Nở rộ các khóa học hè: Quảng cáo như hàng hóa

Thứ Hai, 25/05/2015, 08:13
Mới chớm hè, khi các cô cậu học sinh chưa bước vào kỳ nghỉ dài của năm thì nhiều bậc phụ huynh ở Hà Nội đã chạy đôn chạy đáo tìm lớp học hè cho con. Học ngoại ngữ, thể thao, âm nhạc, kỹ năng sống… có cả một “ma trận” lớp học để cha mẹ các em lựa chọn cho con. Những lời quảng cáo “bốc giời” của các trung tâm, những kỳ vọng của phụ huynh khi nộp tiền cho con vào học đang thực sự là vấn đề đáng lưu tâm.

Ươm mầm tài năng trong… 4 buổi học

Sắp kết thúc năm học lớp mẫu giáo lớn, con trai chị Nguyễn Thị Hải ở một trường mầm non thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội cầm về nhà một tờ giấy giới thiệu về khóa học “Hành trang vào lớp 1”. Đó là chương trình liên kết giữa nhà trường với một công ty cung cấp dịch vụ giáo dục ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Khóa học “Hành trang vào lớp 1” đặt ra mục tiêu rất “lớn lao”: “Trẻ có nhận thức tích cực về trường học. Trẻ được hệ thống hóa lại những kiến thức cốt lõi, đóng vai trò tiền đề đã được học ở trường mầm non. Trẻ được rèn những kỹ năng cơ bản như kỹ năng học tập, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, khả năng tư duy, ghi nhớ, khéo léo của đôi bàn tay, kỹ năng kiểm soát cảm xúc, khả năng tập trung chú ý…”.

Mục tiêu đặt ra đầy tham vọng như thế, nhưng khóa học này chỉ có vỏn vẹn 4 buổi học với mức học phí 50.000 đồng/buổi. Nhiều vị phụ huynh không khỏi e ngại về kết quả sẽ thu được sau 4 buổi học. Thế nên, dù muốn tạo điều kiện tốt cho con nhưng chị Hải cũng giống nhiều phụ huynh khác vẫn phân vân về khóa học này.

Có thể coi các lớp học như trên là một dạng dịch vụ giáo dục đang mở ồ ạt ở khắp nơi với nhiều loại hình khác nhau. Học viện Ngôn ngữ CleverKids tự giới thiệu là một tổ chức giáo dục hiện đại, “chuyên tâm truyền tải hai nền tảng căn bản vô cùng cần thiết cho mỗi học sinh” là: Phát triển tư duy ngôn ngữ và khả năng sử dụng ngôn ngữ; phương pháp học tập hiện đại - tự học, tự giáo dục, tự trải nghiệm.

Một mô hình khác là dạy cho trẻ có tư duy toán học cũng đang thu hút các bậc phụ huynh, nhất là phụ huynh có con bắt đầu đi học. Trung bình mỗi khóa học có chi phí lên tới vài triệu đồng.

Trẻ em cần được chơi và học phù hợp khả năng. Ảnh minh họa: Nguyễn Huệ.

Không chỉ quảng cáo rầm rộ trên mạng, tờ rơi do Công ty CP TV&PT giáo dục toàn cầu SR tổ chức đã đến tận tay học sinh nhiều trường ở Hà Nội và một số tỉnh, thành. Theo giới thiệu của công ty này thì chương trình “Đọc hiểu nhanh” theo bản quyền của Hoa Kỳ đang được áp dựng ở nhiều nước trên thế giới.

Khóa học hướng tới 2 mục tiêu lớn như: tăng tốc độ đọc hiểu lên từ 2-10 lần và nâng cao khả năng ghi nhớ, nhớ lại. Học sinh học trong 5 buổi, mỗi buổi học 3 tiếng với học phí là 500.000đ/khóa + tài liệu học 150.000đ (giá học phí đã giảm một nửa do ưu đãi với học sinh của các trường mà công ty này tham gia). Tuy nhiên, theo phản ánh của một số học sinh đã học xong khóa học này thì nó khá khó hiểu và hiệu quả không được như quảng cáo. 

Hè này, chương trình “7 ngày vui sống” tiếp tục quảng cáo vào nhiều trường học ở Hà Nội với mức phí 4,5 triệu đồng. 7 ngày vui sống được hiểu như một cuộc trải nghiệm 7 ngày của các học sinh khi sống xa gia đình, và cũng na ná như “Học kỳ quân đội” đã tổ chức nhiều năm nay.

Các chương trình “nhái” học kỳ quân đội xuất hiện ngày càng nhiều, thậm chí có nơi không được phép tổ chức chương trình này nhưng vẫn quảng cáo chiêu sinh và tổ chức chương trình. Mục tiêu, nội dung và chất lượng đã bị bớt xén, hoặc không đúng với những gì quảng cáo, gây thất vọng, ngao ngán với những học sinh và phụ huynh khi tham gia.

Các dịch vụ giáo dục chưa được kiểm soát

Thoạt nghe, ai cũng thấy hấp dẫn vì những lời quảng cáo đã chạm đúng vào sự kỳ vọng của cha mẹ khi mong muốn có một khóa học nào đó khơi dậy tiềm năng đang ẩn chứa bên trong những đứa con thân yêu. Đặc biệt, xã hội hiện đại đề cao kỹ năng sống của trẻ, sự thích ứng của trẻ trước biến động xã hội nên các khóa học về kỹ năng sống cũng mọc lên như nấm sau mưa.

Khóa học cho bộ môn này không hề rẻ, trung bình từ 100.000- 150.000đ/buổi học. Thế nhưng nhiều nơi quảng cáo quá đà, rằng sau một khóa học có thể biến một đứa trẻ nhút nhát, tự ti trở nên năng động và có thể tự giải quyết mọi vấn đề…

Với tham vọng giúp con tự tin, năng động trước khi vào lớp 1, chị Phạm Thanh Trà ở phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ đã cho con gái tham gia Câu lạc bộ kỹ năng sống Sanllay ở ngõ 460 Thụy Khuê, Hà Nội.

Nghe quảng cáo thì rất hấp dẫn, nhưng chị đã bị thất vọng ngay từ ngày đầu đưa con đến lớp. Cơ sở vật chất quá chật chội và nghèo nàn. Phòng học nằm ở tầng 2 chỉ độ hơn chục mét vuông, có vài cái ghế giống như ở trường mầm non, trên tường treo vài bức tranh. Nếu các cháu chỉ ngồi yên và sát vào nhau thì đủ chỗ, nhưng học kỹ năng sống đâu chỉ ngồi thụ động mà còn phải tham gia các hoạt động.

Trẻ em cần được chơi và học phù hợp khả năng.

Và, bất ngờ hơn nữa, các giáo viên dạy kỹ năng ở đây đều là giáo viên mầm non đang dạy tại trường con chị mở lớp này. Chương trình học thế nào, giáo viên có được đào tạo qua trường lớp về kỹ năng sống hay không…phụ huynh không biết. 

Đánh giá về các dịch vụ giáo dục phát triển rầm rộ như hiện nay, Nhà giáo ưu tú, Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng: “Nhiều người học cách làm của nước ngoài về thành lập trung tâm, lập công ty thương mại đưa cách giáo dục của nước ngoài chuyển sang cho học trò, giúp học trò có kỹ năng sống là rất tốt. Trước đây chúng ta ít chú ý đến vấn đề này. Nay cuộc sống biến động nhanh, nhu cầu phát triển xã hội khác trước nhưng các nhà trường chưa phát triển đáp ứng. Bởi vậy các chương trình đào tạo kỹ năng sống cũng có khía cạnh tích cực, dạy trẻ kỹ năng sống, cho trẻ biết thế nào là yêu thương, là bao dung… Tuy nhiên, sự phát triển của các dịch vụ giáo dục này cũng có nhiều hạn chế.

Các chương trình đó không ai quản lý nên mỗi người tiếp thu và truyền đạt một kiểu. Đội ngũ dạy học chủ yếu do truyền khẩu, huấn luyện không qua bằng cấp nên không đảm bảo chất lượng. Dù các cơ sở này có đăng ký kinh doanh nhưng không chịu sự quản lý của ngành Giáo dục. Bố mẹ chỉ nghe quảng cáo khóa học như quảng cáo hàng hóa là sẵn sàng đầu tư tiền bạc cho con học mà không biết chất lượng có như quảng cáo không.

Các phụ huynh cũng cần biết, không phải đứa trẻ nào cũng có khả năng tiếp thu tất cả những gì được học, bố mẹ phải nắm bắt được khả năng của con để đầu tư, cho con học đúng khả năng thì mới đạt hiệu quả”.

Do sân chơi cho trẻ ít nên việc bung ra các khóa học kiểu như trên, đặc biệt trong dịp hè là tất yếu. Nhà nước cần phải đặt ra vấn đề kiểm soát. Không thể trông chờ vào một khóa học để biến đứa trẻ thành một người như mình mong muốn được. Mà nếu muốn có kỹ năng như vậy thì phải là cả một quá trình, trong đó học tập ở nhà trường, vai trò của cha mẹ, gia đình là hết sức quan trọng…

Việt Hà - Minh Anh
.
.
.