Tấm lòng của cô giáo dạy trẻ trên đảo tiền tiêu

Chủ Nhật, 25/12/2016, 07:33
Lần thứ hai tôi gặp cô giáo Hoàng Thị Hiếu, dạy mầm non ở ngôi trường mang tên Hoa Phong Ba trên đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị, cũng vào mùa đông. Bao giờ cũng vậy, cô cứ mãi vỗ về, hát ru những đứa trẻ khi chúng đang cơn buồn ngủ; chăm chút dạy cho những đứa lớn hơn biết mặt chữ cái…

Mải bận công việc nên cuối ngày cô giáo Hiếu mới có chút thời gian chuyện trò cùng với anh em phóng viên chúng tôi ra thăm, viết bài về đảo. Qua hơn 8 năm, vừa là người mẹ, vừa là người cô, chăm nuôi, dạy cái chữ cho hàng chục trẻ nhỏ ở đây, đã khiến cô già dặn hơn so với tuổi 36 của mình. Vất vả là thế, nhưng lúc nào cô cũng nở nụ cười hiền hậu...

Cô giáo Hoàng Thị Hiếu quê ở Quảng Trị, nhưng theo ba mẹ vào Đắk Lắk sinh sống, lớn lên ở đó. Sau tốt nghiệp Sư phạm ngành Mầm non, cô dạy học ở đây một năm thì biết thông tin huyện đảo Cồn Cỏ tuyển dụng giáo viên ngành này. Không chút đắn đo, cô nộp hồ sơ xin được tuyển dụng. Cô Hiếu bảo rằng, lý do khiến cô quyết tâm, đó là muốn được đóng góp công sức của mình, để cùng với hàng triệu triệu người dân Việt gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Cô giáo Hiếu hạnh phúc bên những đứa trẻ trên đảo Cồn Cỏ.

Khi trình bày nguyện vọng này với ba mẹ, người thân trong gia đình, cô đã nhận được sự ủng hộ tuyệt đối!  Ngày nhận được thông báo trúng tuyển, cô mừng rơi nước mắt, cả gia đình về thăm quê và tổ chức bữa tiệc nhỏ, ấm áp để cô khởi đầu một sự nghiệp mới không chỉ là việc trông, dạy trẻ, mà còn truyền cảm hứng, tinh thần trách nhiệm cho các thế hệ tương lai về tình yêu bao la đối với biển cả, về chủ quyền lãnh thổ của đất nước và sự tự tôn dân tộc, niềm tự hào về truyền thống anh hùng cách mạng.

Dạy học trên đảo, thực tế khác với những gì cô từng biết, hình dung trước đó. “Trường lớp lúc đó đã cũ kỹ, xuống cấp, trang thiết bị dạy học thì thiếu thốn nhiều thứ. Đồ chơi cho trẻ chủ yếu được các giáo viên tự làm, chỉ có một ít khác được cấp, hoặc được tặng từ các đoàn từ thiện ra đảo. Đảo ngày đó cũng chưa có điện, nguồn nước ăn uống, sinh hoạt thì chủ yếu từ nước mưa. Đêm nằm nghe sóng vỗ rì rầm, nghe lá Phong Ba đánh vào nhau ràn rạt trong gió biển mà buồn, nhớ nhà, nhớ bạn bè da diết. Nhưng rồi vào mỗi ngày mới, tôi đã nhìn vào lũ trẻ bi bô tập nói, vào những nụ cười đầy lạc quan của những thanh niên xung phong bám đảo, mà lòng mình trở nên quyết tâm hơn, yêu thương, gắn bó hơn với nơi này”, cô Hiếu bộc bạch.

Đầu tháng 6-2014, Trường Mầm non – Tiểu học Hoa Phong Ba trên đảo Cồn Cỏ được đầu tư xây mới sau trận bão 2013 đánh sập. Lớp học mầm non của trường được duy trì đều đặn trên 10 cháu, nhưng mang một đặc thù trường lớp, chương trình giáo dục khác hơn so với đất liền. Đó là, trong số hơn 10 trẻ này, có nhiều lứa tuổi khác nhau, từ 1-5 tuổi. Cô giáo Hiếu và một đồng nghiệp cùng chăm sóc, dạy dỗ các cháu.

“Do các cháu không cùng độ tuổi, nên việc chăm sóc khá vất vả. Cô giáo phải như con thoi chạy qua, chạy lại chăm sóc cho từng lứa tuổi với các nhu cầu khác nhau. Cháu nhỏ cần ẵm bồng, vỗ về giấc ngủ, cháu lớn hơn thì cần học hát, tập tô, chữ cái và kỹ năng sống. Giáo án vì thế cũng phải thật linh hoạt. Ngoài ra, những lúc các cháu bị đau đầu, sổ mũi, do không có nhân viên y tế, nên các cô giáo ở đây kiêm luôn vai trò… bác sĩ. Chúng tôi tự mày mò, học hỏi kiến thức về cách chữa các loại bệnh đơn giản ở trẻ trên các sách báo, tạp chí y tế. Theo đó, trong tủ thuốc của trường bao giờ cũng có các loại như hạ sốt; vệ sinh mũi, họng; chữa trị đau bụng tiêu chảy cấp…”, cô Hiếu trải lòng

Sau nhiều năm dạy học, bám trụ ở lại với đảo, cô Hiếu nên duyên vợ chồng với chàng kỹ sư xây dựng ra làm nhiệm vụ ở đây. Hai đứa trẻ chào đời là niềm hạnh phúc vô bờ bến của cô giáo trẻ tình nguyện.

Dẫu chặng đường phía trước vẫn còn không ít khó khăn, thử thách, nhất là khi đứa lớn đã phải vào đất liền để theo học cấp cao hơn, đứa nhỏ mỗi tháng một lần cùng với mẹ lên các tàu cá của bà con ngư dân, ngược vào quê nội ở thị xã Quảng Trị để thăm anh… Nhưng, cô giáo trẻ tình nguyện ấy vẫn không nản lòng, vẫn với một quyết tâm ở lại Cồn Cỏ cống hiến sức người, sức nghề cho hòn đảo tiền tiêu thiêng liêng này!

Phan Thanh Bình
.
.
.