Dự thảo phương án điều chỉnh giờ làm việc bắt đầu từ 8h30: Rất khó thực thi!

Thứ Năm, 09/05/2019, 07:57
Dự thảo điều chỉnh thời gian làm việc của cơ quan Nhà nước mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa đưa ra thu hút sự quan tâm nhưng cũng có không ít ý kiến trái chiều từ đông đảo người dân và cả cán bộ, công chức.


Các ý kiến mà PV Báo CAND ghi nhận được cho thấy, băn khoăn lớn nhất từ nhiều người chính là lo cuộc sống bị xáo trộn nếu giờ làm việc được điều chỉnh bắt đầu từ 8h30'...

Anh Huỳnh Ngọc Thanh (ở phường 6, quận Tân Bình), cho rằng cần phải nghiên cứu cho đồng bộ giờ giấc với học sinh, vì hầu hết mọi người đi làm đều phải đưa đón con đi học. “Con vào trường lúc 7h kém 15 mà giờ làm việc lúc 8h30 thì đồng nghĩa với việc, gần 2 giờ đồng hồ còn lại chẳng biết làm gì. Nếu đến công sở sớm để ngồi chờ cũng chỉ gây lãng phí thời gian, điện nước…”, anh Thanh nói.

Chị Thanh Hằng (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú) cho rằng, nên đổi giờ học của các cháu trước. “Con tôi học tiểu học từ 6h45 nhưng thực tế cha mẹ phải dậy chuẩn bị và đánh thức các cháu dậy ăn sáng, chuẩn bị đồ đạc rồi đi sớm rất cực khổ. Nhưng sau đó cha mẹ lại quay về chứ không đi làm ngay được vì quá sớm, trong khi trước đó phải cập rập dậy sớm”.

Anh Nguyễn Văn Nam, nhân viên một cơ quan Nhà nước ở quận 3 bức xúc nói: “Trường con tôi không có bán trú nên trưa phải đón con về, thời gian nghỉ trưa theo dự thảo có 60 phút thì mình không kịp ăn vì cơ quan không có nhà bếp, nếu không có quán ăn ở gần nơi làm việc nữa thì sao. Nên giữ nguyên như hiện nay đi, thay đổi giờ làm rồi tất cả đảo lộn hết".

Các ý kiến cho thấy, giờ làm việc thay đổi theo dự thảo sẽ khó áp dụng cho ngành Giáo dục.

Anh Trần Thanh Quang (ở phường 9, quận Phú Nhuận) cho rằng, Việt Nam là một đất nước trải dài, có điều kiện khí hậu rất khác nhau. Do vậy,  quy định giờ làm việc nên căn cứ vào điều kiện đặc thù của từng vùng miền, từng địa phương. Cái chính là chất lượng công việc của một ngày làm và đủ 8 giờ lao động.   

“Giờ học của học sinh, giờ làm việc của phụ huynh phải đồng bộ” – đó là ý kiến của nhiều thầy cô giáo tại TP Hồ Chí Minh khi được hỏi về nội dung dự thảo thay đổi giờ làm mà chúng tôi trên thu nhận được. Một giáo viên Trường THPT Thủ Thiêm, quận 2, cho rằng nếu bắt đầu giờ dạy từ 8h30 thì giờ nghỉ trưa, giờ học chiều, nghỉ ra chơi,... tất cả sẽ phải kéo dài thêm 1,5 giờ nữa.

Cho tới nay toàn bộ các trường phổ thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đều đang cố gắng duy trì học 2 buổi/ngày để giúp phụ huynh đỡ phải đưa đón con, kết thúc giờ làm một ngày mới tới đón con về một thể là vào khoảng 16h30 tới 17h. Nên nếu thay đổi sẽ dẫn tới việc kéo dài thêm giờ, thì toàn bộ sự thay đổi này mang tính chất hệ thống, và ảnh hưởng "dây chuyền" trong khối giáo dục.

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, tuỳ theo từng trường, từng cấp học, hiện học sinh khu vực TP Hồ Chí Minh bắt đầu vào học từ 7h, chiều là 13h hoặc 13h15. Khối học sinh mầm non và tiểu học sẽ có thời gian nghỉ trưa dài hơn: 11h trưa nghỉ (nếu 4 tiết); 11h45 (nếu học 5 tiết). Thời gian học, ăn trưa, nghỉ trưa phải gói gọn từ 11h15 tới 15h là ra chơi. Chiều nếu học sinh học 4 tiết thì tới 16h45 sẽ kết thúc.

Do vậy, nếu thời gian vào làm việc của tất cả các trường học bắt đầu vào 8h30 sẽ có tác động rất lớn tới cả một ngày hoạt động của trường. Do vậy, "rất khó áp dụng với khối giáo dục", giáo viên này khẳng định.

Một giáo viên tiểu học tại quận Gò Vấp cho biết, trong khối tiểu học, nếu cha mẹ có về trường đón con trễ là 17h thì các cô giáo vẫn đợi được để trao con cho cha mẹ. Còn nếu thay đổi tới 17h30, không biết các cô có đủ sức khoẻ không vì cả ngày làm việc kéo dài khá mệt rồi.

Vẫn theo lời giáo viên này, nếu hiện tại 7h vào học, thì 6h30 cha mẹ có thể đưa con đi học sau đó đến nơi làm luôn. Còn nếu kéo dài tới 8h30 thì các bậc cha mẹ cũng phải theo đó mà “bắt nhịp”. “Cái chính là giờ vào học của con, giờ vào cơ quan của cha mẹ, rồi giờ về của cả hai bên cũng phải cùng giờ, lệch hơn nhau chừng 30 phút thì có thể thu xếp được. Còn kéo dài hơn 1,5 giờ so với hiện nay (từ 7h tới 8h30) thì không thuận tiện cho cha mẹ và cả nhà trường.

 Nếu vào học 8h30, trẻ có thể sẽ được ngủ thêm vào buổi sáng, nhưng giờ nghỉ trưa bình thường là 10h40 nay phải "lùi" lại thành 11h40. Theo đó, giờ ăn cơm, ngủ trưa đều phải thay đổi hơn trước cả tiếng đồng hồ. Chỉ riêng chuyện trễ giờ ăn hơn so với trước cả giờ sẽ kéo theo rất nhiều việc thay đổi. Từ việc bếp núc của nhà trường, tổ chức, sắp xếp cho trẻ ăn, thậm chí dạ dày của trẻ phải thích nghi với việc thay đổi này.

12h30, trẻ bắt đầu ngủ trưa; 13h30 dậy; 13h40 vào học tới 15h nghỉ 30 phút. Vào học lại chừng 30 phút là thầy cô dặn dò và trẻ được nghỉ, đợi cha mẹ tới rước. Giáo viên này cho rằng, giờ bắt đầu làm việc của một ngày với trường học nên giữ như cũ. Trẻ và phụ huynh, thầy cô đã quen rồi. “Không nên thay đổi gây đảo lộn”, giáo viên này phân tích.

Thực tế tại một số trường cho thấy, do một số phụ huynh phải đi làm ca rất sớm nên buộc lòng phải đưa con tới ngồi ở cổng trường từ 5h30 sáng. Trẻ phải ngồi như vậy đợi tới 7h nhân viên bảo vệ trường mới mở cổng cho vào lớp ngồi. Tình trạng này khiến lãnh đạo nhà trường đã phải yêu cầu các bậc cha mẹ không vì việc thuận lợi trong giờ đi làm mà bỏ qua sức khoẻ của các em do phải theo cha mẹ dậy đi học quá sớm. “Vì vậy, việc thay đổi giờ làm cần phải nghiên cứu, xem xét để cuộc sống của các gia đình cũng như nhà trường không bị xáo trộn”, một giáo viên đề nghị

Theo Dự thảo do Bộ LĐ-TB&XH đưa ra để lấy ý kiến người dân, có 2 phương án về thời gian làm việc của công chức, viên chức.

 Phương án 1: Bổ sung vào Bộ luật Lao động quy định: "Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước"; thời gian làm việc dự kiến từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút. 

Phương án 2: Giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không được quy định trong Bộ luật Lao động, mà quy định tại các văn bản hành chính (đối với các bộ do Thủ tướng quyết định, đối với UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố do chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định).

Theo một chuyên gia, Việt Nam tuy thống nhất múi giờ, nhưng khí hậu vùng miền khác nhau. Việc nghỉ trưa trong 60 phút không hợp lý. 60 phút không đủ thời gian để người dân ăn uống, nghỉ ngơi, sau đó làm việc sẽ không hiệu quả. 

Việc đề xuất thống nhất giờ làm việc từ Trung ương tới địa phương cũng đã từng được đề cập nhưng nhiều địa phương không đồng thuận, vì không phù hợp. Bộ LĐ-TB&XH không nên quy định cụ thể mà chỉ cần quy định chung đảm bảo số giờ làm việc theo Bộ luật Lao động như hiện hành, thời gian làm việc là 8 giờ/ngày và 5 ngày/tuần. 

Còn việc bắt đầu và kết thúc ngày làm việc vào lúc nào nên giao từng địa phương quyết định, căn cứ vào đặc điểm thời tiết, khí hậu, đặc trưng ngành nghề, phong tục, tập quán của từng vùng miền.

N.Sơn-H.Nga
.
.
.