Rung chuông ở các cơ sở tôn giáo đêm giao thừa: nên tham khảo ý kiến

Thứ Bảy, 07/01/2017, 18:58
Thay vì bắn pháo hoa, giao thừa năm nay, Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội đã có văn bản đề nghị các nhà thờ, đình, đền, chùa rung chuông vào lúc giao thừa, vì “sự cộng hưởng của tiếng chuông sẽ báo thời điểm chuyển giao đến rộng khắp mọi người”. Ý tưởng này ngay sau khi được đưa ra đã thu hút sự quan tâm của dư luận.


Việc không bắn pháo hoa mà dành số tiền hơn 10 tỷ đồng dự tính phục vụ kế hoạch bắn pháo hoa để ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt, được nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên, việc rung chuông tại các cơ sở tôn giáo - tín ngưỡng vào lúc giao thừa cũng có những ý kiến trái chiều.

Theo GS. Trần Lâm Biền, tiếng chuông là tiếng gọi xuân khai, gọi mở đất trời để thông linh. Ở đền chùa và nhà thờ Thiên chúa giáo đều có thông lệ đánh một hồi chuông đêm giao thừa. Việc rung chuông ở đâu cũng đều có điểm chung cầu mong cho mọi người có một năm mới tốt lành.

Ông Vũ Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ cũng cho biết: Tiếng chuông trong nhà chùa thường được ngân lên vào những thời điểm trang trọng, thể hiện sự hưởng ứng với những điều tốt lành. Vì thế, các chùa chiền vốn vẫn rung chuông vào lúc giao thừa-thời khắc thiêng liêng của đất nước.

Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng rung chuông là những lễ nghi tôn giáo, chứ không phải dành cho mục đích phong trào. Theo TS. Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, thành viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, thì việc “thỉnh chuông, trống, mõ, thanh la... được gắn với nghi lễ tôn giáo, không thể dùng tùy tiện, bạ đâu đánh đó. Việc cơ quan chủ trì văn hóa Hà Nội vận động đánh chuông tiết giao thừa không dựa trên bất cứ cứ liệu nào, lại không đúng về tâm linh. Vì thế sẽ bất thành”.

Còn nhà văn Nguyễn Xuân Hưng, Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam, một cây bút chuyên sâu về văn học sử, cho biết: Chuông cũng là chuông mà không chuông nào giống chuông nào. Nay Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội đề nghị đêm giao thừa chùa chiền, nhà thờ và nhà dân rung chuông, có vẻ như chưa hiểu sâu về vấn đề này. Vì sao? Thường cuộc sống người dân Việt Nam hay tiếp xúc với chuông chùa và chuông nhà thờ. Nếu là người theo Công giáo thì từ bé đã nghe chuông nhà thờ, nếu không phải công giáo thì nghe tiếng chuông chùa. Cũng là chuông, mà chuông nhà thờ không hề giống chuông chùa.

Nhà thờ cũng có các cỡ chuông khác nhau, nhưng nhiều người biết nhất là loại chuông tương tự Đại chung ở chùa, treo trên gác chuông cao vút. Chuông nhà thờ khác với chuông chùa là có nhiều cung bậc, dùng với các loại lễ khác nhau. Người xóm đạo nghe tiếng chuông biết lễ gì, biết đó là lễ rửa tội cho bé mới sinh (thậm chí phân biệt bé gái hay trai), lễ rửa tội cho hôn phối, hay rửa tội cho người chết, hoặc là buổi hành lễ... Âm vang tiếng chuông, nhịp chuông, cường độ chuông cho biết các loại nghi lễ khác nhau, thậm chí báo có linh mục, giáo hoàng mới. Chuông chùa cũng có chức năng báo giờ cho một khu vực dân cư. 

Nhà văn Nguyễn Xuân Hưng nhấn mạnh: Về ý nghĩa, tiếng chuông đều truyền thông điệp của giáo chủ. Chuông chùa truyền thông điệp của Phật, cứu rỗi đời bể khổ. Chuông chùa vang đến địa ngục, chúng sinh bị đày đọa ở âm ty được siêu thoát, làm quỷ đói nhẹ lòng tham mà từ bỏ kiếp quỷ. Nghe tiếng chuông chùa có thể vơi nỗi sầu nội tâm, tìm thấy thanh tĩnh tâm hồn. 

Nhà nghiên cứu văn hóa, GS.TS. Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam thì nêu quan điểm: Rung chuông vào lúc giao thừa cũng không sao. Vấn đề là phải qui định số tiếng chuông vì xưa nay, rung bao nhiêu tiếng chuông ở các cơ sở tôn giáo là đều được qui định về ý nghĩa. Giống như qui định trong đánh trống, khi khai trận thì đánh ba hồi chín tiếng; báo động vỡ đê, có giặc, có cướp hoặc hỏa hoạn vv… thì đánh năm hồi dồn dập…

Còn việc rung chuông ở nhà thờ, ông Dương Ngọc Tấn, Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ cho rằng: “Tiếng chuông ở nhà thờ được vang trong các hoạt động lớn, báo hiệu các lễ trọng của bà con Công giáo. Các nhà thờ Công giáo thường rung chuông vào các sự kiện theo lịch dương. Vì thế, việc rung chuông vào thời điểm giao thừa hay không, cần phải tham khảo ý kiến của các nhà thờ trước khi quyết định vận động. Tuy  nhiên, giao thừa đón năm mới là thời khắc quan trọng của cả dân tộc, nên theo tôi, dù bà con Công giáo hay Phật giáo cũng đều trân trọng”.

Thanh Hằng
.
.
.