Siết chặt quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học

Thứ Hai, 21/09/2020, 07:40
Theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP HCM, toàn thành phố có 1.620 bếp ăn tập thể, 318 cơ sở suất ăn sẵn, 883 căng tin phục vụ học sinh trong các trường học.

Tuy nhiên, lo ngại nhất vẫn là những bữa ăn xế, đa số các trường chọn thực phẩm cho học sinh thường là bánh, sữa, chè... Đây là những loại thực phẩm dễ bị ôi thiu trong thời tiết mưa nắng bất thường như hiện nay.

Liên quan đến vụ việc nghi ngộ độc thực phẩm tại Trường Tiểu học Bình Trưng Đông (quận 2, TP HCM) vào ngày 11/9, ngày 20/9, bác sĩ Trương Thành Trung, Trưởng Phòng Y tế quận 2 cho biết, tất cả các em học sinh cùng 1 giáo viên và 1 bảo mẫu nghi ngộ độc thực phẩm đã khỏi bệnh, xuất viện. Theo bác sĩ Trung, bước đầu nguyên nhân nghi ngộ độc thực phẩm là do bánh su kem của bữa ăn xế tại trường học. Hiện cơ quan chức năng đang đợi kết quả xét nghiệm để biết nguyên nhân và hướng xử lý.

Ông Nguyễn Phúc Huy Tùng, Trưởng phòng GD-ĐT quận 2 cho biết, 100% trường học trên địa bàn quận không sử dụng suất ăn công nghiệp, mà có bếp nấu ăn tại chỗ, được kiểm tra rất kỹ, đảm bảo quy trình 1 chiều. Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 2 phối hợp phòng y tế, bệnh viện, cơ quan an toàn thực phẩm tổ chức tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm cho các hiệu trưởng. 

Việc Trường Tiểu học Bình Trưng Đông hợp đồng với Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ và Phát triển Vĩnh Thịnh (thị trấn Hóc Môn, TP HCM) để cung cấp nấu ăn, theo ông Tùng, công ty đưa thực phẩm và người đến tận trường để nấu cho học sinh ăn. Còn bánh ăn bữa xế công ty này có hợp đồng cung cấp bánh ngọt với hộ kinh doanh Gia Bảo 1 (ở phường Tân Thới Hiệp, quận 12). Hiện nhà trường đã yêu cầu Công ty Vĩnh Thịnh chấm dứt hợp đồng cung cấp bánh với hộ kinh doanh này để đợi kết quả xét nghiệm.

Trước tình trạng liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, Ban Quản lý ATTP TP HCM cũng đã khuyến khích phụ huynh tham gia vào việc giám sát công tác bảo đảm ATTP tại các trường. Nhiều trường học trên địa bàn thành phố cũng đã tạo điều kiện để phụ huynh học sinh tham gia giám sát, quản lý bếp ăn. Đây là việc làm cần thiết, tăng thêm lực lượng ngăn chặn thực phẩm không bảo đảm an toàn tuồn vào trường học. 

Nhưng thực tế, việc kiểm tra, giám sát bữa ăn học đường ở nhiều nơi vẫn mang tính hình thức, thiếu khách quan. Liệu đơn vị cung cấp thực phẩm có cung cấp đúng thực phẩm bảo đảm an toàn, đạt tiêu chuẩn như cam kết với nhà trường và gia đình hay không thì phụ huynh không thể biết được.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TP HCM, Ban Quản lý ATTP và Sở GD-ĐT thành phố đã ký kết kế hoạch liên tịch về việc bảo đảm ATTP tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn, khuyến khích thực phẩm đưa vào trường học phải được cung cấp từ các cơ sở nằm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của thành phố, hoặc cơ sở đạt các chứng nhận HACCP, ISO 22000:2005, VietGAP, GlobalGAP. 

Tất cả các bếp ăn được nấu tại trường, cũng như những đơn vị nấu nơi khác đến và cung cấp thức ăn vào trường (đơn vị chế biến suất ăn sẵn) đều phải tuân thủ các quy định về đảm bảo ATTP, kể cả quy định về nguyên liệu thực phẩm đạt chuẩn.

Các đơn vị chế biến suất ăn sẵn còn phải tuân thủ quy trình vận chuyển thức ăn đến trường bảo đảm an toàn. Với môi trường giáo dục và với đối tượng phục vụ là các em học sinh thì các trường học đừng nên để có vi phạm rồi mới xử lý. Công tác bảo đảm ATTP phải được thực hiện nghiêm túc, kiên trì, thường xuyên, liên tục và mạnh tay xử lý theo Nghị định 115 của Chính phủ.

Học sinh nghi bị ngộ độc thực phẩm điều trị tại Bệnh viện quận 2.

Ban Quản lý ATTP thành phố cũng vừa có văn bản gửi UBND 24 quận, huyện; Sở GD-ĐT thành phố; Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố về việc tăng cường biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm. 

Theo đó, Ban Quản lý ATTP đề nghị các đơn vị trên tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, bếp ăn từ thiện trên địa bàn. Kiên quyết không để các đơn vị cung cấp thực phẩm, chế biến suất ăn sẵn không đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm được kinh doanh hoạt động. 

Đồng thời, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, giáo dục về các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm cho người quản lý, người trực tiếp chế biến thực phẩm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trong trường học, bệnh viện, các cơ sở trong khu chế xuất và công nghiệp, các bếp ăn từ thiện; các cơ sở ngoài khu chế xuất và công nghiệp có tổ chức bếp ăn.

Mặt khác, yêu cầu các cơ sở tuyệt đối không ký hợp đồng cung cấp dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể đối với cơ sở chế biến suất ăn sẵn không đủ điều kiện, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cũng kêu gọi tổ chức hội phụ huynh học sinh hãy cùng giám sát chất lượng bữa ăn của con em mình tại trường học, nếu có gì hãy gọi vào đường dây nóng của Ban Quản lý ATTP (số 028.3930.1714) để được xử lý kịp thời.                       
Nguyễn Cảnh
.
.
.