Tăng cường nguồn lực hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu cho ĐBSCL

Thứ Ba, 28/11/2017, 21:07

Ngày 28-11, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam phối hợp cùng UBND tỉnh An Giang, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Quỹ hỗ trợ chương trình dự án An sinh xã hội Việt Nam (viết tắt là Quỹ AFV) tổ chức hội thảo quốc tế “Tăng cường nguồn lực hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu – Giới thiệu kết quả nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu tại ĐBSCL”.

Đây là hoạt động của Dự án “Tăng cường năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai tại ĐBSCL” do Quỹ AFV thực hiện và được tổ chức Bánh mì cho Thế giới (Bftw) và ActionAid Việt Nam đồng tài trợ. Nghiên cứu này được thực hiện trong tháng 8 và 9 - 2017  tại 3 huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang), huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) và TP Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh). Hội thảo đã thu hút gần 200 đại biểu đến từ 13 tỉnh thuộc ĐBSCL, từ các Bộ ngành, các cơ quan báo chí, các nhà khoa học và các tổ chức phi Chính phủ trong nước và quốc tế tham dự.

Hiện trường vụ sạt lở tại huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang), nguyên nhân được xác định là do biến đồi khí hậu.

Theo đánh giá tại hội nghị, Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính (GHG) tới năm 2020, hiện chi cho mục tiêu này của Việt Nam mới chỉ bằng 0,1% GDP của cả nước. Tỷ lệ này ở các quốc gia có điều kiện biến đổi khí hậu có tỉ lệ tương đương là 6-20% GDP; trong đó 31% trong tổng chi ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam được huy động từ các đối tác phát triển, điều này còn cách khá xa so với mục tiêu đề ra.

Qua nghiên cứu cho thấy gần 13% hộ gia đình trong khu vực ĐBSCL bị mất hoàn toàn hoặc buộc phải bỏ hoang diện tích đất đai, mặt nước sản xuất hoặc giảm hệ số sử dụng đất nông nghiệp. 16,6% số hộ chịu thiệt hại về nhà cửa, đất đai. Chi phí để phục hồi, cải tạo lại đất đai phục vụ cho sản xuất nông nghiệp bình quân là 19,16 triệu đồng/hộ/năm. Đáng ngạc nhiên nhất là hơn 50% số hộ bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu chưa từng nghe, hoặc có nghe nhưng không có ý niệm gì về thuật ngữ “biến đổi khí hậu” và  hơn 32% hộ gia đình bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu không quan tâm tới vấn đề biến đổi khí hậu.

Quang cảnh hội nghị.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và đề xuất các sáng kiến nhằm nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng quốc tế về biến đổi khí hậu tới khu vực ĐBSCL. Tăng cường hiệu quả chia sẻ thông tin giữa các Bộ, ngành, và cơ quan liên quan và huy động nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, cơ quan hợp tác phát triển, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội….để ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển bền vững ĐBSCL trong thời gian tới

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh: Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu, đã khẳng định biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu, do đó chúng ta phải sống chung, thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội. Chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn, xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý. Theo đó, xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo ba trọng tâm: thuỷ sản - cây ăn quả – lúa, gắn với các tiểu vùng sinh thái, trong đó coi thủy sản (nước ngọt, nước lợ, nước mặn) là sản phẩm chủ lực. Đồng thời, xây dựng cơ cấu kinh tế nông nghiệp hợp lý, bảo đảm gắn kết chuỗi sản phẩm hàng hoá, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chú trọng công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ cho nền kinh tế nông nghiệp. 

Hướng đến xây dựng một ĐBSCL phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng, trên cơ sở phát triển phù hợp nông nghiệp hàng hoá chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; hệ thống cơ sở hạ tầng được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng biển đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai; tài nguyên thiên nhiên được sử dụng hợp lý; đa dạng sinh học và truyền thống văn hóa lịch sử được duy trì và tôn tạo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

Trần Lĩnh
.
.
.