Sau lệnh đóng cửa, rừng tự nhiên Tây Nguyên tiếp tục giảm
Theo kết quả công bố hiện trạng rừng năm 2018, tổng diện tích có rừng ở Tây Nguyên là hơn 2,5 triệu hécta. Từ 2010 đến 2015, Tây Nguyên là khu vực có tốc độ suy giảm rừng nghiêm trọng (cả diện tích và chất lượng) nhanh nhất cả nước.
Tổng diện tích có rừng giảm 312.416ha, độ che phủ của rừng giảm 5,8%, trữ lượng rừng giảm hơn 25,5 triệu m³, tương ứng giảm 7,8% tổng trữ lượng. Việc chuyển đổi rừng sang mục đích khác, tình trạng dân di cư tự do, xâm lấn đất trái phép, vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng xảy ra nghiêm trọng và diễn biến phức tạp.
Thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên của Chính phủ, những năm qua, cơ quan chức năng đã không cấp phép khai thác tận thu, tận dụng lâm sản trên diện tích rừng tự nhiên đã có quyết định chuyển đổi nhưng chưa thực hiện khai thác tận thu.
Trước khi thực hiện Nghị quyết 71/NQ-CP ngày 8-8-207 của Thủ tướng Chính phủ, Tây Nguyên có 751 dự án đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng, với diện tích rừng và đất lâm nghiệp 48.980ha, trong đó rừng tự nhiên 10.637ha.
Thực hiện Nghị quyết 71, các địa phương đã nghiêm túc rà soát lại. Đến tháng 5-2019, Bộ NN&PTNT thống nhất với các địa phương báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ đối với 17 dự án, với diện tích rừng và đất lâm nghiệp 338ha và Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với 14 dự án.
Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành liên quan đã kịp thời đề xuất cơ chế chính sách trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Các địa phương cũng đã xác định điểm nóng phá rừng cần tập trung triển khai xử lý, kiểm tra giám sát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.
Theo Bộ NN&PTNT, bước đầu diện tích rừng khu vực Tây Nguyên đã tăng trở lại, chấm dứt tình trạng suy giảm diện tích rừng của khu vực trong suốt 45 năm qua (kể từ năm 1975).
Tuy nhiên, Tây Nguyên vẫn còn những điểm nóng về tình trạng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép. Diện tích rừng tự nhiên của khu vực Tây Nguyên vẫn tiếp tục bị suy giảm. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2018 của 3/5 tỉnh trong khu vực tiếp tục bị giảm so với năm 2017 (Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông).
Rừng tự nhiên ở xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) bị chuyển đổi mục đích sang sản xuất nông nghiệp. |
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ NN&PTNT thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở khu vực Tây Nguyên, đó là chính quyền một số địa phương chưa thực hiện hết trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Một số chủ rừng buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, không phát hiện ngăn chặn kịp thời, báo cáo diện tích rừng thiệt hại không trung thực, không nghiêm túc trồng lại diện tích rừng bị phá, lấn chiếm, tạo nên những hệ lụy xấu.
Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ cơ quan quản lý nhà nước, kiểm lâm địa bàn, nghiệp vụ yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, không kiểm tra phát hiện, tham mưu cho chính quyền xử lý kịp thời, thậm chí có biểu hiện làm ngơ, tiếp tay cho hành vi phá rừng...
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn còn tỏ ra nghi ngờ số liệu báo cáo về diện tích rừng bị phá của các cơ quan chức năng. “Tôi có tài liệu giải đoán nhanh, thì giữa số liệu chúng ta báo cáo, đánh giá rừng hàng năm, nhất là năm 2018 so với ảnh giải thám đã có sai khác, giảm khoảng 4.000ha mà chủ yếu là rừng tự nhiên.
Gần đây xảy ra tình hình xâm phạm nói chung, nhất là với rừng thông, hành vi khoan cây bơm hóa chất, hủy hoại tài nguyên rừng… nhưng có vẻ như chúng ta chưa quyết liệt trong đấu tranh, nhất là việc điều tra tìm ra các hành vi vi phạm. Nếu chúng ta không ngăn chặn hành vi này thì nó sẽ trở thành bệnh dịch rất là nguy hiểm!..”, ông Tuấn nói.
Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng, từng bước khôi phục, phát triển rừng hiệu quả, đưa diện tích rừng ở Tây Nguyên đạt 2,72 triệu ha và nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 49,2% theo mục tiêu mà Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển bền vững rừng vùng Tây Nguyên đã đặt ra, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, ngoài triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện hành, các đơn vị lâm nghiệp, địa phương các tỉnh cần tập trung toàn lực xử lý triệt để các vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp xảy ra trên địa bàn.