Sẽ hợp nhất hai công ty vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn

Thứ Năm, 01/06/2017, 07:51
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) mới đây đã có phương án tổ chức sắp xếp lại công tác vận tải đường sắt, trong đó điểm đáng chú ý là hợp nhất 2 Công ty vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn để hạn chế tối đa cạnh tranh nội bộ, bất cập về mô hình, tách bạch vận tải hàng hóa và vận tải hành khách…


Sản lượng, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng    

Chính thức thành lập theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên từ ngày 1-1-2015, Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội và Sài Gòn do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nắm giữ 100% vốn điều lệ. 

Thế nhưng một năm sau, đến ngày 1-1-2016, các đơn vị này chính thức hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần với tổng số lao động lên tới hơn 7.600 người. Lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thừa nhận, sau một năm thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa 2 công ty trên bị sụt giảm nghiêm trọng cả về sản lượng, doanh thu, thị phần vận tải và tiền lương, thu nhập đời sống của người lao động.

Ngành Đường sắt đang tìm mọi cách để thu hút người dân.

Lý giải rõ hơn, phía VNR cho rằng, đường sắt phải cạnh tranh quyết liệt với hàng không và đường bộ về vận tải hành khách, trong khi hệ thống kết cấu hạ tầng và công nghệ vận tải cũ kỹ, lạc hậu, nhiều năm không được quan tâm đầu tư nên năng suất lao động thấp.

Hơn nữa, 2 Công ty này cùng cung cấp một loại sản phẩm trên thị trường, vì vậy không tránh khỏi cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh, gây khó khăn cho nhau, làm suy giảm nguồn lực chung và giảm khả năng cạnh tranh với các phương tiện vận tải khác, dẫn đến kìm hãm sự phát triển và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất kinh doanh chung của ngành Đường sắt.

Dẫn chứng về những lý lẽ trên, lãnh đạo ngành Đường sắt nêu rõ: Tại mỗi ga, địa điểm kinh doanh, cả 2 Công ty đều bố trí lao động, thuê trụ sở, văn phòng làm việc và kho bãi...nên đã làm phát sinh tăng bộ máy quản lý, tăng lao động, tăng chi phí, phân tán nguồn lực, cơ sở vật chất và vốn; bộ máy quản lý, lao động lớn, cồng kềnh, năng suất lao động thấp, ảnh hưởng đến chất lượng vận tải...

Hợp nhất, người dân sẽ được hưởng lợi

Qua tham khảo mô hình tổ chức kinh doanh của các Tập đoàn, Tổng công ty trong nước và đặc biệt là đường sắt một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Đức, Pháp, Ý, Indonesia, Malaysia... cho thấy, các doanh nghiệp vận tải trong nước hầu hết chỉ kinh doanh một sản phẩm là vận tải hành khách hoặc vận tải hàng hoá.

Thậm chí, đường sắt các nước Nhật Bản, Nga, Đức, Pháp, Ý... tách bạch giữa kinh doanh vận tải hàng hoá và vận tải hành khách. Nhấn mạnh việc gộp 2 Công ty lại làm một sẽ tạo ra động lực để vận tải đường sắt không ngừng đổi mới và phát triển, Tổng Công ty Đường sắt cho rằng, nguyên tắc sắp xếp với mục đích hạn chế tối đa xáo trộn về tổ chức, đặc biệt giảm thiểu việc điều chuyển lao động từ địa bàn này sang địa bàn khác; đảm bảo mục tiêu tái cơ cấu mô hình tăng trưởng; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của vận tải đường sắt; thu hút cổ đông chiến lược tham gia kinh doanh vận tải đường sắt…

Vì thế, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất phương án tái cơ cấu vận tải làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (dự kiến hoàn thành trong năm 2017) sẽ hợp nhất 2 Công ty cổ phần Vận tải Sài Gòn và Hà Nội thành một Công ty cổ phần Vận tải đường sắt. Giai đoạn 2 (dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2019 - 2020), sau khi ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng hiệu quả, ngành Đường sắt thực hiện cổ phần hóa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên kinh doanh vận tải hàng hóa đường sắt theo hình thức Công ty cổ phần Nhà nước không chi phối.

Trước câu hỏi về hiệu quả của phương án tổ chức sắp xếp lại công tác vận tải đường sắt, lãnh đạo VNR đưa ra giả định trong trường hợp hiệu suất sử dụng phương tiện và năng suất lao động ở mức độ trung bình thấp thì vẫn nâng hệ số sử dụng chỗ của tàu khách lên bình quân khoảng 75% (năm 2016 là 60%), tiết kiệm chi phí chạy tàu khách khoảng 5-6%; giảm đầu mối tổ chức, giảm định biên lao động và các chi phí về trụ sở văn phòng làm việc tại các chi nhánh và các ga. Cùng với việc đa dạng hóa dải vé khi tung ra hàng nghìn vé giá rẻ, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.

Đặng Nhật
.
.
.