Một số kỹ năng giúp trẻ em thoát nguy cơ bị xâm hại tình dục

Thứ Sáu, 21/10/2016, 11:28
Theo thống kê của UNFPA (Quĩ dân số Liên hiệp quốc): cứ 4 trẻ em nữ có 1 em bị xâm hại tình dục, trong 6 trẻ em nam có 1 em bị xâm hại tình dục; 93% kẻ xâm hại là người các em quen biết, trong đó có đến 47% là người thân trong gia đình các em… 


Ở Việt Nam, mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng các vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra khá phổ biến, để lại hậu quả nặng nề cho bản thân các em bị xâm hại tình dục và cả người thân, gia đình của các em, gây bức xúc trong dư luận. 

Đơn cử như vụ đối tượng Kiều Văn Thanh (39 tuổi, ngụ tại xã Tân An Hội, huyện Măng Thít, Vĩnh Long) hiếp dâm con gái ruột (sinh năm 2000) suốt 4 năm mới bị bắt khẩn cấp vào tháng 3-2016; Vụ đối tượng Uông Văn Được (67 tuổi, ngụ tại xã Hưng Lộc, TP. Vinh, Nghệ An) xâm hại bé gái sinh năm 2001 ngụ cùng xóm trong suốt thời gian từ tháng 4-2014 đến tháng 10-2015 dẫn đến hậu quả làm cháu bé mang thai… 

Cá biệt, có những vụ việc, kẻ xâm hại tình dục trẻ em xâm hại nhiều nạn nhân như: vụ đối tượng Vadim Scott Benderman (44 tuổi, quốc tịch Canada) bị Tòa án nhân dân TP Hà Nội kết án 4 năm tù vì tội “Dâm ô với trẻ em” với nhiều nạn nhân là trẻ em nam độ tuổi từ 13 - 15, đa số là trẻ em sống lang thang ở Hà Nội; vụ đối tượng Đỗ Văn Nam (35 tuổi, trú tại xã La Pán Tẩn, Mường Khương, Lào Cai) là bảo vệ của trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã La Pán Tẩn đã xâm hại 14 học sinh nữ của trường.

Những vụ việc trên đã để lại những hậu quả rất nặng nề đối với nạn nhân bị xâm hại, gây bức xúc, lo lắng cho người dân. Động cơ phạm tội dẫn đến hành vi xâm hại trẻ em là rất rõ ràng nhưng điều kiện dẫn đến hành vi xâm hại tình dục trẻ em lại là vấn đề tương đối phức tạp, xuất phát từ nhiều yếu tố. Trong đó, một trong những điều kiện thuận lợi để kẻ xâm hại thực hiện hành vi phạm tội là do nạn nhân chưa có kỹ năng phòng chống hành vi xâm hại tình dục.

Để phòng chống xâm hại tình dục, ngay từ khi các em còn nhỏ (khoảng từ 3 - 6 tuổi), cha mẹ, thầy cô giáo ở trường mầm non cần trang bị cho các em nhận thức cơ bản về giới tính, những bộ phận nhạy cảm mà người lớn, kể cả người thân như ông bà, anh chị em, chú bác cũng không được chạm vào, không được đi với người lạ, không chơi với người lạ…

Đây là việc làm rất cần thiết, tạo tiền đề quan trọng giáo dục ý thức tự bảo vệ chống xâm hại của các em nhưng lại ít được cha mẹ người Việt và nhà trường quan tâm.

Thảo luận nhóm trong giờ học kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục ở trường THPT Nguyễn Văn Tăng (Q9, TP. HCM)

Ở giai đoạn tiểu học (từ 6 - 11 tuổi), nhà trường và cha mẹ cần quan tâm giáo dục giới tính, kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ, trong đó cần chú trọng đến các kỹ năng xử lý những tình huống bị xâm hại tình dục hoặc nguy cơ bị xâm hại tình dục. Thực tế hiện nay, hầu hết các trường tiểu học, việc đào tạo những kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ là rất hạn chế hoặc thực hiện một cách hình thức.

Ở lứa tuổi học sinh cấp 2 (11 - 16 tuổi) và cả ở giai đoạn vị thành niên (từ 16 - dưới 18), việc tiếp tục trang bị cho các em các kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục phức tạp hơn là một việc rất cần thiết mà nhà trường và gia đình cần quan tâm.

Tuy nhiên, trong những tình huống bị xâm hại tình dục hoặc nguy cơ bị xâm hại tình dục, các em cần xử lý như thế nào để được an toàn. Dưới đây là một số kỹ năng an toàn cơ bản khi bị xâm hại tình dục:

1. Xử lý an toàn khi bị “nhìn hoặc bắt nhìn”, nói chuyện dâm ô

Đây là hình thức xâm hại khá phổ biến của kẻ xâm hại tình dục bằng cách bắt trẻ nhìn những bộ phận nhạy cảm của mình hoặc nhìn bộ phận sinh dục của trẻ, nói chuyện dâm ô với trẻ để thỏa mãn cảm giác tình dục của bản thân. 

Hình thức này thường được thực hiện trực tiếp khi trẻ không có người thân bên cạnh bảo vệ hoặc được thực hiện gián tiếp qua các phương tiện liên lạc như smartphone, Ipad, máy vi tính qua một số phần mềm hiển thị hình ảnh khi liên lạc như zalo, wechat, facetime…

Đối tượng biến thái “khoe hàng” nơi công cộng. Ảnh minh họa

Thủ đoạn của kẻ xâm hại thường sử dụng là lợi dụng mối quan hệ quen biết, thân thích gần gũi tác động kích thích sự tò mò của trẻ, dùng vật chất, lợi ích để dụ dỗ trẻ xem hoặc cho xem những bộ phận nhạy cảm, nói chuyện dâm ô với trẻ.

Khi bị kẻ xâm hại trực tiếp yêu cầu “nhìn hoặc bắt nhìn” bộ phận nhạy cảm, nói chuyện dâm ô, nếu kẻ xâm hại là người thân trong gia đình, các em cần cảnh báo hắn không được yêu cầu như vậy và dọa sẽ báo lại với cha mẹ biết, cho dù đó là ai, ông bà hay anh chị, chú bác… các em đều cần phải cảnh báo để kẻ xâm hại e ngại không dám thực hiện hành vi “nhìn hoặc bắt nhìn”, nói chuyện dâm ô.

Ngay sau đó, các em cần lập tức tránh xa kẻ xâm hại, chú ý di chuyển đến nơi có thể kêu cứu hoặc có thể nhờ người giúp đỡ, chờ đến khi cha mẹ về nhà. Sau đó cần phải kín đáo tâm sự với cha hoặc mẹ về hành vi bất thường của kẻ xâm hại, yêu cầu cha mẹ phải can thiệp để ngăn chặn hành vi của kẻ xâm hại.

Nếu kẻ xâm hại là người quen trong xóm, khu phố hoặc ở trường học, khi kẻ xâm hại đề cập hoặc yêu cầu “nhìn hoặc bắt nhìn”, nói chuyện dâm ô, việc đầu tiên các em cần làm là tỏ thái độ phản ứng, lên án với hành vi trên của kẻ xâm hại, cảnh báo và dọa báo với cha mẹ, thầy cô về hành vi bất thường của kẻ xâm hại.

Nếu kẻ xâm hại tiếp tục đưa ra yêu cầu, dụ dỗ hoặc ép buộc thực hiện hành vi “nhìn hoặc bắt nhìn”, nói chuyện dâm ô, cần phải khéo léo tìm cơ hội thoát ra, tìm đến người khác hoặc chỗ đông người để tránh bị xâm hại. Sau đó, cần phải báo ngay với thầy cô hoặc cha mẹ để nhờ can thiệp.

Đối tượng Đỗ Văn Nam tại cơ quan điều tra

Trong trường hợp bị kẻ xâm hại thực hiện hành vi “bắt xem” những bộ phận nhạy cảm của kẻ xâm hại ở nơi công cộng như trên xe bus, công viên... cần phải nhanh chóng tránh xa kẻ xâm hại, báo ngay cho người có nhiệm vụ bảo vệ ở nơi công cộng như người điều hành xe bus, bảo vệ, cảnh sát… để ghi nhận vụ việc và có hình thức xử lý với kẻ xâm hại.

Nếu kẻ xâm hại bất chấp hậu quả, tiếp tục bám sát thực hiện hành vi “bắt xem” cần phải thoát ra khỏi bằng cách nhờ sự trợ giúp của người khác, nên chọn người trợ giúp là thành niên nam giới. Hãy đến ngồi cạnh, đi cạnh người đó, đề nghị người đó giúp đỡ để tránh bị kẻ “biến thái” đi theo, làm phiền. Trong trường hợp cần thiết có thể liên lạc với người thân để được đón về tránh bị đối tượng bám theo.

Khi tham gia mạng xã hội như zalo, wechat hoặc liên lạc qua facetime… nếu bị dụ dỗ “nhìn hoặc bắt nhìn” những bộ phận nhạy cảm, các em cần cảnh báo bằng thái độ nghiêm túc, đặt ra qui tắc liên lạc.

Chẳng hạn, nếu còn có lời nói, hành động, yêu cầu như vậy sẽ chấm dứt liên lạc bằng hình thức chặn tài khoản, tuyệt đối không tò mò làm theo yêu cầu của kẻ xâm hại tránh để lại những hậu quả nghiêm trọng như bị quay clip nhạy cảm, nghiện chatsex…

2. Xử lý an toàn khi bị động chạm, sờ mó, ôm bế bất thường

Đây là hình thức rất phổ biến trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em, kẻ xâm hại thường lợi dụng mối quan hệ thân thiết với nạn nhân để động chạm, sờ mó những bộ phận nhạy cảm của nạn nhân, ôm bế, bất thường để thỏa mãn nhu cầu tình dục của bản thân.

Kẻ xâm hại thực hiện hành vi có chủ đích hoặc vô thức theo thói quen nhưng cho dù có chủ đích hay không các em vẫn cần có cách xử lý phù hợp để tự bảo vệ cho mình.

Khi bị người thân trong gia đình như ông bà, cha, mẹ, anh chị em, người trong họ… động chạm, sờ mó, ôm bế bất thường cho dù là ý thức hay vô thức các em cần cảnh báo họ, yêu cầu họ không được làm như vậy vì mình không thích. Đồng thời phải vùng vẫy, phản ứng gay gắt để thoát ra, không để tiếp tục bị động chạm, sờ mó, ôm bế bất thường.

Nếu kẻ xâm hại giải thích lý do hoặc ngụy biện cho hành vi của mình, các em không cần tranh luận mà chỉ cần giải thích là bản thân không thích hành vi như vậy và cảnh báo không được thực hiện hành vi đó nếu không sẽ báo với cha hoặc mẹ nhờ can thiệp.

Nếu kẻ xâm hại cố tình ép buộc, dụ dỗ hoặc tiếp diễn hành vi động chạm, sờ mó, ôm bế bất thường, cần phải khéo léo thoát ra ngoài để nhờ người khác can thiệp, chờ đến khi ba hoặc mẹ về để giải quyết.

Sau đó, cần phải báo ngay với ba hoặc mẹ biết toàn bộ sự việc để can thiệp, trường hợp nếu ba hoặc mẹ đồng tình với kẻ xâm hại hoặc không nghe phản ánh các em, các em có thể nhờ sự trợ giúp của thầy cô hoặc các chuyên gia tham vấn tâm lý học đường để nhờ sự trợ giúp hiệu quả.

Khi bị người quen như hàng xóm, nhân viên trong trường, thầy, cô… lợi dụng mối quan hệ quen biết, công việc thực hiện hành vi động chạm, sờ mó, ôm bế bất thường, việc đầu tiên các em cần làm là phải nhanh chóng, khéo léo thoát ra khỏi tình huống đó.

Nếu hành vi chưa thực sự rõ ràng, bất lợi cho việc lên án, tố cáo hành vi của kẻ xâm hại, cần phải tỏ thái độ khó chịu, không đồng tình, phản ứng với kẻ xâm hại đồng thời cảnh giác tránh xa kẻ xâm hại trong những tình huống tương tự.

Nếu hành vi rõ ràng, đủ cơ sở để lên án tố cáo kẻ xâm hại, có thể cảnh báo kẻ xâm hại, yêu cầu chấm dứt hành vi trên và dọa sẽ báo cho người có trách nhiệm biết. Sau đó cần phải báo ngay với người có trách nhiệm như giám thị ở trường, cha mẹ để ghi nhận sự việc hoặc có cách can thiệp, xử lý đối với kẻ xâm hại.

Khi ở nơi công cộng, đông người bị kẻ lạ mặt sờ mó, động chạm, cần phải nhanh chóng thoát ra khỏi đám đông, báo cho người có trách nhiệm bảo vệ biết. Nếu phát hiện, xác định rõ đối tượng có hành vi sờ mó, động chạm cần phải tố cáo hành vi của hắn với người có trách nhiệm, yêu cầu sự trợ giúp của một người cụ thể để vạch mặt kẻ xâm hại.

3. Xử lý an toàn khi bị dụ dỗ, cưỡng bức sex

Đây là hình thức xâm hại tình dục rất nghiêm trọng, kẻ xâm hại thường dùng lợi ích vật chất, lợi dụng quan hệ quen biết dụ dỗ trẻ quan hệ tình dục, dẫn dắt trẻ rơi vào tình huống khó có khả năng bảo vệ bản thân như đến nơi vắng vẻ, uống rượu say, sử dụng ma túy… Từ đó, khống chế, ép buộc trẻ quan hệ tình dục với hành vi cưỡng dâm hoặc hiếp dâm.

Các em cần phải cánh giác không để đối tượng dụ dỗ đến nơi vắng vẻ, riêng tư dễ thực hiện hành vi cưỡng bức quan hệ tình dục, không để rơi vào tình trạng mất kiểm soát nhận thức và hành vi vì uống rượu bia say, sử dụng chất kích thích…

Khi phát hiện kẻ xâm hại có ý định đưa đến nơi vắng vẻ, riêng tư cần từ chối ngay, nếu đang trên đường đi cần yêu cầu kẻ xâm hại quay lại, nếu hắn vẫn cố tình đi cần phải tìm cơ hội thoát ra bằng cách xuống xe, đến chỗ đông người hoặc gọi điện báo cho người thân địa điểm, vị trí hiện tại và địa điểm sẽ đến để hắn không dám manh động.

Đối tượng Vadim Scott Benderman (quốc tịch Canada) bị kết án 4 năm tù về tội “Dâm ô với trẻ em”

Trong tình huống ở nơi vắng vẻ, riêng tư nếu kẻ xâm hại có ý định xâm hại bằng hình thức dụ dỗ quan hệ tình dục, cần phải bình tĩnh nhẹ nhàng từ chối hoặc dùng kế “hoãn binh” nhằm trì hoãn, kéo dài thời dan chờ thời cơ để có người trợ giúp hoặc thoát thân.

Nếu kẻ xâm hại dùng vũ lực khống chế ép buộc quan hệ tình dục, nếu nhận thấy chống cự có thể nguy hiểm đến tính mạng phải chuyển đổi thái độ, không nên la hét, gào khóc sẽ làm cho kẻ xâm hại mất bình tĩnh dẫn đến hành vi nguy hiểm mà cần phải nhượng bộ, vờ chấp nhận yêu cầu, làm theo ý muốn của kẻ xâm hại để hắn chủ quan từ đó tìm cơ hội thoát thân hoặc có thể bảo đảm an toàn tính mạng.

Sau khi thoát ra khỏi tình huống bị cưỡng bức, cho dù có bị xâm hại hay chưa cũng cần phải báo ngay cho người thân, người có thể bảo vệ bạn để nhờ giúp đỡ, can thiệp, xử lý kẻ xâm hại đồng thời phải báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để ghi nhận vụ việc, điều tra làm rõ hành vi phạm tội của kẻ xâm hại.

Sau khi bị xâm hại, cho dù có bị đe dọa, ép buộc, tuyệt đối không được im lặng, thỏa hiệp với kẻ xâm hại mà cần phải báo ngay với người thân có thể bảo vệ mình và cơ quan công an để điều tra, xử lý kẻ xâm hại. Nhiều trường hợp, kẻ xâm hại đã dùng thủ đoạn đe dọa, dụ dỗ nạn nhân để tiếp tục xâm hại trong một thời gian dài.

Như vậy, để an toàn, tránh bị xâm hại tình dục, các em cần phải nâng cao ý thức cảnh giác trước hành vi xâm hại tình dục, bình tĩnh, khôn khéo thoát ra khỏi tình huống nguy hiểm và cần phải báo ngay với người thân, cơ quan chức năng để có hình thức can thiệp, xử lý, tuyệt đối không được thỏa hiệp, làm theo yêu cầu của kẻ xâm hại sau khi bị hành vi xâm hại tình dục.

TS Đoàn Văn Báu – Chuyên gia Tâm lý tội phạm
.
.
.