Thắp sáng niềm tin, giúp người lầm lỗi làm lại cuộc đời

Thứ Sáu, 29/11/2019, 10:20
Những ngày cuối năm 2019, chúng tôi đến Trại giam Vĩnh Quang (Bộ Công an), nơi đây các phạm nhân đều là nam, nhiều phạm nhân có mức án cao, bệnh tật…

Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm, sự chia sẻ, tận tụy, các cán bộ Công an đã cảm hóa, giúp đỡ nhiều phạm nhân từng bước xóa đi mặc cảm, cải tạo tốt và sớm được trở về với gia đình, xã hội.

Thiếu tá Đỗ Thành Giang, Phó Giám thị Trại giam Vĩnh Quang cho biết, chất lượng công tác giáo dục cải tạo và hòa nhập cộng đồng của trại giam ngày càng được nâng lên, dần đi vào ổn định, nền nếp. 

Đơn vị đã tổ chức cho phạm nhân lao động, học tập và thực tập nghề; thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho các phạm nhân; tổ chức nhiều lớp giáo dục kỹ năng tái hòa nhập cộng đồng cho các phạm nhân sắp chấp hành xong hình phạt tù. Trực tiếp tham quan nơi ăn, chỗ ở và hoạt động lao động nghề nghiệp của các phạm nhân, thân nhân gia đình các phạm nhân đã hiểu rõ hơn điều kiện sinh hoạt, cải tạo. Từ đó động viên các phạm nhân cải tạo tốt, chủ động trang bị kỹ năng để sớm tái hòa nhập cộng đồng.

Nhớ lại thời điểm gặp người thân ở Trại giam Vĩnh Quang tại Hội nghị gia đình, tháng 6-2019, bà Triệu Thị Hảo, tỉnh Lạng Sơn không khỏi bùi ngùi. Bà đến trại từ rất sớm, vì lần gặp này với người thân là phạm nhân Triệu Văn Hải không giống những buổi gặp trước, bà được trực tiếp, trò chuyện và cùng dùng bữa cơm sum họp.

Cũng theo bà Hảo, Hội nghị gia đình đã giúp gia đình hiểu hơn về công việc của quản giáo trong trại giam, kịp thời động viên tinh thần, nắm bắt tâm tư, tình cảm hỗ trợ con, cháu, người thân cải tạo tốt. Ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 vừa qua, đối với Hồ Anh Phong (SN 1978), ở huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. 

Nhờ cải tạo tốt, Phong vừa được xét giảm hết án đợt III năm 2019 (giảm 11 tháng, 2 năm trước đó phong đã được giảm 23 tháng). Phong chia sẻ, từ khi biết mình có tên trong danh sách được xét giảm hết thời gian chấp hành hình phạt, ra tù trước thời hạn, nhiều đêm anh đã mất ngủ vì nghĩ đến ngày mình được bước ra khỏi cánh cửa trại giam, được trở về với gia đình và hoạch định kế hoạch làm lại cuộc đời sau những lỗi lầm đã gây ra.

Trung tá Nguyễn Đức Phương, Giám thị Trại giam Vĩnh Quang và các đại biểu hỏi thăm người thân của các phạm nhân tại Hội nghị gia đình.

Cách đây 13 năm (năm 2006), Hồ Anh Phong có trong tay 2 tấm bằng đại học, lại giỏi về công nghệ thông tin và được Công ty Honda Việt Nam tuyển vào làm việc tại Phòng công nghệ thông tin, được giao làm nhóm trưởng phần mềm sản xuất, phần mềm hành chính (phần mềm điện tử SAP) có nhiệm vụ hỗ trợ, hướng dẫn các thao tác sử dụng phần mềm điện tử của công ty. 

Vì vậy, Phong biết rõ quy trình, phương thức hoạt động nghiệp vụ đặt hàng, mua, bán vật tư, phụ tùng và thủ tục thanh toán tiền của công ty. Khi được một số đối tượng làm cùng công ty bàn về cách thức lợi dụng kẽ hở trong lập trình phần mềm điện tử lập khống chứng từ, hóa đơn mua bán dầu nhờn để chiếm đoạt tài sản, Phong đã đồng ý tham gia. 

Từ tháng 9 đến  11-2013, 3 đồng phạm khác đã cùng Phong lừa đảo, chiếm đoạt 5.400 thùng dầu nhờn, trị giá hơn 5,6 tỷ đồng của Công ty Honda Việt Nam. Trong vụ án này, Phong được giao nhiệm vụ sử dụng kỹ thuật tin học chặn không cho hệ thống báo công nợ đến các đại lý khiến phòng thanh toán không có cơ sở đối chiếu công nợ nhưng Công ty Honda Việt Nam vẫn phải thanh toán đủ số tiền hàng. 

Hậu quả, Phong phải trả giá bằng hình phạt 7 năm 6 tháng tù giam. Nhưng nhờ cải tạo tốt, Phong đã được xét giảm gần 3 năm chấp hành án phạt. “Đó là nhờ được sự động viên, chỉ bảo của các cán bộ quản giáo trong trại, tôi đã xác định được tư tưởng, phải cải tạo thật tốt để làm lại cuộc đời”, Phong trải lòng. Đó cũng là mong muốn của hầu hết các phạm nhân đang cải tạo tại Trại giam Vĩnh Quang.

Không nằm trong danh sách xét giảm hết án đợt này nhưng với phạm nhân Hoàng Quốc Việt, án chung thân vẫn đang nỗ lực, cải tạo tốt từng ngày. Từ năm 2015 năm đến 2019, Việt liên tục được xếp loại khá, luôn được quản giáo khen ngợi, động viên nêu gương với những phạm nhân khác. Từ án chung thân, Việt 2 lần được giảm án, xuống 30 năm và 5 tháng. Cũng chính nỗ lực ấy, theo phạm nhân Việt phải cố gắng để trở về nhà, thắp hương cho bố mẹ đã khuất, chăm sóc người em tật nguyền và em út mới tròn 5 tuổi.

Theo Giám thị Trại giam Vĩnh Quang, những năm đầu tiên vào trại, phạm nhân Việt đã vi phạm nội quy trại giam, cất giấu vật cấm, dùng chiếc dùi bằng sắt tự tạo đâm vào mặt đồng phạm, không tuân thủ mệnh lệnh… Nắm bắt được tâm lý của Việt, cán bộ quản giáo theo sát mọi hoạt động của phạm nhân này, kịp thời động viên, chia sẻ hoàn cảnh éo le của gia đình, trong đó các em đang mong chờ Việt trở về, làm chỗ dựa. Cứ thế niềm tin hướng thiện đã giúp Việt có những suy nghĩ tích cực, cải tạo tốt hơn, tiếp tục mong được giảm án vì thời gian còn lại ở trại giam là hơn 13 năm nữa…

Được biết, trong năm 2019, ở Trại giam Vĩnh Quang, số phạm nhân được khen thưởng là 422 phạm nhân. Để khơi dậy khát vọng hoàn lương trong mỗi phạm nhân, Trại giam Vĩnh Quang luôn chú trọng gắn giáo dục đạo đức, lối sống với các hoạt động quản lý phạm nhân trong lao động, học tập, trong sinh hoạt và giao tiếp; đồng thời tổ chức các lớp xóa mù chữ, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân…

Minh Hiền –Xuân Trường
.
.
.