Thú rừng trước nguy cơ tận diệt

Thứ Năm, 30/06/2016, 09:00
Sức hấp dẫn của thịt rừng đã thôi thúc nhiều thợ săn mang theo bẫy, súng tự tạo... xuyên rừng suốt ngày đêm khiến cho thú rừng nhiều nơi luôn phải đối mặt trước nguy cơ tận diệt.

Một trong những đặc sản khoái khẩu được nhiều thực khách quan tâm mỗi khi đến các nhà hàng là món thịt rừng. Giá cả thú rừng thứ thiệt đắt hơn thú nuôi, vì thế đặc sản này luôn thu hút dân nhậu sành điệu nên nhiều chủ quán thường “ém” hàng dành riêng cho khách “ruột” và những người thân quen.

Sau một đêm giăng bẫy, cánh thợ săn đã bắt được con chồn và con hoẵng. Ảnh : Đ.T.Trực.

Sức hấp dẫn của thịt rừng đã thôi thúc nhiều đối tượng mang theo bẫy, súng tự tạo... xuyên rừng suốt ngày đêm khiến cho thú rừng nhiều nơi luôn phải đối mặt trước nguy cơ tận diệt.

Từ ngã ba Ngân Điền trên QL25 rẽ phải theo Tỉnh lộ 650 hơn 5km, tôi đến khu rừng Hòn Đát thuộc thôn Nguyên Xuân, xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) tìm gặp anh Năm Biên - một người dân ở xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn (Bình Định) đang giăng bẫy thú rừng ở đây. Sau một hồi lân la khơi chuyện và lựa lời thuyết phục, Năm Biên mới kể: “Từ thời niên thiếu tui đã theo nghề săn bắt chim chóc, chồn, cheo, thỏ, nhím. Đến khi lập gia đình, tui vẫn kiếm cơm bằng nghề này, tới nay đã có hơn hai chục năm trong nghề”.

Theo lời của Năm Biên bẫy thú có nhiều kiểu dáng và cấu tạo khác nhau, nhưng tất cả đều được lắp đặt bằng sắt thép. Giới săn bắt thú rừng thường sử dụng các loại bẫy lồng, bẫy kẹp, bẫy sập, bẫy rút... Kết cấu các bẫy thú trông rất đơn giản, nhưng khi thú vấp phải rất khó thoát thân. Dứt lời, anh Năm Biên lấy từ ba lô ra mấy chiếc bẫy kẹp, bẫy rút do thợ cơ khí ở Bình Định chế tạo rồi giới thiệu cách cài đặt, hình thức bẫy sập khi thú giẫm chân.

Anh thừa nhận: “Trước kia thú rừng còn nhiều, nhưng mấy năm gần đây khan hiếm dần vì nhiều nơi giăng bẫy, săn bắn. Bây giờ mỗi tuần bắt được con chồn, mỗi tháng bẫy được con heo là may lắm rồi... Tui với hai anh em cùng làng đi từ miền núi này đến miền núi khác, chiều vào rừng đặt bẫy, tối ra khu dân cư ở gần cửa rừng để nấu ăn, mắc võng ngủ nhờ trong vườn nhà dân, đến chiều hôm sau mới trở lại rừng. Bẫy được con thú nào thì cất giấu trong bao tải trước khi khiêng ra cửa rừng đưa lên xe máy chở đi bán. Vất vả và nhiều lúc phải chui nhủi, né tránh kiểm lâm, công an địa phương, nhưng mỗi tháng kiếm được năm, ba triệu để chi phí sinh hoạt gia đình, trả học phí cho con...”.

Rời Sơn Nguyên, chúng tôi tiếp tục hành trình sang Tỉnh lộ 643 đến thôn Suối Phèn, xã Sơn Long. Anh Mười Đông – một người dân địa phương kể lại: “Vợ chồng tui từ đồng bằng lên đây lập nghiệp hơn hai chục năm nay. Sau một ngày cày cuốc, trồng trọt, tui mang bẫy lưới nilon lên rẫy mía để “đón” những bầy chim chào mào bay về sau một ngày kiếm ăn. Thời đó chim thú còn nhiều nên mỗi đêm tui bẫy năm, bảy chục con, có lúc cả trăm con, người mua đến tận nhà chở xuống phố bán lại cho đầu nậu chơi chim cảnh. Những lúc nông nhàn, tui đi giăng bẫy chim sẻ, chim mía mỗi ngày được cả trăm con, dân buôn mua về bán lại cho các nhà hàng, quán nhậu”.

Trong những lần bẫy chim, Mười Đông nhìn thấy mấy người săn bẫy thú rừng kiếm được tiền triệu từ nai, heo, chồn, nhím, nên anh tìm mua bẫy kẹp, bẫy lồng... để vào rừng bắt thú.

Mười Đông cho biết: “Sau hàng chục năm theo nghề, những người giăng bẫy thú rừng đều tích lũy kinh nghiệm cần thiết về đặc tính, dấu vết, thức ăn khoái khẩu của từng loại thú, phương pháp ngụy trang che giấu bẫy. Những khi tiết trời se lạnh, heo rừng chui vào lau lách, bụi rậm. Đến mùa thu hoạch sắn, bắp thì mò ra nương rẫy ven triền núi để kiếm ăn. Tụi tui bám theo những đặc tính đó để giăng bẫy, săn bắn heo rừng. Mới nói nghe tưởng dễ, nhưng khi va chạm thực tế mới biết được khó khăn, bất trắc khó lường. Nghề này nghiệt ngã lắm, có khi một tuần chẳng bẫy được gì, nhưng cũng có lúc chỉ sau vài giờ đã có lợn, nai dính bẫy”.

Tối hôm đó, tôi xuống xã An Xuân, huyện Tuy An gặp anh Bảy Minh để hỏi chuyện bẫy thú rừng. Bảy Minh nói: “Trước năm 2000, khu vực này nhiều thú rừng lắm, đêm nào chồn, cheo, nhím, sóc, nai, hoẵng cũng vào tận vườn nhà dân. Lấy vài múi mít hay quả chuối chín đặt vào bẫy lồng, đến sáng hôm sẽ có con chồn mướp để nhậu hay cải thiện bữa ăn. Hơn chục năm nay, đặc sản thịt rừng hút khách, giá cao nên nhiều người dân đua nhau giăng bẫy khiến cho thú rừng cạn kiệt. Bây giờ kiếm con chồn mướp đã khó nên nai, heo càng hiếm”.

Nghe tôi hỏi giá cả, Bảy Minh cho biết: “Hầu hết thú rừng sập bẫy đều chết hoặc gãy chân, dập đầu, nên phải mổ bỏ phủ tạng trước khi bán. Thời điểm này, mỗi cân thịt chồn ngận, chồn dơi có giá 90.000-110.000 đồng; chồn đèn, chồn mướp thì 180.000-200.000 đồng; nai, heo 240.000-260.000 đồng. Khi đưa vào nhà hàng, quán nhậu được đầu bếp chế biến thành những món thịt rừng có trong thực đơn thì giá cả tăng lên gấp nhiều lần là chuyện bình thường. Đó là chưa nói đến thú rừng còn sống nguyên vẹn có giá bán cao hơn”...

Trên đường trở về, một câu hỏi cứ hiện hữu mãi trong tâm trí tôi khi những người giăng bẫy thừa nhận thú rừng đang cạn kiệt nhưng không hiểu vì sao rất nhiều nhà hàng, quán nhậu ở Phú Yên gần như lúc nào cũng có thịt rừng để phục vụ thực khách và chuyện săn bắn thú rừng cần được chính quyền địa phương mạnh tay ngăn chặn.

Hữu Toàn
.
.
.