Tăng cao nhất 200.000đ cho mức lương tối thiểu vùng năm 2019
- "Chốt" phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 ở mức 5,3%
- Lương tối thiểu vùng sẽ tăng như thế nào vào năm 2019?
- Hậu tăng lương tối thiểu vùng: Vẫn nhiều tâm tư1
Như vậy, tính theo các vùng quy định, người lao động được tăng từ 160 nghìn đến 200 nghìn đồng/người/tháng. Năm 2019, mức lương tối thiểu vùng 1 lên 4.180.000 đồng, vùng 2 lên 3.710.000 đồng, vùng 3 lên 3.250.000 đồng, vùng 4 lên 2.950.000 đồng.
Phải bỏ phiếu để chốt phương án
Kết thúc phiên họp thứ 3, một thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia cho biết, tại phiên họp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN - đại diện người lao động) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI - đại diện cho giới doanh nghiệp) vẫn tiếp tục đưa ra các quan điểm để bảo vệ đề xuất của mình.
Sau nhiều giờ thương lượng, hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Cuối cùng, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia đã tổng hợp đưa ra hai phương án để lấy ý kiến biểu quyết tăng lương tối thiểu vùng năm 2019. Đó là, phương án 1 là 5,3% và phương án 2 là 6,1%. Kết quả bỏ phiếu cuối cùng, phương án tăng 5,3% được xác định.
Lương tối thiểu của người lao động năm 2019 tăng cao nhất 200 nghìn đồng. |
Phát biểu sau khi chốt phương án mức tăng lương tối thiểu năm 2019, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho biết, phía VCCI vẫn mong muốn mức tăng 5,1%, nhưng do Hội đồng tiền lương quyết định nên VCCI cũng đồng ý mức 5,3%. Với mức tăng này, các doanh nghiệp sẽ phải phấn đấu để có thể đáp ứng được yêu cầu.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia Doãn Mậu Diệp cho biết, ông hài lòng với mức tăng 5,3% trong năm 2019. “Đây là mức mà người lao động ngoài việc bù trượt giá (4%/năm) thì vẫn còn có mức tăng trưởng, tích lũy. Và với mức này, doanh nghiệp cũng có thể chi trả được. Đây là mức tăng hài hòa, có thể làm hai cùng chấp nhận được”, ông Diệp nói
Mức tăng cho lương tối thiểu vùng 2019 đã được thống nhất, tuy nhiên, qua 3 phiên họp bàn về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm nay có thể thấy, vấn đề quan trọng được các bên tranh cãi là về cách xác định mức sống tối thiểu làm căn cứ tính mức lương tối thiểu năm.
Trong bối cảnh lộ trình lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu đã được xác định (năm 2020) thì việc xác định "mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ" là vấn đề hết sức quan trọng, chi phối trực tiếp đến việc đề xuất mức lương tối thiểu vùng.
Bộ phận kỹ thuật Hội đồng tiền lương quốc gia đề xuất chọn tỉ lệ chi phí lương thực, thực phẩm chiếm 48% (phi lương thực, thực phẩm 52%); còn Tổng LĐLĐVN đề xuất cơ cấu nhu cầu lương thực, thực phẩm chỉ chiếm 45% (phi lương thực, thực phẩm là 55%).
Bên cạnh đó, một điều Tổng LĐLĐVN cũng hết sức băn khoăn là mức sống tối thiểu của người lao động do Bộ phận kỹ thuật Hội đồng tiền lương quốc gia tính toán năm nay thấp hơn nhiều so với số liệu của chính Bộ phận này đưa ra năm 2017…
Lương tối thiểu năm 2020 sẽ phải tăng rất cao
Theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) mới thực hiện, năm 2018, chỉ có 17,2% người lao động đánh giá hài lòng với tiền lương, thu nhập của mình, giảm 5,5% so với năm 2017. 65,7% người lao động tạm hài lòng. Tỷ lệ người lao động không hài lòng chiếm tỷ lệ 17,1%.
Viện Công nhân và Công đoàn cho biết, so sánh thu nhập với chi tiêu của người lao động và gia đình, kết quả cho thấy: chỉ có 17,4% người lao động có dư dật và tích lũy; 43,7% cho biết vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 26,5% phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12,5% cho biết thu nhập không đủ sống.
Qua khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn có thể thấy, đa số người lao động hiện nay tay làm mới chỉ để nuôi miệng, được đồng nào hết đồng ấy, thậm chí còn không đủ để trang trải các chi phí tối thiểu hằng ngày.
Khi được hỏi về mức tăng 5,3% cho lương tối thiểu vùng 2019, chị Nguyễn Hoài Anh, công nhân khu Bắc Thăng Long chia sẻ, thực tế người lao động không quan tâm nhiều đến việc thời điểm nào thì lương tối thiểu đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu mà vấn đề được chờ đợi nhất là mỗi năm sẽ được tăng cụ thể bao nhiêu tiền và giá cả có tăng hay không.
“Nếu như sang năm công nhân ở vùng 1 như chúng tôi ở mức tăng cao nhất mà chỉ được tăng thêm có 200 nghìn đồng thì không đáng kể. Đúng ra tăng được một đồng cũng thấy vui nhưng với mức tăng 200 nghìn đồng mà giá cả mỗi thứ nhích lên một tí từ tiền điện, tiền nước, tiền thuê nhà, thậm chí là mớ rau, bìa đậu thì 200 nghìn đồng đó không đủ bù vào phần tăng giá kia. Rồi các loại tiền khác như BHXH, phí công đoàn cũng tăng thì chắc chắn người lao động như chúng tôi lại phải thắt lưng buộc bụng hơn”, chị Hoài Anh nói
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Minh Huân cho rằng, việc đưa ra mức tăng lương tối thiểu vùng là một chuyện, nhưng việc thực hiện thế nào mới thực sự quan trọng.
“Việc tăng lương tối thiểu vùng chỉ cải thiện đời sống người lao động khi thực hiện tốt việc bình ổn giá cả thị trường, đồng bộ các chính sách liên quan đến nhà ở, đời sống tinh thần, nhà trẻ mẫu giáo cho con người lao động,... Có như vậy dù mức tăng thấp cũng vẫn có ý nghĩa với người lao động. Ngoài ra để đảm bảo sự phát triển của doanh nghiệp, Nhà nước cũng nên có những đánh giá hằng năm về ảnh hưởng của mức tăng lương tối thiểu đến sự phát triển của doanh nghiệp”, ông Huân phân tích
Theo PGS-TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn thì từ thực tế xuống các khu công nghiệp khảo sát, tại nhiều nơi, lương hai vợ chồng công nhân 10 triệu đồng không đủ sống. Họ không đủ tiền nuôi con cũng như chi trả sinh hoạt phí (điện, nước...). Để xoay xở với đồng lương eo hẹp, phần lớn người lao động phổ thông chấp nhận cắt giảm những nhu cầu thiết yếu như thu hẹp không gian sống, giảm nhu cầu vui chơi, giải trí... Không ít người lao động đã tìm cách tăng thu nhập bằng làm thêm ngoài giờ, làm cả ngày nghỉ, ngày lễ bởi đơn giản nếu không tăng ca sẽ không đủ sống.
Do đó, dù chưa thực sự hài lòng với kết quả cuối cùng chốt mức tăng năm 2019 là 5,3%, song ông Thọ chia sẻ, phía Tổng LĐLĐVN mong muốn cao hơn, nhưng sau cả buổi sáng thương lượng cũng phải đi đến phương án cuối cùng.
“Với phương án này, sang năm 2020 sẽ phải tăng ở mức gần 10% mới đạt được yêu cầu năm 2020 lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 đề ra”, PGS- TS Vũ Quang Thọ nói.