Sân bay bị ngập nghiêm trọng, nhiều tuyến đường sắt, bờ kè ven biển bị sạt lở

Chủ Nhật, 09/12/2018, 17:25
Do ảnh hưởng thời tiết nên một số chuyến bay đi, đến Đà Nẵng bị ảnh hưởng, trong đó một số chuyến phải hủy. Đường sắt có nơi ngập sâu trên 50cm trong sáng ngày 9-12. Hàng chục tấn đá gia cố bờ kè sạt lở trên tuyến đường sắt Bắc – Nam.  

Theo ghi nhận, mưa lớn liên tục từ đêm qua đến sáng nay khiến các tuyến đường quanh khu vực sân bay Đà Nẵng bị ngập nghiêm trọng, có nơi ngập sâu trên 50cm. Những con đường quanh sân bay quốc tế Đà Nẵng, nhà ga đường sắt Đà Nẵng, nút giao thông cầu vượt Ngã Ba Huế.... đều chìm trong biển nước, khiến giao thông qua khu vực gặp nhiều khó khăn. 

Nhiều tuyến đường khu vực vào sân bay Đà Nẵng bị ngập nghiêm trọng.


Một số điểm trong sân bay, nước ngập ứ cục bộ, hành khách phải lội nước từ cổng ga đến để đón xe, tuy nhiên do ngập tắc cục bộ nhiều tuyến đường nên việc bắt taxi hay grap đối với các hành khách từ nhà ga sân bay là một trở ngại lớn vì đều bị từ chối….

 Đến 14h chiều ngày 9-12, các chuyến bay đi và đến Đà Nẵng đã hoạt động bình thường. Trong một diễn biến tương tự, suốt từ 5h sáng đến trưa ngày 9-12, đường Hải Phòng, khu vực trước ga Đà Nẵng, cũng bị ngập nghiêm trọng. Có nơi mực nước cao trên 50cm nhưng cho đến gần trưa, nước đã rút bớt. 

Trận mưa lớn kéo dài từ tối 8-12, đến sáng 9-122 cũng đã làm nhiều tuyến đường, khu dân cư bị ngập nặng. Một số khu dân cư gần sân bay Đà Nẵng như dọc tuyến đường Hàm Nghi, Nguyễn Văn Linh, Phan Đăng Lưu, do mưa lớn nước không kịp thoát gây ngập sâu.

Đặc biệt, hầm chui tại nút giao thông Nguyễn Tri Phương và Điện Biên Phủ thành phố Đà Nẵng phải đóng cửa vì hầm ngập nước sâu, không thể qua lại. Các đơn vị chức năng đã dùng dải phân cách rời chắn ngang 2 đầu cửa hầm không cho các phương tiện đi qua hầm. Riêng lực lượng CSGT phải cắt cử lực lượng chốt trực,  điều tiết, hướng dẫn phương tiện  chuyển các hướng tuyến đường khác để để đảm bảo an toàn.

 Đến chiều ngày 9-12, hàng chục công nhân vẫn đang tập trung xếp đá vào rọ để gia cố 2 vị trị sạt lở tại Km 799+890 và Km 799+920 trên tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn Đà Nẵng. 

Hàng chục tấn đá gia cố bờ kè sạt lở trên tuyến đường sắt Bắc – Nam Đến chiều ngày 9-12, hàng chục công nhân vẫn đang tập trung xếp đá vào rọ để gia cố 2 vị trị sạt lở tại Km 799+890 và Km 799+920 trên tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn Đà Nẵng. Hàng chục tấn đá được các mũi công nhân khẩn trương cho vào rọ kè sát taluy âm của đường sắt. 

Ông Nguyễn Văn Tý, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng cho biết sạt lở xảy ra khoảng 8h sáng cùng ngày. Sau khi nhận thông tin, Công ty đã điều động 70 công nhân cùng máy móc đến hiện trường, thực hiện gia cố sạt lở.

 "Hiện chúng tôi tiến hành khắc phục tạm bằng rọ đá để thông tàu, các công nhân vẫn đang tiếp tục kè chắc hai vị trí sạt lở. Sau này mới dỡ ra để kè bằng bê tông cốt thép", ông Tý cho biết. 

Đại diện Chi nhánh vận tải đường sắt Đà Nẵng cho biết, ngành đường sắt đã dùng các tàu SE9, SE10, SE21, SE22 chạy đối lưu ở hai đầu sạt lở để vận chuyển hành khách, đảm bảo việc đi lại của hành khách không bị gián đoạn.

Chiều ngày 9-12, ghi nhận nhanh tại dọc tuyến ven biển quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà: “ Mưa lớn làm hệ thống thoát nước ven biển quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà bị quá tải.  Ngay từ rạng sáng 9-12, tại cửa xả Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn đã bị vỡ miệng cống, nước tràn ra bãi biển Đà Nẵng. Mưa lớn đêm qua và sáng nay xé toạc bờ kè cát phía bên dưới cửa xả này. Mặc dù đã mở hết các cửa van nhưng không xả kịp. Một số đoạn bờ biển tại khu vực này bị sạt lở nặng.

Ông Tô Hùng, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết: “Trước tiên, riêng khu vực bờ này, toàn bộ bờ cát đã cho gia cố lại, quan trọng nhất là công tác nạo vét xử lý rác thải  tràn ra biển phải làm ngay tại vị trí các cửa xả, phải trực 24/24 để kịp thời mở cửa xả tránh trường hợp nước tràn vào nhà dân”.

Chiều ngày 9-12, thông tin từ Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) quận Hải Châu (Đà Nẵng): Đơn vị vừa cứu hộ 4 cô gái bị mắc kẹt trong một ngôi nhà ngập nước do mưa lớn.

 Trước đó, khoảng 8h30’ sáng cùng ngày, Đội PCCC&CNCH nhận được thông tin cứu nạn từ ngôi nhà có địa chỉ 640/10 đường Trưng Nữ Vương (quận Hải Châu, Đà Nẵng). 

Theo thông tin, có 4 người đang mắc kẹt trong ngôi nhà bị chìm sâu trong nước. Nhận được thông tin, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH đã điều động một xe chuyên dụng và nhiều chiến sĩ xuống hiện trường.

Tại hiện trường, nước ngập sâu hơn 1m và chảy siết tại tuyến đường trước ngôi nhà 640/10. 5 chiến sĩ cảnh sát PCCC đã phải bơi vào để tiếp cận ngôi nhà. Lúc này, 4 phụ nữ trong ngôi nhà gồm chị Lữ Thị Quý Phương (18 tuổi, trú Đà Nẵng), chị Võ Thúy Vy (18 tuổi, trú Quảng Ngãi), chị Lê Thị Bích Liên (18 tuổi, trú TP Hà Nội) và chị Nguyễn Thị Cẩm Tú (19 tuổi, trú Quảng Nam) đang rất hoảng loạn vì ngoài đường nước chảy siết không thể ra ngoài, trong khi nước trong nhà ngày càng dâng cao… 

Sau khoảng 1 giờ đồng hồ, các chiến sĩ của Đội Cảnh sát PCCC&CNCH quận Hải Châu đã giải cứu được 4 người phụ nữ trên ra khỏi nhà và dùng phao đưa họ đến vị trí an toàn.

Chiều ngày 9-12, Ông Nguyễn Đình Vĩnh – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, để đảm bảo an toàn cho HS, ngành GD&ĐT Đà Nẵng đã chỉ đạo BGH trường THPT Nguyễn Hiền và Tiểu học Phan Đăng Lưu (quận Hải Châu) thông báo cho HS toàn trường nghỉ học vào ngày mai, 10-12 do trường bị ngập sâu trong nước đến 1,5 m. Riêng các trường khác, tùy tình hình thực tế, nếu cảm thấy không an toàn thì Hiệu trưởng có thể quyết định cho HS nghỉ học và báo lên Phòng và Sở GD&ĐT để nắm tình hình.

Ghi nhận nhanh, trên địa bàn Đà Nẵng đã có một số trường bị ngập nặng, trong đó: Trường THPT Nguyễn Hiền bị ngập khoảng 1,5 mét, toàn bộ bàn ghế và nhiều hồ sơ sổ sách bị ngâm trong nước.  Các phòng học ở tầng trệt của Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu cũng bị ngập nước đến nửa chân bàn. Một đoạn tường rào bên cạnh cổng trường đã bị đổ sập. 

Bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng GD&ĐT Hải Châu cho biết, nhà trường và UBND phường đã nhờ lực lượng dân quân tự vệ của phường hỗ trợ ràng dây để đảm bảo an toàn trước mắt. Trường THCS Tây Sơn nước cũng đã mấp mé bậc thềm ở tầng trệt. Nhà trường đã di chuyển hồ sơ sổ sách và cá đồ dùng, dụng cụ học tập của môn thể dục lên cao để tránh bị ngâm trong nước nếu mưa còn kéo dài. ..,


Hoài Thu
.
.
.