Tăng cường trang bị kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ, chống đuối nước

Chủ Nhật, 25/04/2021, 09:25
Mới chỉ đầu hè nhưng liên tục trong những ngày qua, thông tin về các vụ đuối nước trẻ em trên khắp cả nước không khỏi khiến chúng ta xót xa. Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hàng năm, cả nước có hàng nghìn người tử vong do đuối nước, trong đó có khoảng 2.000 trẻ em.

Liên tiếp các vụ đuối nước trẻ em

Chiều 23/4, một nhóm học sinh lớp 5 và lớp 6 trú tại thôn Thanh Xuân, xã Hoằng Hải, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa rủ nhau đi chơi rồi xuống tắm tại vùng biển của thôn. Thời điểm này, gió thổi mạnh, sóng cao hơn ngày thường. Trong lúc tắm biển, có 4 em bị đuối nước, nguyên nhân ban đầu xác định do nước cuốn, mất tích. Ngay sau khi nắm được thông tin, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã có mặt tại hiện trường và tổ chức tìm kiếm 4 em. Tuy nhiên, hiện mới tìm thấy thi thể của 1 em.

Trước đó, sáng 17/4, vợ chồng anh Nguyễn Duy Biên và chị Nguyễn Thị Huế, trú tại thôn Long Đại, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đi làm thì ở nhà hai con sinh đôi là Nguyễn Thị Như Ý và Nguyễn Thị Như Quỳnh, SN 2012 rủ nhau ra trước nhà chơi thì không may bị rơi xuống ao. Người dân phát hiện được vụ việc thì hai cháu bé đã tử vong.

Cũng trong ngày 17/4, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ cho biết đã tìm thấy thi thể 2 cháu bị mất tích trên sông Đà trong ngày 14/4. Trước đó, vào khoảng 14h chiều 14/4, một nhóm học sinh gồm 7 cháu ở Trường THCS Đà Xá, huyện Thanh Thủy tự rủ nhau ra sông Đà (thuộc xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy) chơi và xuống sông tắm, không may 2 cháu N.C.Đ và N.T.Đ, học sinh lớp 7, Trường THCS Đào Xá bị nước cuốn trôi.

Vào ngày 16/4, trên địa bàn xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang đã xảy ra một vụ đuối nước thương tâm khiến 3 cháu bé tử vong. Do được nghỉ học nên 5 em học sinh tiểu học gồm Nguyễn Đức Khánh C, SN 2012, Nguyễn Văn P, SN 2012, Đào Công H, SN 2012, Lý Văn K, SN 2010, Lý Văn K, SN 2012 rủ nhau ra khu vực hồ Làng Thum chơi đùa. Trong lúc chơi, không may 3 cháu gồm P, K và K trượt chân ngã xuống hồ dẫn tới đuối nước.

Hiện trường nơi 4 học sinh tại Thanh Hóa bị đuối nước.

Quan trọng nhất là gia đình

Mỗi khi mùa hè đến, thông tin về những vụ đuối nước xảy ra đối với trẻ em lại khiến chúng ta phải đau xót. Theo thống kê Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hàng năm cả nước có hàng nghìn người bị đuối nước trong đó có khoảng 2.000 trẻ em.

Phân tích về nguyên nhân khiến trẻ em bị đuối nước, bác sỹ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, nguyên nhân khiến trẻ bị đuối nước đầu tiên và quan trọng nhất thuộc về các gia đình. Các gia đình đã thiếu kỹ năng, kiến thức bảo vệ con về phòng chống tai nạn thương tích nói chung và kỹ năng bảo vệ con chống đuối nước nói riêng.

Môi trường xung quanh chúng ta thiếu an toàn. Ngay cả trong gia đình, những đồ vật như chum, vại  chứa nước, em bé có thể rơi tõm xuống và đuối nước. Xung quanh gia đình là ao, hồ, ra ngoài cộng đồng là hồ, sông, biển. Sau đó là do trẻ em thiếu kỹ năng tồn tại dưới nước. Khi rơi xuống nước, trẻ không có kỹ năng tồn tại trong môi trường nước trong đó có kỹ năng bơi lội.

Theo bác sỹ Nguyễn Trọng An, từ 6 tuổi trở lên, chúng ta bắt đầu dạy bơi cho trẻ. Tuy nhiên, chúng ta lại đang dạy bơi theo kiểu phong trào, trống giong cờ mở nặng về thành tích. Dạy trẻ kỹ năng học bơi cần phải dạy cả kỹ năng tồn tại dưới nước khoảng 90 giây để mọi người xung quanh còn phải hô hoán, cứu đuối. Bên cạnh đó, tình trạng đuối nước trẻ em thường xảy ra ở các gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn.

Bố mẹ không có thời gian để nghe, để xem truyền thông, không có điều kiện để cho con đi học bơi. Vậy, điều quan trọng là đội ngũ công tác xã hội phải tăng cường công tác truyền thông, truyền đạt kiến thức, kỹ năng vào những giờ người dân có nhà nhất là các gia đình có kinh tế khó khăn để người ta có kỹ năng, lo lắng, quan tâm con cái.

Như vậy, chúng ta phải làm tốt công tác phòng ngừa đuối nước trẻ em trong đó các bậc cha mẹ, thầy cô giáo cần có kiến thức, kỹ năng. Muốn cha mẹ, thầy cô giáo có kỹ năng thì phải có người truyền đạt. Đó là các các bộ công tác xã hội, mạng lưới cộng tác viên phải đến các gia đình, nhất là các gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn để tư vấn, truyền đạt kiến thức, kỹ năng. Rồi đến các thầy cô giáo có tài liệu, kiến thức giáo dục kỹ năng cho trẻ về bơi lội, về kỹ năng tồn tại dưới nước bên cạnh những kiến thức về toán, lý, hóa…

Nguyễn Hương
.
.
.