Điệp khúc muôn thuở: Tăng lương và nỗi lo tăng giá

Thứ Ba, 05/01/2016, 08:08
Từ ngày 1-1-2016, lương tối thiểu của người lao động đã chính thức được tăng từ 250 đến 400.000 đồng tùy theo từng vùng. Với người lao động, cuộc sống còn nhiều khó khăn, tăng lương là điều đáng mừng. Thế nhưng, trong cái mừng ấy cũng có không ít lo toan.


Kỳ nghỉ Tết dương lịch kéo dài 3 ngày, thế nhưng tại thôn Bầu (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) vẫn có rất nhiều công nhân đang thuê trọ ở lại. Cuộc sống trong những xóm trọ ở đây vẫn như thường ngày, chỉ những người quê gần mới về nghỉ lễ. 

Chị Nguyễn Thị Thu chia sẻ, quê ở tận Hà Tĩnh, nghỉ vài ngày về quê thì quá ít thời gian, hơn nữa không về quê là cũng đỡ được một khoản tiền tàu xe đi lại. “Quê ở xa, đi lại tốn kém, lâu lâu về nhà còn phải quà cáp. Tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó để sắp tới Tết Nguyên đán về còn có thêm đồng chi tiêu”, chị Thu cho hay. 

Nói về việc từ ngày 1-1-2016, những công nhân như chị được tăng lương tối thiểu, chị Thu thở dài: “Hai vợ chồng tôi đều là công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long đến nay cũng đã gần 8 năm. Cả hai vợ chồng lương đều hơn 4 triệu một tháng, đã cao hơn mức lương tối thiểu được điều chỉnh là 3,5 triệu nên cũng chẳng hy vọng được điều chỉnh lương lần này. Thu nhập của hai vợ chồng cả tăng ca cũng chỉ đủ để cho con đi học lớp tư thục, trả tiền thuê trọ và ăn uống tằn tiện. Lần nào tăng lương, giá cả cũng tăng từ tiền đi chợ, đến tiền thuê trọ, con cái học hành vì thế vợ chồng tôi ngại nhất lần này tăng lương, lại giáp vào dịp Tết, giá cả leo thang thì cuộc sống công nhân đã khốn lại càng thêm khó”.

Quê ở ngay Ba Vì (Hà Nội) nhưng nghỉ lễ, cô công nhân trẻ Phạm Thị Hằng cũng không về mà ở lại với bạn cùng phòng Nguyễn Hiếu Nhi (quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Căn phòng trọ giá 800.000đ/tháng chỉ rộng chừng 8m², chật chội, ẩm thấp. Bữa trưa chỉ đơn giản là mỗi chị em một bát mì úp.

Tăng lương tối thiểu, đời sống của công nhân tại các khu công nghiệp lại đối mặt với nỗi lo tăng giá.

Thấy khách ái ngại, Hằng chia sẻ: “Bọn em phải tiết kiệm hết sức để còn có tiền gửi về quê giúp bố mẹ cho các em ăn học. Với cả ngày nghỉ bọn em ngại đi ra ngoài, chợ búa lại phải tiêu pha nên ăn thế này cho tiện”. Cả Hằng và Nhi đều làm ở Công ty Hoia (Khu công nghiệp Bắc Thăng Long) được gần 4 năm nay. Lương cũng xấp xỉ 5 triệu đồng/tháng thế nên nhắc đến việc tăng lương cả hai chị em đều không hào hứng. 

“Lần nào tăng lương thì giá cả đều tăng theo, thế nên tăng lương tối thiểu cũng chẳng có nhiều ý nghĩa lắm. Lương tăng được vài ba trăm nghìn mà mọi thứ đều tăng giá thì chẳng giải quyết được việc gì. Bọn em chưa có gia đình còn đỡ chứ những người có vợ chồng, con cái rồi thì mệt mỏi lắm”, Nhi tiếp lời. 

Theo Nhi, những lần trước tăng lương, giá phòng trọ đều tăng từ 100.000 đến 200.000đ/phòng/tháng, tiền điện, tiền nước chủ nhà trọ đều tính tăng lên, rồi còn nhiều khoản khác nữa. Chính vì thế mà phần tăng lương không bù đủ phần tăng giá.

Không chỉ có nỗi niềm tăng lương, người lao động còn có những băn khoăn khác. Kể từ ngày 1-1-2016, theo cách tính BHXH mới, mức tiền đóng BHXH được tính dựa trên lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng thay vì dựa vào bảng lương như hiện nay. Theo lý giải, đây là điều có lợi cho người lao động. Người lao động khi được nâng mức lương tối thiểu và phụ cấp thì việc đóng bảo hiểm cũng tăng theo. Tuy nhiên, người lao động cũng sẽ được hưởng nhiều hơn các chế độ chính sách của bảo hiểm xã hội.

“Vẫn biết là đóng bảo hiểm ở mức cao thì sau này lương hưu cũng cao hơn. Rồi các chế độ khác như trợ cấp rủi ro khác như tai nạn, ốm đau, thất nghiệp và chế độ thai sản cũng sẽ tăng. Thế nhưng, đời sống công nhân hiện đang rất khó khăn. Thêm tiền đóng BHXH thì cuộc sống hằng ngày của chúng tôi lại eo hẹp hơn chút nữa”, chị Nguyễn Thị Thắm, công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long chia sẻ

Bên cạnh đó, việc làm thế nào để giám sát được việc tăng lương của doanh nghiệp cũng là một trong những băn khoăn của người lao động. Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì tổ chức công đoàn sẽ phân công cán bộ công đoàn giám sát việc thực hiện lương tối thiểu vùng cũng như các khoản phụ cấp, trợ cấp khác tại doanh nghiệp để tránh xảy ra tình trạng doanh nghiệp thực hiện không đúng. 

Ở những doanh nghiệp đông công nhân, thường xảy ra tranh chấp thì cử cán bộ nắm tình hình, hướng dẫn công đoàn cơ sở trong quá trình điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho phù hợp, không để xảy ra tranh chấp lao động.

Trao đổi với PV, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định, trong nghị định của Chính phủ về tiền lương tối thiểu, doanh nghiệp không được cắt giảm các khoản phụ cấp, phải thực hiện những cam kết của người sử dụng lao động. 

Tổ chức công đoàn sẽ giám sát để chủ sử dụng lao động không cắt bỏ các khoản phụ cấp, mà thực hiện những điều đã cam kết trong thỏa ước lao động tập thể, hoặc cam kết giữa người sử dụng lao động và người lao động. 

Ông Chính cũng thừa nhận, mỗi lần tăng lương, công nhân, người lao động phải đối mặt với nhiều nỗi lo do giá cả tăng là điều có thật. Ông Chính ví dụ như giá điện tăng 10%, người lao động đi thuê nhà lại phải chịu phần lũy tiến phía sau với giá rất cao, bởi phần giá thấp thì chủ nhà đã hưởng hết.

 Giá điện, giá nước tăng, các mặt hàng ở khu công nghiệp đều tăng từ 7 đến 9%. Do vậy, theo ông Chính, vấn đề là các cơ quan quản lý nhà nước sau đợt điều chỉnh tăng lương lần này cố gắng kìm được giá cả những mặt hàng mà người công nhân đang cần là điều rất quan trọng.

Phan Hoạt
.
.
.