Rùa biển vào bãi làm tổ nhưng phải “nín đẻ” vì nhiều người đến xem

Thứ Tư, 26/10/2016, 17:32
Nghe tin rùa biển vào bãi làm tổ để đẻ trứng trái mùa rất nhiều người dân địa phương đã đến bãi Mũi Cồn để xem nên “mẹ rùa” không đẻ mà chỉ nằm im trong tổ cát đã bới, đến 23h đêm “mẹ rùa” này tự bò về phía biển.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND ngày 26-10, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn (Bình Định) xác nhận nguồn tin một con rùa biển dài 1,1m, rộng 0,7m, nặng khoảng 80kg đã bò lên bãi Mũi Cồn, thôn Hải Đông, xã Nhơn Hải trong đêm 25-10 để đẻ trứng trái mùa.

Nghe tin, rất nhiều người dân địa phương đã đến hiện trường để xem nên “mẹ rùa” không đẻ mà chỉ nằm im trong tổ cát đã bới, đến 23h đêm “mẹ rùa” này tự bò về phía biển.

Sau gần hai giờ bới ổ cát ở Mũi Cồn nhưng “mẹ rùa” không đẻ trừng chỉ vì nhiều người đến xem.

Theo ông Nguyễn Tôn Xuân Sáng - thành viên trong tổ quản lý bảo vệ vùng biển ven bờ xã Nhơn Hải, thời tiết vùng biển này có sóng lớn, nên “mẹ rùa” phải bò một đoạn dài gần 200m để chọn nơi sóng nhẹ, bới tổ cát để đẻ.

Kinh nghiệm của ngư dân địa phương cho biết, rùa biển thường đẻ trứng từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch hằng năm, nên chuyện “mẹ rùa” lên bãi biển Mũi Cồn tìm nơi đẻ trứng trong đêm 25-10 được coi là trái mùa sinh sản.

Trước đó vào ngày 17-7, một còn rùa biển nặng khoảng 70 kg cũng “nín đẻ” để bò trở ra phía biển sau gần 1 giờ nằm trong ổ cát ở Mũi Cồn chỉ vì nhiều người dân đến xem.

Người dân địa phương thường gọi “mẹ rùa” nêu trên là con đú, có tên khoa học là Chelonia mydas, thuộc họ Vích Chelonidae trong bộ rùa biển Testudines. Theo Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), rùa biển phân bố các đại dương, có vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái biển và ven bờ. 

Trong số 7 loại rùa biển đều là loài cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ của Liên minh bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và trong Công ước Quốc tế của Công ước Quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

Hữu Toàn
.
.
.