Tăng lương tối thiểu 2017 sẽ thấp hơn năm 2016

Thứ Bảy, 18/06/2016, 09:11
Đây là dự báo của đại diện Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội (LĐ- TBXH) tại tọa đàm với báo chí chiều 17-6-2016 xung quanh việc thực hiện công tác lao động 6 tháng đầu năm.


Theo ông Tống Văn Lai, Vụ phó Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ LĐ - TBXH) thì nguyên nhân dẫn đến việc chưa xây dựng được phương án là vì cũng như những năm trước, quan điểm của người sử dụng lao động và người lao động vẫn đang còn nhiều điểm không tương đồng.

Doanh nghiệp kêu khó    

Theo đại diện Bộ LĐ- TBXH thì cách xây dựng phương án tiền lương tối thiểu vùng hiện nay khác hoàn toàn so với trước kia. Trước năm 2012, phương án do Bộ LĐ - TBXH làm và lấy ý kiến các cơ quan liên quan. 

Từ năm 2013, thông qua Hội đồng Tiền lương Quốc gia. 4 năm qua, mỗi lần họp bàn về tiền lương tối thiểu đều rất phức tạp. Để đánh giá tác động của lương tối thiểu vùng năm 2016 và chuẩn bị cho phương án xây dựng lương tối thiểu vùng năm 2017, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã tìm hiểu tác động của lương tối thiểu vùng từ phía các doanh nghiệp và Luật Bảo hiểm xã hội mới. 

Hai tác động này theo đánh giá là tương đối lớn so với năm 2015. Tác động lớn nhất đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như: dệt may, da giày, thủy sản… 

Theo khảo sát của Hội đồng Tiền lương Quốc gia thì các doanh nghiệp phản ánh nếu cứ với đà tăng lương như vừa qua thì năm 2017 các doanh nghiệp cũng rất khó khăn, vượt quá giới hạn chịu đựng.

Lương tối thiểu hiện nay mới chỉ đáp ứng được 80% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Theo ông Lai thì lương tối thiểu vùng năm 2017 phụ thuộc rất nhiều vào thương lượng, thảo luận, trao đổi của Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Bàn về tăng lương tối thiểu, ngay từ tháng 4-2016, các bộ phận chuyên môn của Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã bắt đầu triển khai. 

Bộ phận kỹ thuật đại diện cho doanh nghiệp và người lao động cũng đã họp 2 phiên để bàn về các căn cứ xây dựng phương án cho tăng lương tối thiểu năm 2017. Qua 2 phiên họp này, đại diện cho doanh nghiệp và người lao động đang trao đổi để thống nhất đề xuất phương án của bên mình. Dự kiến giữa tháng 7, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ chính thức có các phiên họp để thương lượng.

“Theo cá nhân tôi thì phương án năm 2017 sẽ phải tính toán rất kỹ trong bối cảnh mới, hội nhập hơn và các tác động của các chính sách nhiều hơn. Chi phí của doanh nghiệp đội lên rất nhiều và các luật an toàn bảo hiểm. Cho nên lộ trình và mức điều chỉnh không phải thuận lợi như trong thời gian vừa qua đã làm. Theo tôi nghĩ phương án sẽ thấp hơn, và chắc chắn sẽ thấp hơn phương án chúng ta đã áp dụng trong năm 2016”, ông Tống Văn Lai nói

Dù thế nào cũng phải đảm bảo lộ trình

Đây là khẳng định của ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, khi trao đổi với PV Báo CAND cũng trong chiều 17-6. Theo ông Chính, dù thế nào cũng phải đảm bảo lộ trình đến năm 2018, mức lương tối thiểu phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu cho người lao động. 

“Vấn đề này được quy định rất rõ trong Điều 91 Bộ luật Lao động, rằng tiền lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Đáng ra chúng ta phải điều chỉnh vấn đề này từ năm 2013 khi Bộ luật đã được Quốc hội thông qua. Nhưng vì nhiều yếu tố, trong đó có những khó khăn của doanh nghiệp mà chúng ta đã lùi lộ trình này lại đến năm 2015, rồi 2018. 

Đến nay đã là hơn 5 năm. Chúng ta còn lùi đến bao giờ nữa, trong khi cuộc sống của người lao động đang phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, thách thức”, ông Chính nói.

Đề cập đến vấn đề lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu, ông Tống Văn Lai cho rằng nhu cầu sống tối thiểu là bao nhiêu hiện nay cũng không có ai xác định cả. “Không ai công bố nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Chúng ta thấy rằng nhu cầu sống luôn luôn biến động.

Tháng này thế này, tháng sau có thể khác. Nó phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội, tập quán tiêu dùng. Căn cứ xác định lương tối thiểu rất đa dạng, do đó chúng ta đừng nhấn mạnh quá vào một yếu tố nào như là mức sống tối thiểu để mà nói chúng ta lùi hay không lùi lộ trình tăng lương tối thiểu để người lao động đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu”, ông Tống Văn Lai nêu quan điểm.

Trong khi đó, theo ông Mai Đức Chính, việc xác định mức sống tối thiểu từ trước đến nay đã được xác định và được các bên liên quan đồng thuận như: Viện Dinh dưỡng đã xác định nhu cầu của một người là 2.300 kalo/ngày, mức chi phí cho trẻ em bằng 0,7 lần của một người lớn… “Tất cả các tiêu chí đều có định lượng cụ thể. Không thể nói là không xác định được mức sống tối thiểu. 

Thực tế qua nhiều khảo sát đều đã khẳng định lương tối thiểu hiện nay mới chỉ đáp ứng 80% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là dù thế nào cũng phải đảm bảo lộ trình tăng lương tối thiểu cho người lao động để họ đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu. Còn câu dầm, kéo dài đến bao giờ nữa”, ông Mai Đức Chính nói.

Phan Hoạt
.
.
.