Sứ giả mùa xuân trên miền đất lạnh

Chủ Nhật, 29/01/2017, 13:42
Khi những cơn gió heo may thổi về đem theo cái lạnh nhiều từ miền Bắc xa xôi, trên những cung đường trập trùng của phố núi Đà Lạt, từng cây mai anh đào vội vã trút lá, tranh thủ ngủ đông. Lúc này, người dân xứ lạnh biết rằng, đó là dấu hiệu của một mùa xuân nữa sắp sửa trở về.

Với người Đà Lạt, không biết tự bao giờ, vào mùa hoa mai anh đào nở, tất cả đều trở thành lữ khách. Người ta thường diện những bộ đồ đẹp nhất, lộng lẫy nhất để đi ngắm hoa và chụp hình...

Có ý kiến cho rằng, mai anh đào Đà Lạt có nguồn gốc từ vùng núi cao của Nhật Bản, được di thực về trồng tại Nam Tây Nguyên vào đầu những năm 60 thế kỷ trước, khi người Nhật lên Đà Lạt để xây dựng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim (huyện Đơn Dương).

Vẻ đẹp mai anh đào mê đắm lòng người.

Công đưa loài hoa này về Đà Lạt thuộc về các nhà nông học miền Nam cùng với một số kỹ sư người Nhật Bản. Ban đầu, mai anh đào được trồng tại khu vực các kỹ sư, công nhân kỹ thuật của người Nhật sinh sống gần công trường, sau đó loài hoa này đã được di thực về trồng trong nội ô Đà Lạt.

Tuy nhiên, trong không ít tài liệu đến nay vẫn còn lưu giữ lại khẳng định mai anh đào Đà Lạt là loại cây hoang dã bản địa. Tài liệu của ông Nguyễn Thái Hai, một Việt kiều người Mỹ gốc Đà Lạt cho biết, bố của ông là cụ Nguyễn Thái Hiến (sinh năm 1898-1956), là người Nghệ An, chuyển vào sống ở Đà Lạt từ năm 1927, từng làm Giám thị Lục lộ, được giao nhiệm vụ trồng cây cảnh trong khuôn viên các dinh thự và trên một số tuyến đường chính ở nội ô Đà Lạt, trong đó có khu vực hồ Xuân Hương.

Vẫn theo tài liệu này, trong khi làm nhiệm vụ, cụ Hiến đã phát hiện tại một khu rừng gần ấp Tân Lạc (ngoại ô Đà Lạt ngày nay) có nhiều cây hoa nở hoa màu hồng vào mùa xuân, vừa giống hoa đào lại vừa giống như hoa mai, trông rất đẹp nên đã đề nghị người đứng đầu đô thị cho người vào đào đem về trồng tại trung tâm Đà Lạt để trang trí cho thành phố.

Vào năm 1935, chính tay cụ Hiến đã trồng nhiều cây mai anh đào từ cầu Ông Đạo lên rạp hát Hòa Bình, thuộc đường Lê Đại Hành ngày nay.

Trong khi đó, theo trí nhớ của những cụ già ở Đà Lạt thì trong những năm 60, trong một khu rừng rộng gần thác Cam Ly (Đà Lạt) vẫn còn tồn tại một cánh rừng hoa mà người dân địa phương thường gọi nó là “mai anh đào”. Hơn thế, trong khu rừng đó còn có cả giống “mai anh đào trắng”, thân cũng mốc meo, xù xì, trút lá ngủ đông và đơm hoa vào cuối đông, đầu xuân giống như hoa mai anh đào, nhưng có điều khác là hoa của nó màu trắng.

Cố kỹ sư nông học Lương Văn Sáu, một người đã có nhiều đóng góp cho ngành hoa Đà Lạt khi còn sống vẫn khẳng định mai anh đào là loài hoa bản địa. Nhà Đà Lạt học Nguyễn Hữu Tranh, hiện đang sinh sống tại đường Hai Bà Trưng, phường 5, TP Đà Lạt khi được tôi đề cập về nguồn gốc hoa mai anh đào Đà Lạt cũng có quan điểm tương tự.

Theo ông Tranh, mai anh đào là cây thuần chủng, bản địa, có ở vùng đối núi Đà Lạt từ những năm đầu thế kỷ XX cùng với việc người Pháp tìm ra vùng đất này và xây dựng thành đô thị Đà Lạt trên cao nguyên Lâm Viên. Sau khi phát hiện ra nhan sắc của loài hoa này, từ miền đồi núi, mai anh đào đã được chính quyền cho di thực về trồng trong nộ Đà Lạt để làm cảnh quan.

Còn với cư dân Đà Lạt, trước nay hầu như ít ai quan tâm về nguồn gốc của loài hoa này xuất phát từ đâu. Bao nhiêu năm qua rồi, họ vẫn tự hào mai anh đào là loài hoa rất riêng và chỉ có ở Đà Lạt. Và, tôi cũng nghĩ vậy!.. Bây giờ ngoài kia, sứ giả của mùa xuân, mai anh đào đã nở.

Kim Ngân
.
.
.