Bão số 4 đổ bộ sớm hướng Nghệ An - Quảng Bình

Thứ Năm, 29/08/2019, 14:44
Bão Podul - cơn bão thứ 4 ở biển Đông trong năm nay, đi nhanh hơn, không áp sát đảo Hải Nam (Trung Quốc) mà giữ khoảng cách xa. Đến 14h chiều nay, tâm bão cách đất liền Nghệ An, Quảng Trị khoảng 380 km. Bán kính gió mạnh cấp 6 trở lên khoảng 120 km tính từ tâm bão.


Đường đi và vị trí cơn bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Đến 04 giờ ngày 30-8, vị trí tâm bão ở khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 107,3 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh Nghệ An-Quảng Bình khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên): Phía Bắc vĩ tuyến 15,0 độ Vĩ Bắc.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Đến 16 giờ ngày 30-8, vị trí tâm bão ở khoảng 18,1 độ Vĩ Bắc; 105,2 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Trung Lào.Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Từ tối nay (29-8), ở Nam Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12. Từ đêm nay (29/8), ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có gió bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Sóng biển cao từ 2-4m, vùng gần tâm bão sóng biển cao 3-5m, biển động rất mạnh. Vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa-Quảng Bình nước dâng do bão cao từ 0,5-1,0m.

Các tỉnh Thanh Hóa đến Quảng Trị từ sáng sớm ngày 30-8 gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11.

Do ảnh hưởng của bão số 4, từ chiều và đêm 29-8 đến ngày 2-9 ở Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to; Tổng lượng mưa phổ biến cả đợt ở các khu vực được dự báo rất lớn: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị: 250-400mm; Thừa Thiên Huế, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ: 200-300mm; Khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ và Đà Nẵng: 100-200mm; Khu vực trung du, vùng núi Bắc Bộ: 50-120mm;

Cơ quan dự báo cũng cảnh báo lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt sẽ xảy ra trên trên lưu vực sông Hồng- Thái Bình, sông Hoàng Long, các sông từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế...

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng các tỉnh vùng núi Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, đặc biệt là Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình; Ngập lụt tại thành phố Hà Nội, các khu đô thị thuộc đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình.


Chiều 28-8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai với 2 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An để triển khai công tác ứng phó với bão số 4.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên không được chủ quan, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, chủ động triển khai các phương án ứng phó với bão và mưa lũ do bão; Chủ động cấm biển, bảo vệ sản xuất...

9 tàu ở Quảng Trị vẫn chưa liên lạc được

Ngày 29-8, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết, đến thời điểm hiện tại, các đơn vị, lực lượng chức năng liên quan đã kêu gọi được 2.300 tàu, thuyền đánh cá của bà con ngư dân trên toàn tỉnh vào bờ tránh, trú bão số 4.

Tuy nhiên, vẫn còn 9 tàu với 102 thuyền viên đang hoạt động đánh bắt tại vùng biển Vịnh Bắc Bộ chưa thể liên lạc được.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Quảng Trị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, lực lượng chức năng liên quan, đặc biệt lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an đóng tại các địa phương sát biển, tiếp tục hướng dẫn bà con ngư dân đưa các tàu, thuyền vào nơi neo đậu, tránh, trú bão được đảm bảo; kiểm đếm tàu, thuyền chặt chẽ; tăng cường lực lượng giữ gìn ANTT, bảo vệ tàu, thuyền và các tài sản trên tàu, thuyền giúp bà con ngư dân; giữ liên lạc với các trưởng tàu, thuyền trên biển để hướng dẫn họ tìm nơi tránh, trú bão kịp thời.

Theo ghi nhận của PV tại cửa biển Cửa Việt, huyện Gio Linh, nơi neo đậu tàu thuyền có quy mô lớn nhất tỉnh Quảng Trị với hàng nghìn chiếc.

Mặc dù trời mưa to, bà con  ngư dân vẫn tấp nập đưa tàu, thuyền về neo đậu tại Bến cá Bắc Cửa Việt, Khu neo đậu tránh, trú bão Bắc Cửa Việt và ven bờ sông Thạch Hãn. Ngư dân Bùi Đình Cường ở khu phố 5, thị trấn Cửa Việt cho biết, ngay khi biết được thông tin có bão gần bờ, bà con ngư dân đã khẩn trương đưa tàu, thuyền về nơi neo đậu tránh, trú bão, sau đó chằng néo cho thật chắc chắn để giảm thiệt hại do bão.

Trung tá Nguyễn Công Trình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Việt cho hay, ngay trong sáng 29-8, đơn vị đã tuyên truyền, thông tin và kêu gọi được 48 tàu, thuyền với gần 400 thuyền viên hoạt động ở vùng biển xa, biết hướng đi của bão để tránh, trú an toàn. Đơn vị và Đồn Công an Cửa Việt cũng đã phối hợp với các xã ven biển để giúp người dân chằng chống nhà cửa đảm bảo an toàn.

Đối với khu vực miền núi, các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng đã tổ chức thông tin, cảnh báo kịp thời cho bà con đề phòng lũ quét, sạt lở đất; bố trí lực lượng kiểm soát không cho người dân qua lại các ngầm tràn, bến đò.

Được biết, tỉnh Quảng Trị hiện còn  5.500 ha lúa Hè Thu 2019 chưa thu hoạch tập trung ở các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong...

Các địa phương đang tổ chức động viên nông dân thu hoạch lúa đã chín được 85% với phương châm "xanh nhà hơn già đồng". Các lực lượng Công an, Bộ đội cũng đã khẩn trương, tích cực giúp bà con nông dân ở các địa phương này thu hoạch lúa kịp thời, tránh bị hư hại, mất mát do ảnh hưởng của bão số 4.


Thanh Bình
.
.
.