Quảng Nam “gồng mình” chống chọi mưa lũ

Thứ Năm, 03/11/2016, 10:19
Học sinh nhiều nơi phải nghỉ học, nhiều điểm bị sạt lở nghiêm trọng, nước ngập gây chia cắt giao thông... Người dân tỉnh Quảng Nam đang "gồng mình" chống chọi với đợt mưa lũ lớn nhất từ đầu năm 2016 đến nay.

Đến sáng 3-11, do mực nước sông Vu Gia - Thu Bồn dâng cao, vẫn còn gây ngập, chia cắt nhiều điểm trên địa bàn huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam nên học sinh ở nhiều khu vực tiếp tục phải nghỉ học.

Theo Phòng GD&ĐT huyện Đại Lộc, có hơn 1.000 học sinh các cấp học mẫu giáo, tiểu học, THCS phải nghỉ học từ ngày 2-11, tập trung ở các xã Đại Đồng, Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Sơn, Đại Tân, Đại Cường, Đại Minh.

Đến sáng nay, tại cầu Ba Khe 3 trên tuyến ĐT 609 của huyện Đại Lộc, nước vẫn còn ngập sâu, người và phương tiện qua lại vẫn còn phải đi đò.

Ông Nguyễn Hữu Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, cho biết do lượng mưa rất lớn những ngày qua đã khiến một số nơi trên địa bàn huyện bị nước lũ dâng cao, gây chia cắt. Trong đó ngập nặng nhất ở xã Đại Cường, thị trấn Ái Nghĩa và đường ĐT609 dẫn lên các xã Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Sơn.

Để chủ động phòng chống lũ lụt, UBND huyện Đại Lộc đã có công điện gửi các địa phương yêu cầu bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn, cương quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực nguy hiểm, nơi dễ sạt lở đất.

Mưa lũ làm chia cắt nhiều tuyến đường ở huyện Nam Trà My.

Trong sáng 3-11, tại thôn Tân An, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc có 3 con trâu đã bị chết trong lúc người dân chuẩn bị đưa đi tránh nước lũ. Vị trí 3 con trâu bị chết nằm ngay dưới đường dây điện 500kV chạy qua địa bàn thôn Tân An. Theo người dân, nguyên nhân có thể do trâu bị nhiễu điện.

3 con trâu bị chết nghi do nhiễu điện tại xã Đại Lãnh vào sáng 3-11.

Trước đó, chiều 2-11, theo thông báo xả lũ của Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 và Sông Bung 4, người dân các xã Đại Lãnh, Đại Sơn và Đại Hưng đã lùa hàng ngàn con trâu, bò lên các triền núi cao để tránh lũ.

Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh Ngô Xuân Yến cho biết tối 2-11 rạng sáng 3-11, lưu lượng nước từ các nhà máy thủy điện đổ về vùng hạ du với khối lượng lớn, làm nhiều nơi trên địa bàn xã ngập sâu tới 1,5m. Tuy nhiên, sau đó nước lũ đã thoát rất nhanh và hiện nay người dân đang tích cực vệ sinh, dọn dẹp lại nhà cửa để ổn định cuộc sống.

Một điểm sạt lở nghiêm trọng trên tuyến QL40B tại huyện Nam Trà My.

Còn tại huyện Nam Trà My, ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện, cho biết do ảnh hưởng mưa lớn từ ngày 1 đến 3-11, trên địa bàn huyện Nam Trà My xảy ra đợt mưa rất lớn kéo dài, đã làm thiệt hại nghiêm trọng đối với huyện Nam Trà My.

Trên địa bàn huyện Nam Trà My, nhiều ngôi nhà bị ngập sâu. 3 hộ dân đang sinh sống tại nóc Tak Rối, thôn 4, xã Trà Tập có nguy cơ bị lũ quét, nếu lượng mưa kéo dài sẽ thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng của người dân.

QL40B đoạn qua Tăc Pỏ - Nước Xa bị ách tắc giao thông hoàn toàn từ 10 giờ ngày 1-11. Hiện nay huyện Nam Trà My đang lập chốt chặn không cho người và phương tiện qua lại do có nhiều vị trí có nguy cơ sạt lở rất lớn ảnh hưởng đến tính mạng con người. Ước tổng khối lượng đất, đá sạt lở tính đến 8h ngày 3-11 trên địa bàn huyện Nam Trà My khoảng 75.130m3.

Ước tổng khối lượng đất, đá sạt lở tính đến 8h ngày 3-11 trên địa bàn huyện Nam Trà My khoảng 75.130m3.

Theo dự báo của Chi cục phòng chống thiên tai khu vực miền Trung-Tây Nguyên, lũ trên các sông ở Quảng Nam, từ Bình Định đến Khánh Hòa và Gia Lai tiếp tục lên; các sông ở Hà Tĩnh đến Huế, Quảng Ngãi, Kon Tum tiếp tục xuống. Riêng tại Quảng Nam, dự báo trong chiều 3-11, ,mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa lên mức 8,1m, trên báo động 2 0,1m.

Tình hình các hồ đập thủy lợi và hồ chứa thủy điện tại Quảng Nam vẫn an toàn.
Ngọc Thi
.
.
.