Ngược ngàn tận diệt nấm lim xanh
- Cần có một nghiên cứu khoa học về nấm lim xanh/ Giải mã bí ẩn nấm lim xanh chữa bệnh ung thư/ Vụ "nấm lim xanh": Ngành chức năng cần sớm vào cuộc
Anh Hồ Viết Hoàn (38 tuổi), một trong số người chuyên săn nấm lim xanh ở thôn 3, xã Thượng Nhật, kể lại rằng, cuối năm 2014, trong một lần vào rừng bẫy chim, anh tình cờ hái được mấy tai nấm lim xanh mọc trên thân gỗ lim đã bị chặt bỏ nên đưa về nhà. “Khi biết tui hái được nấm lim xanh, một số tay buôn ở TP Huế đã tìm đến ra giá 3 triệu đồng cho 5 tai nấm lớn gấp đôi bàn tay người. Vì đang cần tiền chữa bệnh cho con nên tui chấp nhận bán...”.
Theo anh Hoàn, ngay sau khi thông tin anh trúng tiền triệu nhờ hái nấm lim xanh nên nhiều người trong thôn bản đã bỏ dở nghề làm rừng, bóc te (bóc vỏ cây tràm) để lặn lội vào rừng tìm nấm lim xanh, mong có thêm thu nhập, nếu trúng đậm sẽ... “đổi đời”. Cũng như nhiều tay thợ săn nấm lim xanh khác, khi biết địa phương có người trúng nấm lim xanh quý hiếm, ông Hồ Văn Nục (55 tuổi, cùng trú thôn 3, Thượng Nhật) cũng đã đùm bới gạo cơm, tay vác theo cây rựa để băng rừng, lội suối, bất chấp những hiểm nguy ở chốn “rừng thiêng nước độc” để tìm nấm lim xanh…
Ông Hồ Văn Nục với một tai nấm lim xanh “tiền triệu” được hái từ rừng sâu. |
May mắn khi chúng tôi tìm đến nhà ông Nục đúng lúc ông vừa trở về sau gần nửa tháng vượt rừng tìm hái loại nấm quý này. Nghe có người hỏi về nấm lim xanh, ông Nục ngần ngại một lát rồi vào nhà lấy cho chúng tôi xem 2 tai nấm lim to bằng chiếc quạt mo. Ông bảo: “Đây là thành quả của những chuyến “nằm bờ, ngủ bụi” trong rừng đấy chú à”.
Nói rồi ông Nục kể: “Cứ mỗi lần xuất hiện mưa dông thì tui liền dặn vợ đùm bới cơm gạo, mùng mền để đi rừng tìm nấm lim xanh. Thế nhưng việc tìm nấm không hề đơn giản; bởi cây nấm lim xanh thường mọc trên thân gỗ lim mục ruỗng. Mà gỗ lim hiện trong rừng cũng khan hiếm chứ không nhiều như trước do bị “lâm tặc” đốn hạ gần hết. Nếu may mắn lắm chỉ tìm thấy 2-3 tai nấm trên một gốc gỗ lim…”.
Trên địa bàn huyện miền núi A Lưới cũng có nhiều người vào rừng săn tìm nấm lim xanh. Trong đó, khu vực xã Hồng Trung, Hồng Vân, xã Nhâm... với những cánh rừng sát biên giới Việt - Lào thường được cánh “săn” nấm lim xanh tìm đến lùng sục.
Suốt gần 3 năm làm nghề “săn” tìm nấm lim xanh, ông Hồ Thanh Mới (người dân tộc Cơ Tu, ở xã Nhâm) cũng đã có những cú “ăn đậm” khi nấm lim bán được giá, thu lợi từ 10 đến 15 triệu đồng với mỗi chuyến đi rừng. Tuy nhiên, theo ông Mới, người đi tìm nấm lim xanh cũng thường xuyên phải đối mặt với nhiều rủi ro như bị sốt rét, rắn độc cắn... và nếu không chữa trị kịp thời chắc chắn sẽ mất mạng.
Trước tình trạng nấm lim xanh được săn lùng ráo riết, hiện các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát đi thông báo khuyến cáo người dân không nên tận diệt nấm lim xanh trong tự nhiên. Qua đó khuyến khích các xã miền núi tăng cường công tác hướng dẫn, tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ người dân mở các điểm trồng nấm lim xanh để có nguồn nguyên liệu phục vụ y học, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Theo PGS.TS Trần Thị Thu Hà, Phó trưởng Khoa Nông học, Trường Đại học Nông lâm Huế: Nấm lim xanh có tên khoa học là Garnodema Lucidum, thuộc dòng nấm linh chi, có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe con người. “Đặc biệt loại nấm này có tác dụng hỗ trợ điều trị, ngăn ngừa ung thư, xơ gan, gan nhiễm mỡ, bệnh gout, tiểu đường, chống viêm nhiễm, giảm lão hóa và phục hồi thể lực sau tai biến...”, bà Hà nhận định. |