Thực hiện bền vững tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Thứ Sáu, 31/01/2020, 11:45
Sau gần 10 năm thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (2010-2020), công tác bảo vệ môi trường đã có những chuyển biến rõ rệt.

Tuy vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, do vậy, cần có những giải pháp cho giai đoạn tiếp theo nhằm giữ vững kết quả và tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.

Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), quan trọng nhất là sự chuyển biến nhận thức và chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, nhiều địa phương đã ưu tiên bố trí nguồn lực cũng như tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt. 

Từ đó, công tác đầu tư cho môi trường đã được quan tâm. Các tỉnh, thành phố đã vận dụng sáng tạo và ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù về bảo vệ môi trường, phù hợp với điều kiện thực tế, phát huy được lợi thế của địa phương, nhằm đẩy nhanh tiến trình hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Quy định về quản lý làng nghề, trong đó quan trọng nhất là xác định đối tượng quản lý ngành nghề nông thôn đã có những bước thay đổi mang tính chất quyết định. Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho Chính phủ xác định rõ đối tượng “ngành nghề nông thôn” để tập trung quản lý. 

Các quy định về bảo vệ môi trường làng nghề và các đối tượng không phải là làng nghề cũng đang dần được tách bạch hơn. Theo thống kê tại thời điểm tháng 5/2015, cả nước có hơn 5.400 làng nghề và làng có hoạt động sản xuất nghề, trong đó có 1.839 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận. Nhưng tính đến tháng 12-2018 chỉ còn 2.009 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận, tăng 170 làng nghề được công nhận so với năm 2015. Nhiều địa phương đã chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng “phương án bảo vệ môi trường làng nghề” như An Giang, Trà Vinh… 

Một số mô hình xử lý chất thải làng nghề đã được triển khai, bước đầu đã hạn chế được ô nhiễm môi trường. Công tác khắc phục ô nhiễm cải thiện môi trường tại 47 làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được quan tâm, đầu tư dù chưa quyết liệt và triệt để. Bộ đã làm việc với các địa phương có làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng, trong đó có 8/47 làng nghề đã hoàn thành việc thực hiện các dự án khắc phục ô nhiễm gồm 4 làng nghề ở Nam Định, 2 làng nghề tái chế ở Hưng Yên, 2 làng nghề ở Bắc Giang và 1 làng nghề ở Thái Bình. 

Công tác xây dựng cảnh quan, thực hiện vệ sinh môi trường có sự chuyển biến vượt bậc, tiêu biểu với nhiều mô hình cải tạo cảnh quan ở thôn, bản, ấp đã được các địa phương áp dụng sáng tạo như con đường bích họa, làng bích họa, dòng sông không rác, biến bãi rác thành vườn hoa, tuyến đường xanh - sạch - đẹp. Các địa phương điển hình như Đồng Nai, Hậu Giang, Trà Vinh, Hà Tĩnh, Nam Định… với số huyện có tỷ lệ các tuyến đường trồng cây xanh-hoa đạt trên 50%.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới còn bộc lộ nhiều hạn chế về ý thức và trách nhiệm, phương thức triển khai, quản lý và vận hành, công nghệ cũng như thiếu nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản về bảo vệ môi trường. 

Phương thức triển khai còn lúng túng vì cần xác định chủ thể xây dựng, bảo vệ môi trường, cảnh quan nông thôn là cộng đồng dân cư, chính quyền chỉ tạo động lực và chỉ ra cách, hỗ trợ người dân thực hiện. Việc lựa chọn công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt, nước thải cụm dân cư, làng nghề… còn lúng túng dẫn đến lãng phí về đầu tư nguồn lực.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng, công tác xây dựng cảnh quan, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường cần thực hiện quyết liệt, kiên trì, bền bỉ; cần có tư duy, cách làm hiệu quả đối với việc “xanh hóa nông thôn”, bảo đảm độ thân thiện đối với môi trường. Năm 2020 và định hướng cho giai đoạn đến 2030, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào các vấn đề trọng tâm để đạt và duy trì bền vững tiêu chí môi trường trong xây dựng cảnh quan nông thôn mới. Các tỉnh, thành phố xem xét, phê duyệt kế hoạch cụ thể trong quản lý chất thải rắn nông thôn, tiếp cận với nguyên lý "kinh tế tuần hoàn” trong tận thu, tái chế, tái sử dụng chất thải.

Các tỉnh, thành phố sớm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý theo hình thức tập trung và phi tập trung về nước thải nông thôn, cải tạo kênh mương, cống rãnh, ao hồ; phát huy giá trị sinh thái, điều hòa tiểu khí hậu, xây dựng cảnh quan, hình thành các điểm sinh hoạt công cộng; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới; phát huy, nhân rộng các mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu…

Minh Nguyệt
.
.
.