Tiêu hủy 190 tấn rượu lậu, không rõ nguồn gốc

Thứ Bảy, 06/05/2017, 05:15
Ngày 5-5, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã tổ chức tiêu hủy 190 tấn rượu lậu, rượu không rõ nguồn gốc xuất sứ tại Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và công nghiệp 11 (xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên).


Ông Trần Việt Hùng, Phó Chi cục trưởng QLTT Hà Nội cho hay, từ ngày 12-2016 đến 4-2017, đơn vị đã kiểm tra 813 vụ, tạm giữ tịch thu hơn 40.000 lít rượu đóng chai và 3.327 chai rượu ngoại các loại với tổng giá trị hàng hóa vi phạm trên 1,8 tỷ đồng. Riêng một tháng cao điểm xử lý sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng (16-3 đến 15-4) về hàng loạt vụ ngộ độc rượu, QLTT Hà Nội đã kiểm tra 408 vụ, tạm giữ 11.124 lít và 814 chai rượu các loại với tổng trị giá trên 358 triệu đồng, phạt các cơ sở kinh doanh, sản xuất hơn 843 triệu đồng Lực lượng chức năng đã phạt các cơ sở, tổ chức sản xuất, buôn bán hơn 1,6 tỷ đồng nộp vào ngân sách nhà nước.

Hơn 130.000 lít rượu trắng, rượu vang, rượu ngâm thảo mộc, phụ gia pha chế rượu được tập kết chuẩn bị tiêu hủy. 

“Đây là đợt tiêu hủy số lượng rượu lớn nhất từ trước tới nay ở Hà Nội với nhiều loại rượu lậu, không rõ nguồn gốc, rượu ngâm thảo mộc, rượu nhập đắt tiền số lượng hàng nghìn chai.

Ông Hùng thừa nhận, hiện chưa có quy định cụ thể về quản lý đối với sản phẩm rượu thủ công, khó phân biệt với rượu công nghiệp. Chưa có quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn Việt Nam đối với sản phẩm rượu thủ công, đặc biệt là các loại rượu thủ công ngâm thảo dược, hoa quả (như: táo mèo, ba kích, tỏi đen, đông trùng hạ thảo…). Các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu lớn và thường xuyên biến động. Đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất rượu thủ công tại các làng nghề chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún, thường kết hợp với chăn nuôi với điều kiện cơ sở vật chất hạn chế. Mặt khác nơi tiêu thụ rượu chủ yếu tập trung ở các nhà hàng, cửa hàng ăn uống với loại hình kinh doanh tiêu dùng tại chỗ, không phải cấp phép bán lẻ rượu khiến việc kiểm tra, xử lý gặp khó. Ngoài ra, nhận thức của một số người dân và một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu còn hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt.

“Đây là đợt tiêu hủy số lượng rượu lớn nhất từ trước tới nay ở Hà Nội với nhiều loại rượu lậu, không rõ nguồn gốc, rượu ngâm thảo mộc, rượu nhập đắt tiền số lượng hàng nghìn chai", ông Hùng nói.

Phó Chi cục trưởng kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm rượu thủ công, rượu bổ, rượu thuốc… tạo điều kiện cho công tác quản lý đối với mặt hàng này. Trang thiết bị các kit thử nhanh đối với các độc tố khác nhau có trong rượu (như Fufurol, Aldehyt, Diacetyl…) cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Bộ Công thương quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục cấp phép sản xuất rượu thủ công cho làng nghề. Sớm làm rõ khái niệm rượu thuốc/rượu bổ và trách nhiệm của Bộ Y tế và Công thương trong cấp giấy phép sản xuất.

Bình An- Hiệp Hiệp
.
.
.