Thịt heo nhiễm vi khuẩn ‘cực nguy hiểm’ ở lò giết mổ
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hòa, thuộc trường ĐH Nông lâm Huế đã cho biết như trên tại Hội nghị Khoa học Y tế công cộng lần II - 2015 được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 19/9.
Kết quả trên được công bố qua việc khảo sát về tình hình giết mổ gia súc gia cầm tại địa bàn 2 xã Bình Trị và Bình Nguyên (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Trong đó đáng chú ý là việc khảo sát mới chỉ lấy mẫu thịt heo tại 2 cơ sở giết mổ (CSGM) và 2 cơ sở kinh doanh (CSKD) thuộc huyện Bình Sơn, còn nhiều cơ sở nhỏ lẻ khác chưa có điều kiện lấy mẫu.
Giết mổ heo trong điều kiện không đảm bảo là nguyên nhân gây vấy nhiễm vi khuẩn, gây ngộ độc thực phẩm. |
Cũng theo TS Hòa, vi khuẩn Salmonella là nguy hiểm nhất trong các vi khuẩn cần kiểm tra trong thực phẩm, đặc biệt với thịt tươi sống và thịt bảo quản lạnh, chỉ cần một lượng thật nhỏ thực phẩm thịt bị nhiễm Salmonella cũng có thể gây nên những vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) cấp tính.
Qua khảo sát, trong tổng số 50 mẫu thịt heo được kiểm tra của 2 CSGM trên có 34,6% các mẫu không đạt về chỉ tiêu Salmonella và 34,6% số mẫu không đạt cả 3 chỉ tiêu kiểm tra về ATVSTP là: Vi khuẩn hiếu khí, E.coli và Salmonella.
Còn trong 2 CSKD thì 100% số mẫu không đạt chỉ tiêu về tổng số vi khuẩn hiếu khí và nhiễm E.Coli, 16,7% số mẫu nhiễm Salmonella và 16,7% không đạt cả 3 chỉ tiêu.
Cũng theo TS Hòa, các CSGM tại địa bàn 2 xã trên đã tồn tại từ 20-23 năm nay nhưng chưa được xây dựng các lò giết mổ tập trung theo qui định của nhà nước, đa số là xây dựng nhỏ lẻ, theo từng hộ gia đình.
Các hộ giết mổ thường không cố định tại một nơi hoặc sử dụng ngay một phần diện tích nhà để làm nơi giết mổ, một số cơ sở lại được xây dựng ngay bên cạnh các điểm nuôi, nhốt gia súc gia cầm, không có sự phân chia giữa khu vực sạch và khu vực bẩn.
Toàn bộ qui trình mổ, sơ chế, pha lóc thịt heo, làm nội tạng heo, đều thực hiện trên mặt nền nhà. Trong khi công suất giết mổ của mỗi hộ tại đây từ 22-25 con/ngày.
Các CSKD tại chợ thì hầu hết đã có 15-25 năm hoạt động nhưng đa số làm thịt heo trên nền chợ bê tông hóa , các sạp thịt được xây bê tông hoặc gạch kiên cố hoặc làm bằng gỗ tạm bợ. Thịt được bày bán trên mặt bàn xi măng cả ngày nhiễm vấy bẩn, rất mất vệ sinh. Trung bình số thịt heo được tiêu thụ tại mỗi chợ là 23-29 con/ngày, cung ứng cho một số lượng không nhỏ người dân trong vùng.
Thực tế tại khu vực huyện Bình Sơn trong vài năm gần đây, là nơi thường xuyên xảy ra các vụ NĐTP. Điển hình như năm 2011 toàn huyện xảy ra tới 4 vụ NĐTP, năm 2012 cũng 4 vụ, 2013 là 1 vụ.
TS Hòa kiến nghị, cơ quan chức năng cần đưa ra giải pháp thực hiện kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y thường xuyên với các CSGM và các điểm kinh doanh thịt tươi gia súc.