Quảng Nam kêu gọi tàu thuyền vào tránh bão

Thứ Hai, 14/09/2015, 13:43
Sáng ngày 14/9, tại hội nghị trực tuyến với Bộ NN&PTNT về công tác về phòng chống thiên tai và công tác phòng chống bão số 3 đang tiến sát vào khu miền Trung.


Tại đây, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam báo cáo, từ tối qua đến sáng ngày 14.9, tình hình mưa tại Quảng Nam chủ yếu tập trung ở khu vực đồng bằng. Lượng mưa đo được tại TP Tam Kỳ là 153mm, trung du miền núi từ 54 - 100mm.

Hiện nay, mực nước trên sông Thu Bồn, Vu Gia đang thấp hơn báo động 1, khả năng từ báo động 1 - đến báo động 2. Các hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn đang ở mức nước chết.

Bão chưa đổ bộ nhưng tại vùng biển Tam Thanh (Quảng Nam) bị giót thổi quật ngã chiều chòi nghỉ mát của dân kinh doanh.
Còn theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, hiện nay Quảng Nam có 176 tàu gần bờ với 913 lao động đang trên đường vào bờ; 125 tàu hoạt động xa bờ với 2.878 lao động, trong đó có 15 tàu với 525 lao động đang câu mực ở khu vực Trường Sa. Đặc biệt, có 110 tàu với 2.353 lao động đang câu mực, lưới vây ở vùng biển Hoàng Sa - nơi ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Đến nay, đã có 5 tàu vào gần bờ, còn lại 105 tàu đang di chuyển đến vùng biển phía Nam tìm nơi tránh bão số 3 an toàn hơn. Được biết, trong sáng nay, Bộ đội Biên phòng các tỉnh trên khu vực miền Trung cũng đã tiến hành bắn pháo hiệu bão 58 điểm, đồng thời phối hợp với gia đình, địa phương thông báo về hướng di chuyển của cơn bão số 3 cho 48 nghìn phương tiện và 210 nghìn người.

Trao đổi nhanh với ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch UBND xã biển Tam Thanh, Quảng Nam cho biết: “Ngay sau khi nhận thông tin bão số 3, xã Tam Thanh đã chỉ đạo ngay Đội xung kích của xã phối hợp với 7 Tổ đoàn kết của 7 thôn triển khai ngay xuống các hộ dân nằm cạnh bờ biển tổ chức di dời dân, hỗ trợ giúp người dân vận chuyển đồ đạc lên cao. Ngoài ra, còn hỗ trợ ngư dân thu gôm tôm, cá nuôi dọc mép sông. Rất may, đợt này toàn bộ tàu, thuyền công suất lớn của địa phương đã neo đậu và tránh bão an toàn ở Đà Nẵng, còn số lượng xuồng nan cũng được đưa hết lên bờ tránh bão…,” - ông Lâm nói.

Ngư dân vùng ven biển đưa thuyền, xuồng nan lên bờ tránh bão.
Hiện nay, cả Quảng Nam còn 3.500ha lúa nước chưa gặt, nguy cơ ảnh hưởng bão, lũ là rất cao.

Trao đổi với ông Lê Muộn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam cho biết, hiện nay cả tỉnh còn 3.500ha lúa nước chưa gặt, chủ yếu nằm ở 6 huyện miền núi chiếm 2.500ha, còn lại ở vùng bắc Đại Lộc cùng các vùng ven lân cận. Ngoài lúa ra, trên địa bàn vẫn còn nhiều diện tích dưa hấu, dưa gang gieo trễ, nhưng đa số nằm trên vùng đất cao ráo nên qua cơn mưa kéo dài đêm ngày đến nay chưa thấy ảnh hưởng gì.

Sáng cùng ngày, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có Công điện khẩn số 04/CĐ-UBND về công tác phòng, chống cơn bão số 3. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố: huy động tất cả mọi lực lượng, phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang và các đơn vị liên quan trên địa bàn chỉ đạo thực hiện quyết liệt, khẩn trương, đồng bộ các biện pháp để chủ động đối phó với tình hình bão, lũ; kiểm tra, ra soát các khu dân cư ở các vùng ven biển, ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, chủ động triển khai các phương án ứng phó để đảm bảo an toàn về người và tài sản; tổ chức triển khai ngay các biện pháp chỉ đạo nhân dân và các cơ quan đóng trên địa bàn chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc, kho tàng, các trường học, cơ sở y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng đảm bảo an toàn; bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết…

Các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện xử lý các sự cố, theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa nước, thực hiện tốt việc thông báo, điều tiết xả lũ linh hoạt và theo đúng quy trình vận hành được phê duyệt…Các cơ quan liên quan đảm bảo lực lượng cơ động ứng phó với bão số 3, phân luồng, phân tuyến giao thông, sẵn sàng các phương án sơ tán dân, kịp thời xử lý các sự cố về điện…


An Khang
.
.
.