Sở Nội vụ Lâm Đồng lý giải việc chấm phúc khảo công chức từ rớt thành đậu

Thứ Hai, 25/02/2019, 21:10
Sau khi có quyết định công bố những thí sinh trúng tuyển, trong đó có 17 thí sinh từ rớt thành đậu sau khi phúc khảo với số điểm tăng cao bất thường đã khiến dư luận đồn thổi có sự tiêu cực trong kỳ thi. 

Chiều ngày 25-2, Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng đã có buổi làm việc với phóng viên liên quan đến 17 trường hợp tham gia kỳ thi tuyển công chức năm 2018 tỉnh Lâm Đồng từ rớt thành đậu sau khi họ có đơn xin phúc khảo lại môn kiến thức chung và môn chuyên ngành.

Theo lý giải của ông Đàm Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Đồng, các môn thí sinh xin phúc khảo đều là tự luận, gồm có hai phần, học thuộc và phần tự suy luận của thí sinh cho nên việc chấm điểm giữa hai lần có sự chênh lệch. “Đó là điều hết sức bình thường, không có gì là lạ!.. Giữa cặp chấm trước và cặp chấm sau có người khó, có người dễ, khi phúc khảo lại chấm rất kỹ trên tình thần “gạn đục khơi trong”, có ý thì cho điểm, vớt được anh em là cái tốt!..’, ông Tuấn nói.

Ông Đàm Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Đồng lý giải về điểm phúc khảo tăng cao đột biến

Cũng theo vị lãnh đạo này, bài làm mặc dù sai câu, sai chữ, thiếu nhưng cơ bản vẫn giữ được ý thì khi chấm phúc khảo vẫn cho điểm... “Riêng bài của thí sinh Trần Văn Phúc sau khi phúc khảo tăng hơn 19 điểm và trúng tuyển có bài làm dài 8 trang, viết lộn xộn, viết lung tung, không theo ý, câu gì cả, viết không gọn, không logic, vết lôi thôi, nhiều ý có thể cho được một chút điểm nhưng người chấm trước không cho điểm...”, ông Tuấn lý giải cho việc điểm của thí sinh này tăng bất thường sau khi phúc khảo.

Vị Phó Giám đốc sở cũng cho biết, thi tuyển công chức khác với thi phổ thông. Ở phổ thông thầy cô chấm bài là chuyên nghiệp, cuộc thi này người chấm là công chức của các sở, ngành. Trong một kỳ thi tuyển dụng nhân sự vào làm việc trong cơ quan nhà nước nhưng ông Tuấn giải thích việc có sự chênh lệch điểm giữa lần đầu và chấm phúc khảo rất lớn là do sự không chuyên nghiệp của người chấm thi. Trong khi bài thi đã có thang điểm, đáp án nhưng ông Tuấn vẫn cho rằng kết quả chấm còn phụ thuộc vào “cảm tính của cá nhân từng người chấm thi” nên dẫn đến kết quả chấm phúc khảo của nhiều bài có sự khác biệt lớn so với lần đầu.

Trong 41 thí sinh phúc khảo có tới 25 thí sinh được tăng điểm. Người tăng cao nhất là thí sinh Trần Văn Phúc với hơn 19 điểm, từ rớt thành trúng tuyển. Tiếp đó là thí sinh Trịnh Tuấn Linh tăng 13 điểm và trúng tuyển. Thí sinh Hoàng Thị Thanh sau khi phúc khảo số điểm tăng thêm 12 điểm và trúng tuyển... Trong 41 thí sinh xin phúc khảo điểm có tới 17 thí sinh đã từ rớt thành đậu.

Trước việc điểm phúc khảo của nhiều thí sinh tăng cao bất thường, đã có thông tin cho rằng có sự tiêu cực trong kỳ thi vừa qua. Ông Đàm Minh Tuấn phủ nhận điều này và cho biết những đồn đoán trên là không có cơ sở.

Việc chênh lệch rất lớn về số điểm giữa lần đầu và phúc khảo dẫn đến các thí sinh từ rớt thành đậu, ông Tuấn cũng cho biết không thể xử lý kỷ luật những người đã chấm các bài thi trước đó. Bởi theo ông, rất khó xác định được những người chấm trước đã chấm điểm cho những thí sinh này bị sai do đây là những môn thi tự luận. “Vì nó thuộc vào sự chủ quan của người chấm!..”, ông Tuấn lý giải.

Sau khi có quyết định công bố những thí sinh trúng tuyển, trong đó có 17 thí sinh từ rớt thành đậu sau khi phúc khảo với số điểm tăng cao bất thường đã khiến dư luận đồn thổi có sự tiêu cực trong kỳ thi.

Để làm sáng tỏ có hay không vấn đề tiêu cực, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra, xác minh để chính thức có kết quả công bố công khai nhằm rộng đường dư luận, tránh tình trạng đồn thổi như hiện nay.

 

Khắc Lịch
.
.
.