Sống khốn khổ trong khu đô thị “3 không” giữa lòng Hà Nội

Thứ Sáu, 13/05/2016, 08:54
Dù hàng trăm người dân đã về sinh sống từ hơn một năm nay, nhưng cho tới thời điểm này, khu đô thị Ao Sào (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn đang phải chịu cảnh “3 không”: không nước sạch - không đường - không sổ đỏ…

 

Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng ban đại diện lâm thời khu dân cư Ao Sào, bức xúc tố khổ: “Bỏ ra mấy tỉ bạc mua nhà trong khu đô thị mới cứ tưởng sẽ được sung sướng, nào ngờ chuyển về đây đã hơn 1 năm rồi nhưng mấy trăm con người phải sống trong cảnh biệt lập, thiếu thốn đủ thứ”.

Tiếng là khu đô thị mới nhưng một con đường tử tế dẫn vào khu đô thị cũng chưa có. Muốn ra ngoài, nếu không muốn đi lòng vòng qua làng thì chỉ có con đường hơn 1km rải đá cấp phối hoang vu, ngày mưa thì lầy lội, ngày nắng thì bụi mù mịt chạy qua dự án của Công ty Licogi ra đường Tân Mai. Nhiều người dân ở đây khốn khổ vì nửa đêm ốm đau cần đi cấp cứu, nhưng gọi taxi không xe nào dám vào vì họ tưởng đường vào… xóm liều.

Cũng vì chưa có đường nên cho tới lúc này, cả một dãy gần chục ngôi nhà dù xây xong nhưng chủ nhân không dám về ở vì chỉ ra khỏi cửa hơn một mét là đi ngay xuống… ao cá. 

Ngoài ra, cho tới lúc này, khu đô thị Ao Sào vẫn không được Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Hoàng Mai cấp nước sinh hoạt. Để có nước, các gia đình phải tùy cơ ứng biến, có gia đình thì xin mua nước sạch của các hộ dân trong làng Giáp Nhị. Tuy nhiên, giá nước lên tới gần 50.000 đồng/m3. Dù đắt nhưng không phải ai cũng có thể mua được nước sạch. Vì vậy các hộ khác đành phải khoan giếng.

Đưa chúng tôi đi tham quan hệ thống giếng khoan cỡ lớn với đầy đủ giàn mưa, bể lọc, bể khử khuẩn… đầu tư tới 65 triệu đồng trên sân thượng, anh Lê Trung Hiếu, chủ nhà 12BTT1 nói vui đây là “nhà máy nước sạch sông nhà”.

Sở dĩ anh Hiếu phải chấp nhận bỏ ra tới gần 70 triệu đồng để xây dựng hệ thống lọc nước giếng khoan này vì không làm thì gia đình anh và nhiều gia đình ở đây sẽ phải bỏ nhà mà đi. Dù biết nước ngầm ở đây rất bẩn vì khu vực này nằm ở vùng trũng nhất Hà Nội, nhưng anh Hiếu và các gia đình khác không có lựa chọn nào khác.

"Nhà máy nước sạch sông nhà" của anh Lê Trung Hiếu, chủ nhà 12BTT1.

“Bà con bàn nhau mỗi tháng góp cho tôi tiền điện, tiền mua vật tư và khấu hao máy móc để có nước sinh hoạt hằng ngày. Đến nay, giếng khoan này đã phục vụ cư dân trong khu đô thị được gần 1 năm. Chúng tôi chỉ mong sớm được cấp nước sạch của thành phố để phá cái nhà máy nước tự phát này vì bây giờ cũng đã quá tải rồi”, anh Hiếu than thở. 

Ngoài nỗi khổ không đường, không nước sạch thì chủ nhân của những ngôi nhà có giá tới 4- 5 tỷ đồng này cũng đang bức xúc vì dù đã trả hết tiền và nhận nhà 2 năm nay, nhưng cho tới lúc này họ cũng chưa nhận được sổ đỏ, vì thế có gia đình có nhu cầu bán hay thế chấp ngân hàng để vay vốn kinh doanh nhưng cũng không thể làm được. 

Vì sao khu đô thị mới mà người dân lại phải sống trong cảnh “3 không” như vậy? Trong buổi làm việc với phóng viên Báo CAND, ông Nguyễn Tiền Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5, chủ đầu tư dự án, cho biết tất cả những chuyện người dân bức xúc ông đều biết và rất chia sẻ với sự bức xúc này nhưng hiện để giải quyết thì cũng vượt thẩm quyền của công ty.

Theo ông Phong, hệ thống giao thông nội bộ của dự án giai đoạn 1 đã được thi công xong và chờ đấu nối vào hệ thống đường quy hoạch của khu vực. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống đường quy hoạch chung ngoài chỉ giới dự án lại chưa được đầu tư.

Con đường này do UBND quận Hoàng Mai làm chủ đầu tư nhưng hiện vẫn chưa triển khai. Cũng vì con đường này dù đã quy hoạch nhưng chưa thi công mà vẫn là ao cá của dân nên Công ty Lũng Lô 5 đã phải chi 400 triệu đồng để thỏa thuận với các hộ đang nuôi cá để triển khai thi công công trình. Trong khi chờ có con đường này, công ty đã phải làm đường kết nối từ dự án vào đường Nguyễn Chính đi qua khu dân cư để có đường cho người dân khu đô thị đi lại.

Lý giải nguyên nhân người dân về ở hơn 1 năm vẫn chưa có nước sạch, ông Phong cho biết, từ tháng 10-2014, Công ty Lũng Lô 5 đã ký hợp đồng với Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Hoàng Mai để khảo sát, thiết kế, xây lắp công trình cấp nước cho khu đô thị.

Tháng 12-2014, hai bên đã phê duyệt phương án và dự toán lắp đặt đồng hồ tổng đấu nối nguồn nước cho khu đô thị. Cho tới thời điểm này, chủ đầu tư và Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Hoàng Mai đã thi công gần hoàn chỉnh tuyến ống ra vị trí đấu nối; trong đó 188m nằm ngoài chỉ giới dự án và chỉ cách vị trí đấu nối khoảng 10m. Tuy nhiên dù điều chỉnh điểm đấu nối 2 lần nhưng vẫn không thể đấu nối được với hệ thống cấp nước của Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Hoàng Mai do bị một số người dân ở khu vực lân cận cản trở thi công.

“Do bị cản trở nên nếu không được các cấp chính quyền quận, phường sở tại ủng hộ thì doanh nghiệp dù rất muốn hoàn tất để cấp nước cho người dân cũng không thể làm được”, ông Phong khẳng định.

Về việc chậm cấp sổ đỏ cho các hộ dân, ông Phong cho biết hiện công ty đã có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường sớm xem xét cơ chế phù hợp với dự án để trình UBND thành phố phê duyệt tiền sử dụng đất với diện tích đất ở giai đoạn 1 của dự án để chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính, từ đó mới có cơ sở để làm sổ đỏ cho dân. “Chúng tôi cố gắng trong quý 3 năm nay sẽ hoàn tất thủ tục này”, ông Phong nói.

Như vậy, để xảy ra tình trạng này ngoài trách nhiệm của chủ đầu tư thì còn có trách nhiệm của cả chính quyền. Đã đến lúc UBND TP Hà Nội cần sớm có chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và chính quyền quận Hoàng Mai, phường Thịnh Liệt vào cuộc giải quyết những vướng mắc để hàng trăm người dân ở khu đô thị “3 không” này sớm ổn định cuộc sống.

Tân Lương
.
.
.