Phụ huynh “tố” Hiệu trưởng trường Nam Trung Yên báo cáo sai sự thật
Ngày 17-2, ông Trần Chí Dũng, bố của cháu Trần Chí Kiên, nạn nhân bị gãy xương đùi tại sân trường Tiểu học Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã gửi đơn đến cơ quan quản lý giáo dục và các cơ quan báo chí chỉ rõ những hành vi không trung thực trong Báo cáo của bà Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trường Nam Trung Yên đã “trần tình” với cơ quan chức năng và báo chí trong ngày 13-2.
Đơn thư của ông Trần Chí Dũng nêu rõ: “Trong đơn thư khiếu nại cũng như trong các buổi làm việc với các cơ quan quản lý hoặc các cuộc trả lời các đài báo trước đây, tôi đều phản ánh về việc con tôi là cháu Kiên bị gãy chân do va chạm với xe ô tô chở Hiệu trưởng và Hiệu phó đi lại trong sân trường. Tôi chưa bao giờ phản ánh thông tin Hiệu phó lái xe chở Hiệu trưởng trong sân trường gây tai nạn cho con tôi.
Tuy nhiên, trong báo cáo “trần tình” của cô Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc lại viết: “Đến ngày 19/12/2016 khi nhận được thông tin từ Phòng giáo dục, chúng tôi được biết cô Hương lái xe chở cô Ngọc đâm vào học sinh. Chúng tôi thiết nghĩ đây là trò vu khống của một kẻ nào đó vì bản thân gia đình cô Hương không có xe ô tô và cũng chưa bao giờ lái xe nên điều này là không thể xảy ra”.
Do vậy, chúng tôi đề nghị Phòng Giáo dục quận Cầu Giấy cần lên tiếng để làm sáng tỏ thông tin này. Nếu không làm sáng tỏ được sự việc này thì có nghĩa là Phòng giáo dục đã phản ánh sai sự thật hoặc các cá nhân này (hiệu trưởng, hiệu phó) đã vu khống cho Phòng Giáo dục đưa tin thất thiệt”-ông Dũng đặt vấn đề.
Vấn đề thứ hai mà ông Dũng đặt ra là trong cái gọi là Báo cáo sự việc cần xem xét của cô Tạ Thị Bích Ngọc- Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên -Cầu Giấy -Hà Nội có nội dung “…10h30 ngày 12/12/2016 bố cháu Kiên đến trường trao đổi với cô giáo Nhung mong muốn cô giáo chủ nhiệm và nhà trường khảo sát tìm nguyên nhân cháu Kiên ngã để gia đình có hướng điều trị phù hợp”.
Theo ông Dũng, đây hoàn toàn là sự bịa đặt vì gia đình ông không có sáng kiến này để cho nhà trường tiếp thu. Đồng thời khẳng định rõ: “Trong ngày 12/12/2016, tôi đã có một cuộc gặp nói chuyện với 4 cô: cô Ngọc, cô Tần (khối trưởng khối 2), cô Nhung (giáo viên chủ nhiệm cháu Kiên), cô Hòe (giáo viên cháu Kiên năm lớp 1) chứ không chỉ gặp riêng cô Nhung và trong cuộc gặp gỡ tôi không đề xuất nhà trường khảo sát để tìm nguyên nhân tai nạn mà chỉ yêu cầu nhà trường tìm hiểu và cung cấp cho tôi sự thật về tai nạn của con tôi.”-ông Dũng nhấn mạnh.
Vấn đề thứ ba, theo ông Dũng, trong cái gọi là Báo cáo sự việc cần xem xét của cô Tạ Thị Bích Ngọc -Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên- Cầu Giấy- Hà Nội có nội dung “Việc làm phiếu khảo sát cô Nhung đã tư vấn cho cấp ủy, Ban giám hiệu, chúng tôi đã tiếp thu ý kiến của gia đình, thống nhất mẫu phiếu khảo sát và giao cho cô Hương chỉ đạo các giáo viên có liên quan làm rõ sự việc này”. “Việc này cũng là sai sự thật và đã được cô Nhung phủ nhận trên một số trang báo trong ngày 16-2”-ông Dũng viết.
Vấn đề thứ tư, “trong cái gọi là Báo cáo sự việc cần xem xét của cô Tạ Thị Bích Ngọc có giải thích vì cô Ngọc phải gây mê còn mệt nên hai cô phải đi taxi vào trường. Tôi cho rằng đây là lý do không thuyết phục, vì theo tôi hiểu trong trường hợp người được gây mê chưa đảm bảo sức khỏe thì đơn vị y tế sẽ không cho phép người được gây mê rời khỏi cơ sở khám bệnh ...
Việc cô Ngọc đã được cho phép rời khỏi bệnh viện để bắt taxi về trường thì chứng tỏ cô Ngọc không thể mệt mỏi và hơn nữa vào lúc 10h30 khi cô Ngọc thông báo về tai nạn của con tôi cho vợ tôi thì cô Ngọc chính là người nói chuyện rất tỉnh táo và lưu loát.
Tôi xin hỏi nội quy của nhà trường có cho phép ô tô được đi vào trường trong giờ học đặc biệt là giờ ra chơi hay không? Nếu ô tô không được phép đi vào trong trường thì Cô Ngọc và Cô Hương đã vi phạm nội quy của nhà trường do chính Cô và phòng Giáo dục quận đề ra, đồng thời coi rẻ tính mạng và sự an toàn của chính các em học sinh của mình”-ông Dũng nêu quan điểm.
Cháu Trần Chí Kiên, nạn nhân bị gãy xương đùi tại trường Tiểu học Nam Trung Yên, Cầu Giấy (Hà Nội) |
Thứ năm, trong Báo cáo của cô Tạ Thị Bích Ngọc có nội dung “ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn, tôi đã kịp phân công cho cô Hương trực tiếp giải quyết sự việc” và …thống nhất mẫu phiếu khảo sát và giao cho cô Hương chỉ đạo các giáo viên có liên quan làm rõ sự việc này”.
“Điều này đồng nghĩa với việc, cô Hương đã được giao xử lý vụ tai nạn này ngay từ khi vụ tai nạn được phát hiện và là người trực tiếp chỉ đạo việc lấy phiếu khảo sát. Cô Hương cũng là người cùng ngồi với cô Ngọc trên xe taxi đi vào trường, là người biết chắc chắn có xe ô tô đi vào trường ngày hôm đó nhưng vẫn nằm trong số 100% giáo viên nhà trường khẳng định không có ô tô nào đi vào trường sáng ngày 1/12/2016.
Điều này thể hiện sự gian dối, che dấu sự sai phạm và trốn tránh trách nhiệm của một giáo viên, một người quản lý nhà trường. Phải chăng trí nhớ, sức khỏe của cô Hương -một giáo viên, một Hiệu phó- với tuổi đời còn rất trẻ cũng có vấn đề?”-ông Dũng đặt câu hỏi.
Thứ sáu, trong Báo cáo của cô Tạ Thị Bích Ngọc có nội dung “Trong quá trình ngồi trên xe, tôi khẳng định không có hiện tượng va chạm vào bất kì học sinh nào trong trường nên trở về để làm việc bình thường” và trang 4 lại viết: “Tôi không ngồi trên xe va vào học sinh Trần Chí Kiên”.
“Liệu khẳng định này của hai cô có đáng được 1% của độ tin cậy hay không? Khi các bản tường trình của cô Ngọc gửi các cơ quan chức năng có nhiều điểm bất nhất như việc khẳng định tuyệt đối không có xe ô tô nào đi vào trong trường, sau đó lại chợt nhớ ra ngày 1/12/2016 Cô và Cô Hương đã bất chấp nội quy và tính mạng của các em học sinh hiên ngang cho taxi đi vào trong trường.
Việc này đã được rất nhiều bài báo phân tích. Liệu Cô Ngọc và Cô Hương còn có một khẳng định nào khác với những khẳng định được thay đổi liên tục theo thời gian nữa không? Cô Ngọc, Cô Hương là một đảng viên, một nhà giáo, một nhà quản lý thì sự trung thực, phẩm chất đạo đức tốt phải được ưu tiên hàng đầu. Vậy khi các cô cung cấp những bản báo cáo không trung thực, sai sự thật cho các cơ quan quản lý (UBND quận, phòng Giáo dục quận Cầu Giấy), thì các cô có phải nhận hình thức kỷ luật gì không?”-ông Dũng bày tỏ thắc mắc.
Vấn đề thứ bảy, cũng trong Báo cáo của cô Tạ Thị Bích Ngọc có nội dung “Cũng theo ông Tuấn thì lúc cháu Kiên bị ngã, đã có cô giáo đỡ cháu và hỏi han xem có sao không, điều đó chứng tỏ là các cô đã rất quan tâm đến học sinh, không phải vô trách nhiệm như một số báo đã nêu”.
“Điều này đã cho thấy rõ sự tiền hậu bất nhất của cô Ngọc và cô Hương, trên thì khẳng định không có mặt lúc ô tô va vào con tôi sau thì nói hỏi thăm con tôi lúc con tôi bị tai nạn, vậy có điều gì khuất tất ở đây? Tại sao hỏi thăm con tôi biết con tôi bị tai nạn ô tô nhưng khi tôi hỏi thì lại khẳng định không có ô tô nào đi vào trường và con tôi chạy tự ngã. Lời nói của những nhà giáo có còn đáng tin cậy được nữa không?”-ông Dũng đặt câu hỏi.
Ngoài việc bất bình với những điểm bất hợp lý trong Báo cáo của cô Tạ Thị Bích Ngọc- Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên- Cầu Giấy (Hà Nội), ông Trần Chí Dũng cũng bày tỏ nỗi buồn và cả sự thất vọng khi cả một tập thể giáo viên của trường không hiểu do cố tình hay bị ép buộc mà đồng lòng bao che cho sự sai trái?.
“Để xảy ra sự việc này, cán bộ giáo viên đã thể hiện sự vô cảm, hèn nhát của mình trước áp lực xấu xa. Đến bây giờ họ phải chịu đựng búa rìu của dư luận và nhận được những hoài nghi về tư cách và phẩm chất đạo đức của người cán bộ và giáo viên đặc biệt là những đảng viên của trường Tiểu học Nam Trung Yên, điều này thật là đau xót cho ngành giáo dục quận Cầu Giấy.
Với hành động bất chấp kỷ cương và đạo lý này của hai cô đã gây ra một hậu quả vô cùng nghiêm trọng và với hành vi dối trá của mình thì hai cô còn xứng đáng đứng trong đội ngũ các nhà giáo cao quý nữa hay không? Câu trả lời này tôi đề nghị UBND quận Cầu Giấy, phòng Giáo dục quận Cầu Giấy trả lời rộng rãi trước dư luận”-đơn thư nêu rõ.
Và cuối cùng, ông Trần Chí Dũng cùng không quên bày tỏ mong muốn “các cơ quan chức năng sớm có kết luận khách quan, rất mong các chỉ đạo đúng đắn của ông Phó thủ tướng, của ông Chủ tịch ủy ban Thành phố Hà Nội được thực thi nghiêm túc”.