TP Hồ Chí Minh ứng phó cấp bách với dịch tả lợn châu Phi

Thứ Năm, 09/05/2019, 09:19
Mặc dù là địa phương chưa có bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), nhưng do ở sát cửa ngõ của tỉnh Đồng Nai – địa phương vừa phát hiện 2 ổ dịch tại Trảng Bom và Nhơn Trạch, cũng như tiêu thụ số lượng rất lớn thịt lợn từ địa phương này, nên việc ứng phó với DTLCP của TP Hồ Chí Minh cấp bách hơn bao giờ hết...


Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày, thành phố tiêu thụ khoảng 10.000 con lợn, được cung cấp từ 10 địa phương, trong đó Đồng Nai chiếm nhiều nhất, gần một nửa số lượng trên.

 Lợn sau khi xuất chuồng vận chuyển về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ, sẽ được đưa vào giết mổ tập trung tại 24 cơ sở giết mổ, trong đó TP Hồ Chí Minh có 7 cơ sở giết mổ (khoảng 50% số lợn các tỉnh cung cấp về TP Hồ Chí Minh). Mỗi ngày có 5.000 con lợn về chợ đầu mối Hóc Môn và 3.700 con về chợ đầu mối Bình Điền và 1.250 con tại hệ thống phân phối hiện đại.

Chính vì số lượng thịt lợn tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh quá lớn, chủ yếu là từ các tỉnh nhập về, nên khi những ổ DTLCP xuất hiện ở Đồng Nai, UBND thành phố đã ban hành quyết định, ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch này nhằm hạn chế DTLCP tiếp tục xâm nhiễm. Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh phân công trách nhiệm cho từng thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh động vật các cấp; tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát của đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch bệnh các cấp, kể cả các khu vực đường sông, ven kênh rạch, trong đó tập trung kiểm tra các biện pháp phòng chống dịch bệnh, việc áp dụng “5 không” tại các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, các hộ nhập cư trên địa bàn…

Ngoài ra, thành phố cũng đã thành lập chốt kiểm dịch tạm thời hoạt động trên tuyến cao tốc Dầu Giây – TP Hồ Chí Minh và khu vực cầu Phú Cường (giáp ranh giữa huyện Củ Chi với tỉnh Bình Dương). Tổ chức thu mua, giảm đàn và hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi khi xảy ra dịch bệnh; xử lý triệt để các hộ kinh doanh giết mổ lợn hoạt động trái phép…

Người tiêu dùng mua thịt lợn cần truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Trường hợp bệnh DTLCP chưa xảy ra tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố, nhưng xảy ra bệnh tại các tỉnh có cung cấp nguồn thịt lợn cho thị trường, thành phố chỉ đạo áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh như trên, đồng thời thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời tại các tuyến cửa ngõ của thành phố và khu vực cầu Phú Long; xác định những nguồn lợn an toàn cho phép vận chuyển vào thành phố để giết mổ tiêu thụ.

Song song đó, chính quyền thành phố yêu cầu tăng cường vận động các hộ kinh doanh giết mổ thu mua đàn lợn đến tuổi xuất chuồng của các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Với tình huống dịch bệnh xảy ra tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố, lập tức xử lý tiêu hủy lợn bệnh và lợn tiếp xúc mầm bệnh, khoanh vùng ổ dịch.

Ngoài ra, UBND thành phố cũng bổ sung chính sách hỗ trợ thiệt hại đối với lợn con, lợn thịt các loại với mức tối thiểu 80% giá thị trường tại thời điểm và tại địa phương có dịch xảy ra; đối với lợn đực, lợn nái giống thương phẩm đang khai thác tại các hộ, trại chăn nuôi, hỗ trợ với mức từ 1,5 lần; đối với lợn bố mẹ tại các cơ sở sản xuất giống mức hỗ trợ 2 lần so với mức hỗ trợ đối với các loại khác (lợn thịt) tại thời điểm có dịch bệnh,…

T.Hà
.
.
.