Sơn La thiệt hại nặng nề, nhiều gia đình “trắng tay” sau mưa lũ

Chủ Nhật, 02/09/2018, 05:56
Trận mưa lớn kéo dài từ ngày 28-8 đến hết 31-8 trên địa bàn tỉnh Sơn La đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Mưa lũ làm 1 người chết, 2 người bị thương; 1.521 ngôi nhà bị ảnh hưởng; 964,58ha nông sản, ao cá bị cuốn trôi, ngập lụt; 11 điểm trường bị ảnh hưởng; 153 điểm ách tắc giao thông trên các quốc lộ do tỉnh quản lý, 64 điểm ách tắc giao thông trên các đường tỉnh; 45 công trình thủy lợi thiệt hại nặng nề.

Khoảng 13h ngày 28-8, trong lúc đi làm nương về đi qua suối Cáp Na bị trượt chân nên ông Vì Văn Sơn, sinh năm 1977, bản Cáp Na, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn đã bị lũ cuốn trôi. Đến ngày 31-8, lực lượng tìm kiếm mới trục vớt được thi thể nạn nhân tại xã Chim Vàng, huyện Bắc Yên.

Lũ ống, lũ quét làm ảnh hưởng: 1.521 ngôi nhà, trong đó: 37 nhà bị sập đổ hoàn toàn; 154 nhà bị sạt lở, thiệt hại nặng; 500 nhà bị ngập; phải di dời khẩn cấp 618 nhà.

Về sản xuất nông nghiệp, diện tích lúa, hoa màu, ao cá bị lũ cuốn trôi, ngập bùn thiệt hại lên đến cả ngàn ha, trong đó: Diện tích lúa bị thiệt hại 614,94ha; diện tích ngô, rau màu là 168,78ha; diện tích cây ăn quả 17,65ha; diện tích cây lâu năm 59,75ha; diện tích ao cá: 103,46ha, sản lượng cá bị cuốn trôi 13,2 tấn.

Tâm sự với chúng tôi, anh Lường Văn Linh, bản Mường Bú (Mường La – Mường Bú), chia sẻ: Cả nhà tôi có 5 nhân khẩu, chỉ trông chờ vào 1.200m2 ruộng. Vậy mà chỉ sau một đêm, tất cả đều chìm trong biển nước mênh mông. Vụ mùa này là vụ nhà tôi hy vọng nhất. Trung bình vào vụ mùa, năm nào cũng vậy trên mảnh ruộng 1.200m2 luôn cho thu từ 22 – 25 bao thóc. Năm nay chắc chắn là đói rồi. Trắng tay rồi. Tôi dự định sẽ đi làm phụ hồ để có tiền mua gạo cho bố mẹ và các con tôi ăn” – anh Linh ngậm ngùi.

Công an Sơn La giúp dân ra khỏi vùng ngập lụt.

Ở tuổi xế chiều, ông Vũ Đình Lương, tiểu khu 1, thị trấn Mường Bú (Mường Bú – Mường La) không còn sức khỏe để theo đuổi nghề nông nữa. Cả 2 vợ chồng ông Lương chỉ kỳ vọng vào 40 con gà công nghiệp và trăm gốc cây ăn quả nhưng thiên tai ập đến quá nhanh, “miếng cơm, manh áo” của cả nhà bị cuốn trôi cùng dòng nước lũ chỉ sau một đêm.

Về trường học: 11 điểm trường bị ảnh hưởng (Mai Sơn 3 trường; Vân Hồ 3 trường; Mường La 1 trường; Quỳnh Nhai 1 trường; Sông Mã 1 trường; Sốp Cộp 2 trường), trong đó điểm trường PTDT Bán trú THCS Nà Ớt, xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn là một trong những điểm trường bị thiệt hại nặng nề nhất.

Lũ quét cuốn theo bùn đất gây ngập lụt 8 phòng học và 2 phòng thư viện, gây sạt lở khu bếp ăn và cuốn trôi nhiều vật dụng như khay đựng thức ăn, gạo, mì tôm dự trữ của học sinh. 60 bộ bàn ghế bị ngập, hơn 160 bộ sách giáo khoa ở thư viện và để ở tầng 1 cũng bị ướt, hư hỏng toàn bộ.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Công Huấn – Hiệu trưởng trường PTDT Bán trú THCS Nà Ớt, huyện Mai Sơn, cho biết: Hiện nay, thầy và trò nhà trường cùng với phụ huynh học sinh, lực lượng chức năng đang nỗ lực hết mình dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả sau mưa lũ để kịp tiến độ khai giảng đúng vào ngày 5-9.

Ông Sồng A Chu – Chủ tịch UBND xã Nà Ớt, cho hay: “Toàn bộ khuôn viên, lớp học bị ngập sâu trong nước. Bàn ghế, dụng cụ học tập, chăn màn và gạo cho học sinh bán trú… đều bị hư hỏng. Ước tính thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Hiện chúng tôi đang chỉ đạo Đoàn thanh niên, Ban chỉ huy quân sự xã cùng nhà trường khắc phục hậu quả để các cháu sớm đi học trở lại”.

Về giao thông, tổng số điểm ách tắc giao thông trên các quốc lộ do tỉnh quản lý là 153 vị trí. Trước tình hình trên, Sở GTVT, Cục Quản lý đường bộ I chỉ đạo Ban quản lý bảo trì cử cán bộ giám sát đến hiện trường xác minh khối lượng thiệt hại, đôn đốc, chỉ đạo đơn vị cung ứng thực hiện phương án đảm bảo giao thông bước 1.

“Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố, các sở, ban ngành tập trung chỉ đạo chủ động ứng phó với mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Đồng thời, thành lập đội tìm kiếm nạn nhân bị mất tích và kịp thời thăm hỏi, động viên nạn nhân và gia đình có người bị nạn” – ông Vũ Ngọc Tường, Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Sơn La nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tường, để đảm bảo an toàn về người và tài sản, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã yêu cầu UBND các xã tổ chức vận động các hộ gia đình có nguy cơ mất an toàn tháo dỡ, di chuyển nhà cửa và tài sản đến nơi an toàn, tiếp tục theo dõi mức độ, nguy cơ sạt lở để có biện pháp xử lý kịp thời.

Trà Giang
.
.
.