Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị phạt 20 năm tù
- Cử tri lo lắng trước việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và trồng trọt
- Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là một tội ác
Tại hội thảo “Quản lý sử dụng chất cấm và các vấn đề đặt ra” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT, cho biết, theo Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi sẽ chính thức áp dụng vào 1-7-2016, những tổ chức, cá nhân sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể phải lĩnh mức án 20 năm tù, bị phạt tiền tới 3 tỉ đồng và bị cấm sản xuất, kinh doanh. Người chăn nuôi lợn sử dụng chất cấm có thể bị mất trắng vì đàn lợn sẽ bị tiêu huỷ khi phát hiện dùng chất cấm.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), tháng 10-2015 trở lại đây, do sự vào cuộc mạnh mẽ của các lực lượng chức năng, nên bước đầu đã kiểm soát được tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Tuy nhiên, ông Dương cũng lo ngại, việc bùng phát trở lại là hoàn toàn có thể và nguy cơ cao vì số lượng các hộ chăn nuôi rất đông.
“Nếu không kiểm soát chất cấm thường xuyên và liên tục như đang làm hiện nay thì tình trạng này hoàn toàn có nguy cơ trở lại. Chất cấm trong chăn nuôi không chỉ có salbutamol mà còn Vàng - O, clenbuterol. Còn người tiêu dùng chưa hình thành được tâm lý nói không với thực phẩm “bẩn”, nhiễm chất cấm và các hộ chăn nuôi thì vì hám chút lợi vẫn có thể tiếp tục dùng”, ông Nguyễn Xuân Dương băn khoăn.
Tăng nặng mức xử phạt sẽ hạn chế tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. |
Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT Nguyễn Văn Việt thông tin, năm 2015, lực lượng Thanh tra chuyên ngành và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49 - Bộ Công an) đã phát hiện rất nhiều công ty sử dụng chất cấm, nhưng nếu theo Điều, Khoản của Bộ Luật hình sự trước năm 2015 lại không thể “hình sự hóa”. Sau đó, khi có sự chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Y tế, lực lượng Thanh tra chuyên ngành đã làm rất quyết liệt trong kiểm tra, xử lý các hành vi liên quan đến sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Căn cứ vào thực tế xử lý chất cấm, Quốc hội cũng đã xem xét và thấy cần thiết phải xử lý hình sự đối với những người sử dụng chất cấm. Chính vì vậy, Bộ Luật hình sự năm 2015 đã đưa vào Điều 190, 191, 195 và quan trọng nhất là Điều 317 là hành vi cấu thành tội phạm hình thức. Tức là chỉ cần đưa hóa chất cấm không được sử dụng vào thực phẩm; vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và đưa vào thực phẩm, thì đã đủ yếu tố để khẳng định cá nhân, tổ chức phạm tội.
Theo ông Việt, Bộ Luật Hình sự sửa đổi 2015 như nói ở trên, chính thức áp dụng từ ngày 1-7-2016 tăng nặng hơn rất nhiều đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Tức là cá nhân, tổ chức chỉ cần sử dụng, vận chuyển, kinh doanh trái phép chất cấm đã bị xử phạt, chứ không còn phải chờ xem xác định hậu quả, tác hại như thế nào nữa.
“Theo Bộ luật này, có thể phạt tiền từ 50 triệu đến 3 tỷ đồng, phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm tùy theo mức độ hành vi sử dụng chất cấm. Có thể nói đây là quyết tâm của Nhà nước ta trong việc quản lý, kiểm soát tốt vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi”, ông Việt nói.
Dù chất cấm gốc Beta Agonist đã được phát hiện sử dụng trong chăn nuôi từ năm 2006 nhưng dường như đã bị xem nhẹ, tình trạng chất cấm trong chăn nuôi mới nở rộ, khó quản lý. Đến thời điểm giữa năm 2015 vừa qua, khi các phương tiện thông tin đại chúng vào cuộc rầm rộ, thì các ngành chức năng mới bắt đầu cảnh tỉnh về mức độ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Ông Nguyễn Xuân Dương cảnh báo, chỉ một số ít người chăn nuôi, người sản xuất thức ăn chăn nuôi hám lợi nhưng đã khiến thị trường các sản phẩm chăn nuôi rơi vào rủi ro.
Thực tế, với sự vào cuộc gắt gao của các lực lượng chức năng thời gian vừa qua, thực trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, với sự khẳng định của các cơ quan chức năng “buôn bán chất cấm lãi hơn buôn ma túy” và mức xử lý lại nhẹ hơn rất nhiều lần, dư luận lo ngại liệu với những quy định mới sắp được áp dụng, có đủ “sức mạnh” để đẩy lùi tình trạng sử dụng bừa bãi chất cấm chăn nuôi?
Thực trạng sử dụng chất cấm: - Đối với chất Vàng – O (Auramine) khi đưa vào thức ăn chăn nuôi không nhằm mục đích tăng trưởng cho vật nuôi mà chủ yếu là do thị hiếu người chăn nuôi, tạo màu vàng bắt mắt cho sản phẩm cám. Khi Thông tư 42/2015/BNNPTNT có hiệu lực, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng xử lý mạnh các Công ty sản xuất có sử dụng Vàng - O; sự tuyên truyền sâu rộng... đã khiến các nhà sản xuất và người chăn nuôi nhận thức được mức độ nguy hại của việc sử dụng chất này. - Chất kích thích tăng trưởng (tạo nạc): Theo báo cáo của các địa phương, tại thời điểm hiện tại, các hành vi sử dụng chất Salbutamol trong chăn nuôi heo đang thuyên giảm và có hướng đẩy lùi. Trên thị trường hiện tại không còn hiện tượng bày bán công khai các sản phẩm quảng cáo là “siêu tăng trọng, bông đùi, nở vai” có chứa Salbutamol; các chủ hộ chăn nuôi, các trang trại và gia trại đều được tuyên truyền và biết về tác hại của chất cấm nên cũng có động thái bài trừ các chất này. Bộ Y tế đang phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý rất chặt nguồn nhập khẩu và cung cấp Salbutamol nên việc đưa sang chăn nuôi sử dụng sai mục đích đã bị triệt tiêu. Hiện tại, hầu hết các nhà máy sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi không còn sử dụng chất cấm trộn vào thức ăn chăn nuôi. Ở các tỉnh phía Bắc, từ sau Tết âm lịch qua kiểm tra chưa phát hiện được trang trại, lò mổ sử dụng chất cấm. Đối với các tỉnh phía Nam, tập trung ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, vẫn phát hiện heo có tồn dư chất cấm nhưng với tỷ lệ thấp hơn nhiều so với thời gian trước. Cụ thể, theo báo cáo của Chi Cục Thú y TP Hồ Chí Minh, vẫn phát hiện các lô dương tính với chất cấm. Giai đoạn từ 17-1-2016 đến 7-2-2016 qua kiểm tra phát hiện 11/276 lô. Trong tháng 3, tỷ lệ phát hiện tồn dư chất cấm là 1,5%. (Nguồn: Thanh tra Bộ NN&PTT) |