Rùng mình với món ăn “thần chết” được mua bán công khai

Thứ Tư, 14/09/2016, 17:35
Đã nhiều người thương vong do ăn thịt cá nóc, ngành chức năng nhiều lần bắt giữ, tiêu hủy, nhưng hoạt động đánh bắt, thu mua cá nóc của người dân ở huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) vẫn diễn ra công khai tại cảng cá Phổ Thạnh.

Cảng neo đậu tàu thuyền xã Phổ Thạnh được biết đến là nơi diễn ra mua bán, chế biến cá nóc rầm rộ từ trước đến nay. Cá nóc được xẻ thịt, lột da ngay tại cảng. Thịt và đầu da cá nóc đều được đưa đi tiêu thụ, bất chấp những nguy hiểm rình rập tới tính mạng người ăn.
 
Cá nóc được chế biến công khai ngay tại cảng cá Phổ Thạnh
Theo ghi nhận, trong buổi sáng có trên 7 tàu cá hành nghề giã cào cập cảng với hàng tấn cá nóc được đưa lên bờ cho các chủ nậu thu mua xẻ thịt. 

Ông Trần Văn Tuấn, người dân xã Phổ Thạnh cho biết: “Ở cảng này mỗi khi tàu giã cào cập thì loại cá nóc được nhiều người giành nhau mua nhất. Nghe đâu cá này đầu nậu mua chế biến rồi còn đưa đi xuất khẩu”. 

Cũng theo ông Tuấn chia sẻ, việc ngành chức năng cấm, nhưng việc mua bán nơi đây vẫn diễn ra bình thường. Tàu cá vẫn bắt cá nóc về bán cho các điểm thu mua.

Được biết, đã nhiều lần Quản lý thị trường Đức Phổ và Công an huyện Đức Phổ bắt hàng tấn tấn cá nóc tại cảng neo đậu tàu thuyền. Tuy nhiên sau khi tổ chức chôn để tiêu huỷ, ngay trong đêm nhiều người dân lén lút khai quật hố chôn lấy toàn bộ số cá trên đem tiêu thụ.

Hàng tấn cá nóc được người dân thu gom, đóng gói chờ tiêu thụ

Thời gian qua trên địa bàn Quảng Ngãi xảy ra nhiều vụ ngộ độc ăn cá nóc bị chết. Trong cá nóc có độc tố tác động vào hệ thần kinh gây tê liệt nhanh chóng ở người bị nhiễm. Những người ăn cá nóc có thể chết trong vòng từ 2 giờ đến 8 giờ sau đó.

Mới đây đầu tháng 8-2016, tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), 5 người ăn cá nóc bị ngộ độc cấp cứu tại Trung tâm y tế Quân dân huyện Lý Sơn và Bệnh viện đa khoa tỉnh cứu chữa.
Bác sĩ Lê Nguyễn Thanh Hằng, Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi: “Khi ăn cá nóc, độc tố  etrodotoxins của cá sẽ gây ra liệt cơ hô hấp, gây chậm nhịp tim. Điều trị hiện tại chưa có thuốc giải độc, chỉ điều trị triệu chứng. Độc tố này là hợp chất có tính bền nhiệt, không bị phân hủy trong quá trình nấu chín, đặc biệt là chưa có thuốc giải đặc hiệu cho các trường hợp bị ngộ độc cá nóc”.

Trà Câu
.
.
.