Tấm lòng của một ngư dân miền biển Thừa Thiên - Huế

Chủ Nhật, 05/04/2015, 14:34
Bị mất đi bàn tay trái do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, song bằng ý chí và nghị lực vượt khó, ngư dân Trần Ngọc Sơn (40 tuổi, trú ở thôn 6, xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang, Thừa Thiên- Huế) đã trở thành một trong những “kình ngư” có tiếng ở miền quê biển nơi đây.

Bên cạnh việc nỗ lực phối hợp chính quyền địa phương đẩy đuổi tàu giã cào xâm phạm vùng biển, thời gian qua, ông Sơn còn cứu vớt được nhiều người không may gặp nạn trên biển... 

Một chiều đầu tháng 4, chúng tôi tình cờ gặp ngư dân Trần Ngọc Sơn, khi ông cùng nhiều ngư dân khác trong xã vừa tham gia đẩy đuổi tàu giã cào xâm nhập vào vùng biển địa phương trở về.

Ngồi bên hàng phi lao xanh mát, ông chỉ vào cánh tay trái bị cụt mất bàn tay rồi nói: “Hậu quả bom mìn chiến tranh để lại đấy chú à!”. Tai nạn xảy ra năm ông 11 tuổi…

Nhưng, dù bị khiếm khuyết một phần cơ thể, năm 15 tuổi, ông vẫn cố gắng theo bạn đi biển để mưu sinh.

“So với người bình thường thì việc đi biển của người bị mất một bàn tay như tui là hết sức khó khăn, nhất là những ngày đầu mới ra biển. Lúc ấy, do chưa có máy đẩy nên mình phải dùng tay chèo ghe. Sau khi tập chèo được rồi thì tui lại tập kéo lưới mặc cho cùi tay trái liên tục tứa máu vì bị dây lưới cứa vào. Phải mất hơn 1 năm trời thì mọi động tác từ chèo thuyền buông lưới, kéo lưới, bắt cá tui mới làm thành thạo”, ông Sơn nhớ lại.

Dù bị mất đi bàn tay trái nhưng anh Trần Ngọc Sơn vẫn kiên trì bám biển.

Nhờ những chuyến đánh bắt gần bờ có lãi nên năm 2008, vợ chồng ông có một số vốn để hùn hạp chung với các bạn thuyền đóng chiếc tàu cá công suất 250CV.

Tuy nhiên, chưa đầy 1 năm sau, trong một lần ra khơi, tàu cá ông gặp phải trận gió lớn và bị sóng to đánh lật thuyền, khiến ông “mất cả chì lẫn chài”.

May mắn trong vụ đó là ông cùng 4 ngư dân trên tàu bơi vào bờ an toàn. Không chịu khuất phục trước sóng to biển lớn nên không lâu sau, ông tiếp tục chung vốn cùng bạn thuyền để đóng một tàu cá khác.

Bà Đỗ Thị Thanh Loan (vợ ông Sơn) tâm sự: “Biết nghề đi biển luôn đối mặt với nhiều hiểm nguy trùng trùng, nhưng mình là con nhà biển, không bám biển thì lấy chi mà sống! Điều đáng nói là có nhiều người đi biển không dám cứu người đuối nước vì kiêng cử, nhưng nhà tui thì lại khác. Cứ nghe tin ai gặp nạn hoặc có thi thể trôi dạt trên biển là ông ấy tức tốc gọi người rồi lao ra biển cứu nạn ngay tức thì...”.

Trong tiếng gió biển rì rào, ông Sơn hướng ánh mắt nhìn xa xăm ra giữa đại dương bao la rồi tỏ bày nỗi lòng: “Giữa trùng khơi, mạng người nhỏ bé lắm! Chỉ cần sơ sẩy chút thôi là đánh đổi bằng cả tính mạng ngay. Có bận, nghe người dân trong thôn báo có một thi thể trôi dạt vào gần bờ biển. Vì thi thể đang trong thời kỳ phân hủy, nên không ai cứu vớt vào bờ. Thế là tui bơi ra rồi đưa cái xác ấy vào bờ và đắp mồ an táng ngay trên động cát gần bờ biển”.

Cũng có lần, thuyền của một ngư dân ở xã Vinh Thanh phát hiện một thi thể người xấu số bị chết đuối trên biển nên dẫn vào bờ; nhưng nhiều ngày trôi qua không có thân nhân đến nhận xác.

Ông Sơn bèn kêu gọi các bạn thuyền cùng góp mỗi người một ít tiền để mua quan tài chôn cất người xấu số này...

Thời gian qua, ông Sơn đã tự tay mai táng, chôn cất và lập 8 mộ phần cho những nạn nhân tử nạn trên biển. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trường Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh, khẳng định: “Không những giàu nghị lực vượt khó mà ngư dân Trần Ngọc Sơn còn là tấm gương dũng cảm bám biển để bảo vệ ngư trường. Ngoài việc thường xuyên tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển, ngư dân Sơn còn là “địa chỉ đỏ” khi đến nay, ông đã có gần 10 lần tham gia hiến máu tình nguyện để cứu người”.

Anh Khoa
.
.
.