Tăng cường quản lý chống xâm hại tình dục người khuyết tật

Thứ Tư, 23/08/2017, 07:16
Thời gian qua, có rất nhiều nạn nhân các vụ xâm hại tình dục là người khuyết tật (gồm người bị dị tật bẩm sinh, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ...). Đây là vấn nạn nhức nhối, cũng là hồi chuông cảnh báo đến các gia đình và cộng đồng xã hội, cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa đến công tác chăm sóc, bảo vệ người khuyết tật...


Những ngày này, người dân ở xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) bàng hoàng, căm phẫn khi hay tin con gái ông C. là chị Ph. (23 tuổi, thuộc diện khuyết tật) bị hàng xóm hãm hiếp dẫn đến mang thai. Cầm đơn tố cáo gửi đến cơ quan Công an, ông C. uất nghẹn cho biết, vợ chồng ông có 4 người con, trong đó Ph. từ lúc sinh ra không may mắc chứng bệnh thiểu năng trí tuệ. Mặc dù cơ thể phát triển như người bình thường, nhưng đầu óc Ph. thường không tỉnh táo, ăn nói và chuyện sinh hoạt hằng ngày vẫn như một đứa trẻ. 

Do cuộc sống khó khăn, nhưng để nuôi các con ăn học, vợ chồng ông cần mẫn mưu sinh nên thường xuyên vắng nhà. Hằng ngày ông C. đi chăn trâu, còn vợ đi khai thác gỗ keo lá tràm thuê cho các chủ rừng, chỉ có Ph. ở nhà một mình. Vào chiều 13-7, khi ở đồng trở về nhà thì ông C. phát hiện ông L.V.H. (50 tuổi, trú thôn Tam Vị, xã Lộc Tiến) đang giở trò đồi bại với con gái mình nên bắt quả tang. 

“Dù ông H. viết bản cam kết và thừa nhận hành vi cưỡng hiếp cháu Ph. nhưng vụ việc xảy ra khiến bậc làm cha làm mẹ như chúng tôi vô cùng xót xa”, ông C. nói. Sau khi đưa con đến bệnh viện kiểm tra, vợ chồng ông C. đau đớn hơn khi biết Ph. đã mang thai 2 tháng. 

Một trường hợp thiểu năng trí tuệ là nạn nhân bị xâm hại tình dục.

Nhìn con gái ngồi tựa lưng vào cửa sổ, đôi mắt vô hồn nhìn xa xăm mà ruột gan vợ chồng ông C. đau xót. Ông buồn bã nói: “Chú thấy đó, cháu bị khuyết tật trí tuệ mà giờ mang thai, rồi sau này nếu sinh em bé thì không biết chăm sóc thế nào, trong khi hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên giờ vợ chồng tôi cũng không biết phải làm thế nào”.

Thượng tá Trần Đăng Điền, Phó trưởng Công an huyện Phú Lộc nói rằng,  nhận được đơn tố cáo của ông C.,đơn vị đã cử lực lượng điều tra, xác định cháu Ph. là người bị thiểu năng. Tuy nhiên, để có thể xử lý đúng người đúng tội theo quy định pháp luật, vụ việc đang được tiếp tục xác minh làm rõ nhiều vấn đề xung quanh vụ việc cháu Ph. bị xâm hại… 

Qua tìm hiểu được biết, trường hợp người khuyết tật, thiểu năng trí tuệ bị xâm hại tình dục ở địa bàn Thừa Thiên - Huế không phải là cá biệt. Đã có nhiều vụ việc xảy ra tương tự gây xôn xao dư luận; trong đó, phần lớn những kẻ có hành vi xâm hại tình dục với người khuyết tật là những người quen biết, hoặc là hàng xóm với nạn nhân. 

Điển hình như vụ em B. (17 tuổi, nạn nhân chất độc da cam và bị thiểu năng trí tuệ), trú phường Hương Văn, thị xã Hương Trà bị ông N.X.V. xâm hại; hoặc vụ cháu bé tật nguyền bị hàng xóm là ông Bùi Đình G. (52 tuổi) cưỡng hiếp khi ông G. đến nhờ cháu này ra trông giúp máy xay đá...

Bà Võ Thị Kim Khánh, Phó trưởng Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho hay, ngoài người khuyết tật, thiểu năng trí tuệ thì thời gian qua, trên địa bàn tỉnh cũng có không ít trường hợp trẻ em từ 6-15 tuổi bị xâm hại tình dục mà nguyên nhân chính là do sự quản lý lỏng lẻo từ phía gia đình, các bậc phụ huynh lo làm ăn không có thời gian quan tâm chăm sóc con cái; hoặc trẻ chịu tác động từ phim ảnh trên mạng Internet... 

Theo số liệu thống kê của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTB&XH, trong năm 2016 cả nước xảy ra hơn 1.248 vụ xâm hại tình dục trẻ em. So với các địa phương khác thì số trường hợp trẻ bị xâm hại ở địa bàn tỉnh ít hơn rất nhiều, nhưng đây chỉ là bề nổi của tảng băng chìm bởi có rất nhiều trường hợp trẻ em bị dâm ô không được khai báo. Vì thế, ngoài thường xuyên tổ chức công tác tuyên truyền, đơn vị còn hình thành mạng lưới cộng tác viên chăm sóc trẻ em về tận cơ sở nhằm giảm tối thiểu các vụ việc xâm hại trẻ em, trong đó có xâm hại tình dục...

Một trường hợp thiểu năng trí tuệ là nạn nhân bị xâm hại tình dục.
Anh Khoa
.
.
.