Thuỷ điện Trung Quốc xả nước cứu hạn: bao nhiêu nước có thể về đến Việt Nam?
Theo ông Cường, tình trạng hạn mặn nghiêm trọng ở đồng bằng sông Cửu Long xuất phát từ chỗ lượng dòng chảy trên các lưu vực sông xuống rất thấp, giảm trên 30% so với trung bình nhiều năm. Việc thiếu nước do suy giảm lượng mưa trên toàn bộ lưu vực.
Kết quả quan trắc cho thấy, mùa khô 2015-2015, lượng mưa giảm trên 50%, riêng tháng 2 vừa qua giảm trên 75%. Lượng mưa suy giảm trong khi điều tiết tự nhiên tại Biển Hồ lại gần như không có. Đây là nguồn nước nuôi dưỡng chính cho đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Trần Đức Cường khẳng định, các quốc gia vùng hạ lưu sông Mê Công cần tăng cường hợp tác với phía Trung Quốc để đảm bảo hài hoà lợi ích nguồn nước. |
Liên quan đến việc kiến nghị Trung Quốc xả nước để cứu hạn cho đồng bằng sông Cửu Long, ông Cường nói "Chúng ta không có quyền yêu cầu Trung Quốc xả nước vì họ không phải là thành viên của Uỷ hội sông Mê Công quốc tế. Với việc gửi công hàm ngoại giao, Việt Nam đã thể hiện vai trò tiên phong tích cực trong tư cách thành viên của Uỷ hội. Theo kí kết hợp tác giữa Uỷ hội sông Mê Công và Trung Quốc, Uỷ hội đã lắp đặt 2 trạm quan trắc tại Trung Quốc, trong đó có 1 trạm ngay tại đập Cảnh Hồng. Các trạm này sẽ cho biết chính xác số liệu Trung Quốc xả nước. Trên dọc dòng chính sông Mê Công cũng có 48 trạm quan trắc".
Vị trí thủy điện Cảnh Hồng. Đồ họa: Michael Buckley. Ảnh: VNE. |
Trước lo ngại rằng, dung tích của đập Cảnh Hồng chỉ là 249 triệu m3, nếu xả chỉ 30 giờ sẽ hết nước, thêm vào đó lượng nước về tới đồng bằng sông Cửu Long sẽ rất ít sau khi đi qua vùng hạn dài 4.000 km, ông Cường cho rằng, Việt Nam có thể sử dụng được từ 27-54% lượng nước xả từ Trung Quốc nếu có vai trò điều phối tích cực của Uỷ hội sông Mê Công quốc tế.
Một thực tế là, tình trạng hạn hán đang diễn ra trên toàn lưu vực. Thái Lan, Lào cũng đang trải qua hạn hán lịch sử. Về nguyên tắc, khi thuỷ điện Cảnh Hồng xả nước, nguồn nước sẽ đi qua các cánh đồng khô hạn của Lào và Thái Lan trước khi tới Việt Nam.
Do vậy, Uỷ hội sông Mê Công phải đứng ra điều phối việc sử dụng nước giữa các quốc gia để đảm bảo lợi ích. Ưu tiên cao nhất là để giải quyết khô hạn, tưới tiêu cứu đói, tuyệt đối không sử dụng cho các mục đích khác.
Các quốc gia phải tuyệt đối không được chuyển nước ra lưu vực khác, không được lưu trữ trên các hồ chứa thuỷ điện, đồng thời phải tạo điều kiện tốt nhất cho dòng chảy để nước di chuyển xuống hạ lưu thuận lợi.
Đồng bằng Sông Cửu Long đã bị hạn mặn lịch sử. |
"Chúng ta có 2 trạm quan trắc ở Tân Châu và Châu Đốc. Hai trạm này sẽ cho kết quả chính xác lượng nước hao hụt là bao nhiêu khi di chuyển từ Trung Quốc về tới Việt Nam. Kể cả khi có nguồn nước này cũng chỉ giải quyết được vấn đề khô hạn, không thể đẩy được mặn. Nếu không có nước ngọt thì không có cách gì đẩy mặn, hơn nữa nếu đỉnh triều vẫn tiếp tục dâng cao thì cũng không có cách nào" – ông Cường khẳng định.
Việc Trung Quốc xả nước đập Cảnh Hồng vẫn chỉ là giải pháp tạm thời. Theo ông Cường, giải pháp lâu dài vẫn là tăng cường hợp tác giữa các quốc gia hạ lưu sông Mê Công với Trung Quốc. "Chúng ta phải tăng cường hợp tác với các quốc gia thượng lưu sông Mê Công để tận dụng nguồn nước dư thừa của họ. Các hồ chứa ở Trung Quốc nếu chỉ tích 50% dung tích đã đạt 23 tỉ m3" – ông Cường nói.
Về diễn biến khô hạn ở miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ, ông Lê Thanh Hải – Phó Tổng giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia cho biết: "Phải đến cuối tháng 5, đầu tháng 6, hạn hán mới dần được cải thiện. El Nino năm nay đã vượt ngưỡng El Nino năm 1997. Lũ ở đồng bằng sông Cửu Long cũng xuống mức thấp nhất kể từ năm 1996. Hiện tại, El Nino đã qua giai đoạn cực trị nhưng còn tiếp diễn cho tới hết tháng 6. Do vậy, tình trạng hạn hán ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ còn khốc liệt hơn năm 2015". |