khó khăn đó vẫn chưa quan trọng bằng việc xây dựng niềm tin của NTD. Bởi vì, NTD đã bị khủng hoảng lòng tin từ những vụ thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn...
“Trước những khó khăn trên, kết nối sản xuất - tiêu dùng là vấn đề sống còn”, bà Loan khẳng định và nêu ra một số giải pháp: Sự tham gia vào cuộc của các nhà bán lẻ là động lực để các nhà sản xuất mạnh dạn đầu tư, kéo sản phẩm hữu cơ về giá trị thật và phổ biến hơn. Các nhà bán lẻ có trách nhiệm tăng cường quảng bá hàng sạch, hữu cơ, vì chính họ tiếp xúc hàng ngày với NTD.
Bên cạnh đó, vấn đề ATTP cần có sự phối hợp và tin tưởng lẫn nhau giữa cơ quan quản lý Nhà nước, nhà sản xuất - cung ứng, DN phân phối - bán lẻ, NTD, thông tin truyền thông; xây dựng cổng thông tin minh bạch, xây dựng các kênh liên kết truyền thông để minh bạch thông tin giữa nhà sản xuất – nhà bán lẻ - NTD...
Theo ước tính của Nielsen (một công ty hàng đầu toàn cầu về nghiên cứu thị trường), giá trị tổng thị trường hữu cơ tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội ước đạt 400 tỷ đồng/năm.