Giải bài toán sạt lở ở Tây Nam Bộ: Truy đúng nguyên nhân, có giải pháp hiệu quả

Thứ Sáu, 10/07/2020, 06:54
Các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng cần có một bản đồ phản ánh chung tình hình sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Những nơi có nguy cơ sạt lở cao sẽ dứt khoát không được bố trí khu dân cư, nhà cửa và các công trình trọng điểm. Chỗ nào trồng cây được thì trồng, nơi nào xung yếu thì nghĩ tới giải pháp làm đê kè, giải pháp phi công trình.


Ông Võ Hùng Dũng, Phó Giám đốc Sở TN&MT An Giang cho rằng, nguyên nhân sạt lở được các cơ quan chức năng đánh giá chủ yếu là do diễn biến thời tiết bất thường, tác động của quá trình biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của các đập thủy điện trên sông Mê Kông gây thiếu bùn cát bồi lắng, yếu tố thủy lực, dòng chảy, hình thái dòng sông, cấu trúc địa chất bờ sông, vận động kiến tạo và hoạt động kinh tế - xã hội (ghe tàu, khai thác cát, hoạt động xây dựng, vận tải 2 bên bờ sông...).

Tỉnh An Giang nói riêng và ĐBSCL là vùng đất trẻ, nền đất yếu, rất dễ bị xâm thực, bào mòn nhanh; sự tác động của sông nước, biên độ chênh lệch của đỉnh triều – chân triều và nhiều dòng sông giao nhau làm cho dòng chảy không bình thường, tạo ra dòng chảy xoáy; dân cư phát triển nhanh, tăng mật độ xây dựng nhà ở bê tông kiên cố; xây dựng công trình kho bãi nhà máy, công trình giao thông, chất thải gần bờ sông làm tăng tải trọng vượt khả năng chịu tải của bờ sông; việc gia tăng phương tiện giao thông trên bờ, dưới sông gây chấn động và sóng… là những nguyên nhân dẫn đến sạt lở đất ven sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh.

Xử lý nghiêm việc khai thác cát trái phép nhằm hạn chế tình trạng sạt lở.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UNBD tỉnh An Giang cho biết, tỉnh An Giang đang triển khai các giải pháp nâng cao năng lực cảnh báo, theo dõi, quan trắc cảnh báo các đoạn sông xảy ra sạt lở; phối hợp với các địa phương tiến hành khoanh vùng các khu vực có nguy cơ sạt lở; cắm mốc giới hạn hành lang sạt lở nguy hiểm, làm cơ sở cho các địa phương tiến hành thống kê hộ dân, lập quy hoạch dân cư, giao thông và xây dựng kế hoạch di dời dân ra khỏi khu vực sạt lở. Bên cạnh đó, tỉnh rà soát điều chỉnh quy hoạch giao thông, dân cư trên địa bàn một cách đồng bộ, định hướng di dời dân lâu dài, ổn định cuộc sống gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

“Đặc biệt là chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước, đề xuất giải pháp quản lý nhà nước về giao thông, xây dựng trên khu vực bờ sông, kênh, rạch và khu vực cảnh báo sạt lở. Không để phát sinh, cải tạo gia tăng tải trọng nhà ở, công trình trên bờ sông, kênh, rạch trái phép; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư các cụm, tuyến dân cư phục vụ di dời dân cư vùng sạt lở...”, ông Trần Anh Thư chia sẻ.

PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) cho rằng, chúng ta không hoàn toàn “chung sống với sạt lở” nhưng có thể tìm cách hạn chế thiệt hại, tránh né nó bằng các biện pháp công trình hay phi công trình để giảm thiểu tác động; nghiên cứu các giải pháp chỉnh trị sông ngòi. Ngoài ra cần quy hoạch, làm kế hoạch di dời, bố trí lại nơi sản xuất và cư trú ở chỗ an toàn hơn. Tăng cường biện pháp trồng cây bản địa để giữ đất.

“Trong xây dựng, cần nghĩ đến các giải pháp giảm sử dụng cát sông để san lấp hay làm vật liệu xây dựng, nhập cát từ nơi khác, thay đổi cấu trúc vật liệu, kiểu công trình để giảm áp lực khai thác cát sông. Trong giao thông, cần lắp đặt các biển báo để tàu ghe giảm tốc độ, hay tránh qua những nơi có nguy cơ sạt lở, các tuyến đường sát bờ sông nên chuyển qua làm đường tránh vào trong để giảm tác động giao thông đến ổn định bờ sông”, PGS-TS Lê Anh Tuấn chia sẻ.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu sinh thái độc lập ĐBSCL cho rằng, đối với bối cảnh chung, vì nguyên nhân gốc của vấn đề là thiếu cát và thiếu phù sa, cần hạn chế khai thác cát ở nội tại ĐBSCL. Việc này xem ra đang khó khăn vì nhu cầu cát rất lớn. Trong tình hình đó, chỉ còn cách ứng phó tình huống và so sánh, chọn lựa phương án cho từng vụ sạt lở cụ thể.

Chọn biện pháp công trình hay phi công trình, điều quan trọng là xem có khả thi hay không, quan trọng nhất là xem có bảo vệ được phần chân bờ sông hay không. Nếu phần chân không thể bảo vệ thì sạt lở vẫn diễn ra. “Ở nơi nào biết rằng không thể bảo vệ thì đành chọn phương án rút lui, chấp nhận bỏ điểm đó, ưu tiên dùng kinh phí để tái định cư ổn định đời sống sớm cho người dân.

Cần cân nhắc chi phí - lợi ích, chỉ nên chi phí lớn để bảo vệ những nơi xung yếu không thể bỏ, biết rằng can thiệp nơi này có thể gây sạt lở nơi khác. Đem cát nơi khác đắp nơi này thì gây thiếu hụt chung và gia tăng sạt lở toàn hệ thống sông. Cuối cùng, trước khi sạt lở thì nên xem là tình huống khẩn cấp. Khi sạt lở đã xảy ra, ở giai đoạn khắc phục thì việc phân tích thấu đáo, chọn đúng phương án hiệu quả mới là ưu tiên số một”, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện chia sẻ.

Kiến nghị Chính phủ cho “nắn” dòng sông Hậu

UBND tỉnh An Giang vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh An Giang xã hội hóa dự án chỉnh trị dòng chảy sông Hậu bảo vệ QL91 với chiều dài khoảng 3km. Việc chỉnh trị, nạo vét thông luồng kết hợp tận thu cát. Đơn vị thực hiện chỉnh trị chịu chi phí lập dự án chỉnh trị và chi phí đền bù đất bãi bồi (ngoài phạm vi 30m đất bãi bồi do nhà nước quản lý); trường hợp mức tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cát tận thu lớn hơn chi phí lập dự án và đền bù đất bãi bồi, đơn vị thực hiện chỉnh trị phải nộp lại ngân sách phần chênh lệch. Để xử lý sạt lở một cách căn cơ, triệt để, sớm ổn định dân cư và hoàn trả lại mặt đường QL91 (đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú), lãnh đạo UBND tỉnh An Giang  cho rằng, cần phải thực hiện việc nạo vét, thông luồng, chỉnh trị dòng chảy sông Hậu. 

“Giải pháp này không thể làm gấp gáp, không sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, để thực hiện việc nạo vét khơi thông, chỉnh trị dòng chảy cần phải thực hiện theo các quy trình nghiêm ngặt, với sự nghiên cứu, tham vấn của các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia và nhà khoa học”, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nói.

Văn Vĩnh – Trần Lĩnh
.
.
.