Quảng Ninh: Nhiều lỗ hổng trong công tác an toàn lao động ngành than

Thứ Hai, 03/10/2016, 10:34
Từ đầu năm 2016 đến nay, các đơn vị ngành than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh xảy ra 16 vụ tai nạn lao động (TNLĐ). Hoạt động khai thác than trong hầm lò luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Bên cạnh đó còn nguồn tài nguyên nằm sâu hơn trong địa tầng, cấu trúc địa chất phức tạp..., do nguyên nhân chủ quan từ phía người lao động chưa chấp hành nghiêm nội quy kỷ luật lao động; vi phạm quy định, quy trình sử dụng vận hành thiết bị khi làm việc, tổ chức sản xuất chưa hợp lý, chưa thực hiện tự chủ an toàn khi đi lại, làm việc trong hầm lò.

Tiềm ẩn tai nạn lao động

Ngày 8-5, tại Công ty Than Cao Sơn, trong khi đang thực hiện bóc đất cắt tầng, một khối lượng đất đá lao xuống khiến 2 công nhân lái máy xúc thiệt mạng trong cabin. Đơn vị sai phạm quy chuẩn quốc gia về an toàn trong khai thác lộ thiên khi đoàn kiểm tra phát hiện ra những sai sót trong thiết kế kỹ thuật và thi công.

Đến nay, cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố vụ việc và xem xét mức độ vi phạm và trách nhiệm từng cá nhân trong ban lãnh đạo công ty. Tiếp đó, ngày 5-8, tại Công ty Than Hạ Long, do tuột móc nối giữa 2 tích chở ray làm vật liệu và tích trôi xuống dưới gây tai nạn chết 2 người, bị thương 2 người.

Do tuột móc cáp khiến chiếc xe goòng chở vật tư đang di chuyển lên phía trên lao xuống đường lò gây tai nạn. Về nguyên tắc, khi tời xe goòng lên, công nhân không được phép đi vào đường lò đó. Như vậy, bộ phận giám sát không cấm người ra vào.

Cấp cứu công nhân bị tai nạn trong hầm lò.

Gần đây nhất, hồi 14h30 ngày 29-9, trong quá trình nổ mìn khai thác tại công trường Khai thác 3, Công ty Than Khe Chàm (phường Mông Dương, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) xảy ra vụ tai nạn khiến 14 người bị thương.

Điều làm lãnh đạo ngành than trăn trở là những vụ TNLĐ do nổ mìn sót lẫn trong đất đá xảy ra ở một số đơn vị hầm lò. Ngành than giao cho Trung tâm An toàn mỏ (Viện Khoa học công nghệ mỏ) nghiên cứu giới hạn chênh lệch điện trở của kíp điện trong một mạng nổ để tránh trường hợp mìn câm, mìn sót sau khi nổ.

Đồng thời, đặt vấn đề với quân đội nghiên cứu máy dò mìn trong hầm lò nhưng hiện thời vẫn chưa thực hiện được. Những TNLĐ ở Công ty Than Mông Dương, Công ty Than Hạ Long, Công ty Than Quang Hanh khiến Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và các đơn vị thành viên phải nghiêm túc nhìn lại công tác quản lý và nâng cao ý thức của người lao động trong việc tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh lao động.

Siết chặt quản lý, đảm bảo an toàn lao động

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh, các vụ TNLĐ trong ngành than thường có nhiều nguyên nhân. Trong đó, chủ yếu là nguyên nhân do lỗi của người sử dụng lao động và người lao động; tập trung vào một số nhóm nguyên nhân chính như sau: Do trình độ, kinh nghiệm, tác phong công nghiệp của công nhân còn hạn chế, thiếu thận trọng trong thao tác; chủ quan, vi phạm quy trình, quy định kỹ thuật an toàn; sự phối hợp công việc trong nhóm thợ chưa tốt dẫn đến tai nạn.

Công tác tổ chức sản xuất, chỉ đạo thi công của cán bộ công trường, phân xưởng chưa đảm bảo, chưa dự báo, phát hiện kịp thời những nguy cơ mất an toàn để có biện pháp xử lý; công tác tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện an toàn lao động cho công nhân chưa hiệu quả.

Việc lập, duyệt hồ sơ kỹ thuật, hộ chiếu, biện pháp thi công, biện pháp kỹ thuật an toàn chưa đảm bảo theo quy định. Công tác kiểm tra, giám sát của cán bộ các phòng ban chưa sâu sát, chưa phát hiện được vi phạm của đơn vị thi công và người lao động để kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục. Đoàn điều tra TNLĐ của tỉnh Quảng Ninh tiến hành điều tra và tổ chức kết luận 8/11 vụ TNLĐ chết người và 1 vụ TNLĐ làm bị thương nhiều người.

Qua điều tra kiến nghị và các cơ quan chức năng khởi tố hình sự 1 vụ (vụ TNLĐ xảy ra ngày 8-5 tại Công ty cổ phần Than Cao Sơn); ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2 đơn vị 15,7 triệu đồng; yêu cầu các đơn vị thực hiện 38 kiến nghị; đề nghị xử lý kỷ luật 50 người có lỗi để xảy ra TNLĐ, trong đó có 3 chánh phó piám đốc, 8 trưởng phó phòng ban, 8 cán bộ phòng ban, 16 chánh phó quản đốc, 5 lò trưởng, tổ trưởng sản xuất và 10 công nhân.

Để khắc phục tình trạng mất an toàn lao động, ngay sau khi các vụ TNLĐ liên tiếp xảy ra, TKV tổ chức nhiều cuộc họp rút kinh nghiệm, chấn chỉnh công tác an toàn lao động trong toàn ngành. TKV chỉ đạo các đơn vị hầm lò phải tổ chức phổ biến cụ thể diễn biến, nguyên nhân, biện pháp phòng ngừa sự cố gây tai nạn nghiêm trọng xảy ra đến tất cả người lao động.

Các đơn vị để xảy ra TNLĐ nghiêm trọng phải tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh, xử lý kỷ luật những người có liên quan, rút kinh nghiệm kỹ các sự cố gây chết người đã xảy ra và thông báo đến tất cả các công trường, các ca sản xuất, đến từng người lao động, nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn không để sự cố tái diễn.

Đặc biệt, lưu ý công tác thông gió và kiểm soát khí mỏ tại các gương lò độc đạo, đường lò tạm dừng sản xuất để kịp thời phát hiện các tồn tại và khắc phục. Kiểm soát công tác đo kiểm tra điện trở kíp điện nhằm đảm bảo hiệu quả công tác nổ mìn, hạn chế tối đa hiện tượng mìn câm, mìn sót.

Tăng cường công tác kiểm tra hiện trường sản xuất, phát hiện kịp thời các nguy cơ mất an toàn để có biện pháp khắc phục; tăng cường tuyên truyền cán bộ, công nhân nâng cao ý thức tự chủ trong an toàn sản xuất; nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà vệ sinh trong hầm lò tại các ga, nơi chờ đợi đông người.

Đăng Hùng
.
.
.