Liên kết vùng tại đồng bằng sông Cửu Long:

Tẩy chay tình trạng manh mún, mạnh ai nấy làm

Thứ Sáu, 03/11/2017, 07:53
Ngày 6-4-2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 593/QÐ-TTg ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển KT-XH vùng ÐBSCL giai đoạn 2016-2020. Mục đích khai thác cao nhất tiềm năng, lợi thế của vùng và của từng địa phương, nhằm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, phát triển KT-XH nhanh, bền vững.

Trong đó, có 3 vấn đề cần liên kết: Liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực (lúa gạo, thủy sản, trái cây…), bảo đảm cung - cầu, tham gia vào chuỗi nông sản toàn cầu với lợi thế cạnh tranh nhất; liên kết phát triển hạ tầng giao thông và liên kết phát triển hạ tầng thủy lợi. ÐBSCL là vùng duy nhất trong cả nước được Chính phủ ký Quyết định liên kết này.

Chưa bao giờ vấn đề liên kết vùng, tiểu vùng khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đặt ra đầy quyết tâm như hiện nay. Trong tháng 9 và 10-2017, liên tục diễn ra các hội thảo khoa học về phát triển vùng Đồng Tháp Mười; phát triển bền vững tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL; phát triển vùng Tứ giác Long Xuyên… nhằm tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế về các giải pháp phát triển bền vững. Các địa phương đều nhận ra một thực tế tất yếu và cần thiết: Liên kết để ĐBSCL ngày càng phát triển và cùng nhau chia sẻ lợi ích.

Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang thúc đẩy liên kết sản xuất lúa, gạo theo chuỗi giá trị xuất khẩu.

Do không có sự chủ động trong phối hợp, liên kết thực hiện các chương trình dự án, kế hoạch đầu tư phát triển mang quy mô vùng nên thời gian qua, các nguồn lực đầu tư cho sự phát triển vùng ĐBSCL luôn phụ thuộc vào sự đầu tư từ Trung ương.

Đầu tư từ các tỉnh, thành chủ yếu là phục vụ cho sự phát triển của địa phương. Vì thế, không gian kinh tế vùng bị chia cắt, nhiều ngành kinh tế và sản phẩm (chủ yếu là nông sản) của nhiều tỉnh, thành dù có lợi thế so sánh, có khả năng nâng cao giá trị nhưng lại bị cắt khúc trong chuỗi giá trị ngành hàng, giảm giá trị gia tăng và sức cạnh tranh trên thị trường. Vì thế, nông dân thường xuyên lâm vào cảnh “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”…

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) cần tiếp cận theo lợi thế về tiểu vùng sinh thái ĐBSCL, như: tiểu vùng Đồng Tháp Mười; tứ giác Long Xuyên; vùng ven biển Đông; bán đảo Cà Mau và vùng giữa sông Tiền và sông Hậu. Mỗi tiểu vùng có lợi thế tự nhiên; sản phẩm chủ lực và sản phẩm bản địa; tập quán văn hóa khác nhau để vừa khai thác lợi thế, tiềm năng và thích ứng với BĐKH hiệu quả.

Một trong những mô hình tiên phong hiện nay là đề án liên kết “Tiểu vùng Đồng Tháp Mười”. Trên cơ sở có nhiều điểm tương đồng về sản xuất nông nghiệp, điều kiện tự nhiên... giữa Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang, 3 tỉnh này đã triển khai liên kết nhằm xây dựng và phát triển tiểu vùng Đồng Tháp Mười trở thành vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp; đồng thời thống nhất về quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, quản lý tài nguyên bền vững trong bối cảnh ứng phó BĐKH và hội nhập quốc tế. Đề án liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười được triển khai cuối năm 2016 và đang được đánh giá là một trong những mô hình liên kết phát huy hiệu quả.

Cách làm này đã được lãnh đạo 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang đồng thuận về cách nhìn không gian; giá trị cốt lõi của tiểu vùng và thế mạnh từng địa phương để liên kết lập kế hoạch phát triển vùng Đồng Tháp Mười bền vững hơn thay vì từng tỉnh lập kế hoạch…

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp khẳng định, Thủ tướng Chính phủ đồng ý và giao cho UBND tỉnh Đồng Tháp chủ trì xây dựng đề án. Với mục tiêu phát huy các giá trị bản địa và hệ sinh thái đất ngập nước; đề án thống nhất 5 chương trình liên kết gồm: Phát triển nông nghiệp; du lịch sinh thái; bảo tồn đa dạng sinh học; phát triển cơ sở hạ tầng; chính sách liên kết và kêu gọi đầu tư. Thời gian qua dự kiến hoàn chỉnh trong cuối năm 2017. 

Cũng trăn trở về liên kết vùng, ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chia sẻ, tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên gồm: An Giang, Kiên Giang, TP Cần Thơ và một phần của Hậu Giang là một trong những nơi sản xuất lúa gạo trọng điểm của ÐBSCL. Song, hiện nay việc sản xuất còn nhỏ lẻ, dựa nhiều vào nguồn tài nguyên, thiếu sự liên kết trong chuỗi giá trị ngành hàng.

Việc khai thác, sử dụng nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sự can thiệp của các quốc gia vùng thượng nguồn sông Mê Kông cũng là lo ngại cho tiểu vùng này. Do đó, cần có sự liên kết trong quản lý, sử dụng nguồn nước một cách tốt nhất.

Theo lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL, những liên kết, hợp tác trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả cao do chưa có sự phối hợp đồng bộ, vẫn còn tình trạng tùy vào thế mạnh, cân đối lợi ích của từng tỉnh, thành để phát triển kinh tế địa phương.

Thời gian tới, đòi hỏi quá trình liên kết phải được thực hiện một cách sâu rộng, chặt chẽ theo định hướng cụ thể, với những bước đi thiết thực và phải có cơ chế ràng buộc trong thực hiện đối với các địa phương trong vùng.

Đức Văn
.
.
.