Dịch vụ “chuyển phát nhanh” bằng xe khách:

Quản lý chưa chặt

Chủ Nhật, 04/01/2015, 10:45
Tuy không phải mới xuất hiện, thế nhưng nhìn từ dịp nghỉ Tết Dương lịch năm 2015 vừa qua mới thấy dịch vụ “chuyển phát nhanh” bằng xe khách tại các bến xe đang khá nở rộ. Đi kèm với đó là hàng loạt những mối lo liên quan đến tội phạm hình sự phát sinh, cần sự chung tay hơn nữa từ phía các cơ quan chức năng.

Có một điều dễ thấy, nhằm kiếm thêm thu nhập, nhiều xe khách trong thời gian trở lại đây đã kiêm thêm dịch vụ “chuyển phát nhanh” các loại giấy tờ, bưu phẩm – linh kiện. Có cung ắt có cầu, lượng người sử dụng loại hình dịch vụ này theo đó cũng tăng đáng kể.

Những ngày đầu năm 2015 – khi dịp nghỉ Tết Dương lịch đang diễn ra, có mặt tại các bến xe khách đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội như: Bến xe phía Nam, Bến xe Lương Yên, Bến xe Mỹ Đình… chúng tôi thấy rằng, bên cạnh số hành khách về quê, đi nghỉ lễ là nhiều trường hợp tìm đến các nhà xe để giao dịch chuyển giấy tờ, bưu phẩm – linh kiện cho người thân.

Dù không phải là dịch vụ chính mà mình đảm nhận, song do phí dịch vụ cao trong khi xe không mất nhiều diện tích cho việc để hàng, bưu phẩm, rồi công tác quản lý của các cơ quan chức năng về vấn đề này còn buông lỏng nên nhiều nhà xe đã tranh thủ kiếm thêm thông qua dịch vụ “chuyển phát nhanh”. Đây cũng chính là lý do lý giải vì sao loại hình dịch vụ này đang gia tăng mạnh trong thời gian qua.

Không thể phủ nhận dịch vụ “chuyển phát nhanh” thông qua xe khách có những tiện ích như: rút ngắn thời gian gửi đồ, không cần chủ hàng đi cùng hàng vẫn chuyển đến tận địa chỉ người nhận v.v.. thế nhưng thực tế đang cho thấy, đi kèm với loại hình dịch vụ này là hàng loạt các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự cần phải bàn đến.

Sáng 2/1, có mặt trên tuyến xe khách mang BKS 19B-001xx, chạy tuyến Hà Nội  - Phú Thọ, chúng tôi ghi nhận nhà xe này dừng xe trên dọc tuyến đường đến gần chục lần để nhận bưu phẩm, linh kiện do khách hàng gửi. Đi kèm với mỗi bưu phẩm, linh kiện được đóng gói kỹ càng là số điện thoại của người nhận cùng khoản tiền phí dịch vụ từ 20-30 ngàn đồng/bưu phẩm.
Dịch vụ "chuyển phát nhanh" bằng xe khách còn tiềm ẩn không ít rủi ro.

Các công đoạn giao dịch diễn ra khá chớp nhoáng, thời gian chưa đầy 1 phút. Nhìn hình ảnh này, chúng tôi thấy lo ngại vì tài xế và “lơ xe” sau khi nhận bưu phẩm chỉ hỏi khách qua loa đại loại như: “Gửi cho ai?”, “Số điện thoại người nhận đã ghi trên bưu phẩm chưa?”…hoặc chỉ kịp đưa tấm cardvisit của nhà xe và dặn người gửi nói với người nhận chủ động liên hệ để lấy hàng v.v.. Còn việc kiểm tra xem bưu phẩm trên là gì, có là hàng cấm, hàng nguy hiểm hay không thì không hề thấy. Thấy tôi hỏi: “Không sợ bưu phẩm trên chứa hàng cấm, thuốc nổ… hay sao?”, lơ xe buông một câu xanh rờn: “Từ trước đến nay, có thấy ai gửi hàng cấm đâu mà lo, mà phải kiểm tra (!)”.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Tất Thành – Giám đốc Bến xe phía Nam (Hà Nội) cho biết, hằng ngày có khoảng 950 lượt xe khách ra vào bến tham gia vận tải hành khách. Bến cũng nắm được việc một số nhà xe kiêm thêm dịch vụ “chuyển phát nhanh” và nhằm ngăn chặn tình trạng các nhà xe giao dịch, vận chuyển hàng cấm, các mặt hàng dễ cháy nổ v.v.., thời gian qua, Bến đã thường xuyên tổ chức ký cam kết đối với các nhà xe tham gia hoạt động vận tải.

Đặc biệt, trong dịp Tết Dương lịch 2015 vừa qua, lãnh đạo bến xe đã yêu cầu các nhà xe ký cam kết tuyệt đối không vi phạm 4 nội dung, trong đó có nội dung: “cấm chở hàng cấm”. Đối với các trường hợp vi phạm, Bến sẽ đình tài từ 7-15 ngày, thậm chí còn kiến nghị Sở Giao thông vận tải rút giấy phép kinh doanh trên tuyến đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

Việc tổ chức ký cam kết, phòng ngừa các nhà xe vi phạm hoặc bị các đối tượng lợi dụng dịch vụ “chuyển phát nhanh” để chuyển hàng cấm là thế, song trên thực tế, nhiều nhà xe vẫn chủ quan, giao dịch qua loa, không tuân thủ đầy đủ các quy định về vận chuyển hàng hóa. Để rồi, khi tội phạm phát sinh, hậu quả xảy ra thì đã quá muộn.

Đơn cử như vụ gây nổ trên xe khách tại địa bàn huyện Nghi Lộc (Nghệ An) do đối tượng Lê Đức Đệ, ở thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) thực hiện là một ví dụ điển hình. Trước đó, ngày 21/9, do xuất phát từ mâu thuẫn với anh L.C.T. cùng ở thị xã Hoàng Mai, nên Đệ đã chế mìn tự tạo vào chiếc loa, sau đó đóng gói thành bưu phẩm để nhờ xe khách mang BKS 29B-0567x chuyển tới địa chỉ của anh T.

Khi xe chạy đến địa điểm người nhận, tài xế Phan Đình N. gọi điện thoại vào số máy ghi trên bưu phẩm nhưng không liên lạc được. Đến trưa 30/9, khi không thấy ai nhận gói hàng này nên phụ xe Viết H đã mở ra xem thì thấy một chiếc loa điện tử. Do tò mò, anh H. có cắm thử dây điện, bỗng chiếc loa phát nổ khiến anh H., anh N. cùng một phụ xe khác tên T.V.T. bị thương nặng phải đi cấp cứu tại bệnh viện…

Không chỉ lợi dụng dịch vụ “chuyển phát nhanh” bằng xe khách để chuyển vật liệu nổ, mìn chế tạo dưới hình thức linh kiện điện tử, bưu phẩm hàng hóa, một số đối tượng còn tận dụng kẽ hở từ việc hợp đồng “chuyển phát” bằng miệng, chữ “tín” của nhà xe trong việc không mở gói hàng trong suốt quá trình vận chuyển để “tuồn” cả ma túy, hàng lậu đến nơi tiêu thụ. Thực tiễn cũng đã có nhiều vụ phạm pháp hình sự dạng này bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.
Quản lý chặt dịch vụ “chuyển phát nhanh” bằng xe khách để ngừa tội phạm phát sinh.

Ông Lê Thanh Tuấn – Giám đốc Bến xe Lương Yên (Hà Nội) cho hay: Theo quy định, bến xe không có thẩm quyền trong việc kiểm tra, mở các hộp quà, bưu phẩm linh kiện… mà khách hàng giao dịch với các nhà xe. Thế nên, để phát hiện các bưu phẩm chứa hàng cấm, vật liệu nổ đều phải thông qua sự phối hợp với các lực lượng chức năng như: Công an, Quản lý thị trường v.v..

Bên cạnh đó, việc các nhà xe thực hiện giao dịch “chuyển phát nhanh” đối với khách hàng trên dọc tuyến cũng là một trong những yếu tố gây khó khăn cho công tác quản lý của bến xe. Do đó, nhằm ngăn chặn những nguy cơ, hệ lụy đi kèm, bến xe trong thời gian qua cũng đã chú trọng đến việc tổ chức ký cam kết: không chở hàng cấm, hàng vi phạm pháp luật với các nhà xe ra, vào bến đón - trả khách.

Trước những nguy cơ đi kèm với loại hình dịch vụ “chuyển phát nhanh” bằng xe khách đang có chiều hướng nở rộ như hiện nay, thiết nghĩ bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho các nhà xe, giúp các nhà xe nâng cao nhận thức trong quá trình giao dịch như: phải yêu cầu người gửi xuất trình chứng minh nhân dân, số điện thoại – địa chỉ rõ ràng… để khi sự kiện pháp lý phát sinh sẽ có cơ sở để giải quyết, đồng thời tạo sức răn đe đối với các trường hợp đang có ý định lợi dụng dịch vụ này để phạm pháp hình sự. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm cũng cần được lực lượng chức năng phối hợp, đẩy mạnh hơn nữa.

Trần Huy
.
.
.